(LSVN) - Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân; phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ.
Thực trạng phát triển đường cao tốc ở Việt Nam
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước, mạng lưới giao thông quốc gia, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc đã, đang và sẽ trở thành động lự quan trọng trong việc quy hoạch và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, mạng lưới đường bộ cao tốc ở nước ta đang được khai thác, sử dụng 09 tuyến với chiều dài gần 2.000 km, cụ thể:
(1) Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang khai thác, sử dụng với chiều dài khoảg hơn 1.100 km (trong năm 2023 đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng thêm 11 đoạn tuyến mới, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 100,8 km, Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99 km; Mai Sơn (Ninh Bình) - quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63,37km; quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43 km; Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An) dài 50 km; Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài 36 km; Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) dài 29 km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài 91 km; Cầu Mỹ Thuận 2 dài 7 km; Mỹ Thuận (Tiền Giang) - Cần Thơ dài 23 km.
(2) 03 tuyến cao tốc liên tỉnh: Nội Bài - Lào Cai dài 262 km; Hà Nội - Hải Phòng - Vân Đồn - Móng Cái dài 270 km; Hà Nội - Thái Nguyên dài 70 km.
(3) 05 đoạn tuyến cao tốc nội tỉnh: Đại lộ Thăng Long (dài 29,2 km); Liên Khương - Đà Lạt dài 19 km; Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch - Cầu Thăng Long dài 28,7 km; Nội Bài - Nhật Tân dài 15 km; Láng - Hòa Lạc dài 30 km.
Đến năm 2026 hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài khoảng 2.063 km. Đối với các tuyến cao tốc khác: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188 km; Biên Hòa - Vũng Tàu dài 34 km; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117 km; Tuyên Quang - Phú Thọ dài khoảng dài 40 km đang được triển khai thực hiện và dự kiến đến năm 2026 hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng với tổng số đường bộ cao tốc tại nước ta khoảng 3.000 km (tăng 1.292 km so với hiện nay).
Với lượng người và phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng hàng năm, kéo theo sự gia tăng về lưu lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc càng gia tăng sự phức tạp về tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai năm 2023 có tổng lưu lượng là 16.393.673 lượt phương tiện (tăng 20,6% so với năm 2022); trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải phòng tổng lưu lượng năm 2023 là 18.685.382 lượt phương tiện (tăng 16,7% so với năm 2022); trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi năm 2023 có tổng lưu lượng là 3.367.461 lượt phương tiện (tăng 17,1% so với năm 2022).
Thực trạng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc ở Việt Nam
Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT nhằm truyền bá những quy định của pháp luật về TTATGT và các lĩnh vực khác có liên quan, nhằm giúp cho mọi công dân hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó hình thành ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý, tôn trọng và tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trên đường bộ cao tốc giúp cho mọi người, nhất là người tham gia giao thông hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động giao thông, hành động đúng theo pháp luật và có ý thức đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho các tầng lớp nhân dân. Các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được thực hiện thường xuyên, liên tục như tuyên truyền trực tiếp cho quần chúng nhân dân, tập trung vào các đối tượng là người lái xe kinh doanh vận tải, thanh thiếu niên, công nhân, người lao động..., tổ chức triển lãm trưng bày biển pano, tờ rơi, chiếu phim, hoạt động tuyên truyền sân khấu hóa... về TTATGT; vận động doanh nghiệp, lái xe và người tham gia giao thông ký cam kết bảo đảm TTATGT; xây dựng tin bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động điển hình trong công tác bảo đảm TTATGT, những gương “người tốt, việc tốt’, phản ánh kịp thời các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT trên các tuyến giao thông đường bộ nói chung và nhất là trên các tuyến đường bộ cao tốc còn diễn ra khá phổ biến, tập trung là các hành vi vi phạm: dừng đỗ tùy tiện trên đường cao tốc và tại làn đường dừng xe khẩn cấp; điều khiển phương tiện trên đường cao tốc ra vào, chuyển làn đột ngột không có tín hiệu báo trước, không quan sát; chạy quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn; chạy dưới tốc độ tối thiểu quy định; sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông; thậm chí đi ngược chiều, lùi xe, quay đầu xe trên đường cao tốc... Đây là những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, uy hiếp trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người lái xe, người ngồi trên xe và người tham gia giao thông khác, vì đường cao tốc là nơi phương tiện lưu thông ở tốc độ cao (lên tới 120km/h), nhất là khi trời tối hoặc khi thời tiết xấu, tầm nhìn bị hạn chế.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tình hình TTATGT nói chung đã có chuyển biến; tuy nhiên, trên các tuyến đường cao tốc tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và những vấn đề khác thuộc lĩnh vực TTATGT (như hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông) vẫn đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Thống kê, phân tích hàng năm cho thấy có đến trên 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Do đó, một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đó là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông bằng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trên đường bộ cao tốc.
Nguyên nhân và giải pháp
Qua phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm TTATGT của người lái xe trên đường bộ cao tốc, song tựu lại có một số nguyên nhân cơ bản sau: Một là, ý thức, trách nhiệm công dân, văn hóa giao thông của nhiều người tham gia giao thông chưa cao, nhất là người điều khiển phương tiện chưa hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ các quy định pháp luật về TTATGT, kỹ năng lái xe trên đường bộ cao tốc. Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nhiều lần, cá biệt có những vi phạm nghiêm trọng có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc; uống rượu bia, sử dụng ma túy điều khiển phương tiện; sử dụng điện thoại di động khi lái xe chở khách...
Hai là, công tác tuyên tuyền phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, còn chung chung, chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ vi phạm cao (nhóm lái xe kinh doanh vận tải, công nhân, thanh thiếu niên, người dân tộc, người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa...). Nội dung tuyên truyền vẫn nặng về kêu gọi, cổ vũ, khích lệ, động viên, chưa chú trọng tới truyền thông với mục tiêu nhằm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi và hỗ trợ người tham gia giao thông có khả năng tự thay đổi lại bản thân mình. Chưa tạo ra được môi trường thực hành, tạo điều kiện để các đối tượng được tuyên truyền chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Thêm vào đó, một bộ phận người dân có thái độ cổ vũ, ủng hộ cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thậm chí trên một số trang mạng xã hội còn hướng dẫn cách “lách luật” hoặc ‘đối phó” với lực lượng chức năng...
Ba là, chương trình giáo dục, đào tạo lái xe còn thiếu việc huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông còn chưa có nhiều điều kiện để rèn luyện các kỹ năng cần thiết buộc phải có khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc như: cách ước lượng để bảo đảm về tốc độ và giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước, nhất là vào buổi tối và khi thời tiết xấu; không nắm bắt hoặc nắm bắt không đầy đủ thông tin về tuyến đường cao tốc mà mình lưu thông, dẫn đến đi quá điểm cần ra khiến phát sinh hành vi lùi xe, quay đầu xe, đi ngược chiều hoặc tùy tiện dừng đỗ để làm việc riêng trên đường cao tốc; không đánh giá hết được sự nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đường cao tốc dẫn đến việc đi bộ, mô tô đi vào đường cao tốc (thậm chí đi ngược chiều), tự ý phá rào chắn, hộ lan.
Bốn là, một số quy định của pháp luật về TTATGT trên đường cao tốc còn chưa phù hợp, có nhiều bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một hành vi vi phạm hoặc chưa điều chỉnh được các hành vi mới phát sinh.
Năm là, sự quan tâm, đầu tư về kinh phí, trang thiết bị và con người cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trên đường cao tốc còn hạn chế, một số địa phương vẫn “khoán trắng” công tác tuyên truyền cho ngành Công an và Giao thông vận tải, nên dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao, chưa huy động được hết sức mạnh và các nguồn lực xã hội vào công tác bảo đảm TTATGT.
Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông trên đường cao tốc thực sự có chiều sâu, đạt hiệu quả, cần tham mưu, triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải bám sát thực tiễn, đặc biệt là những nơi, những tuyến đường cao tốc có tình hình phức tạp về TTATGT nổi lên, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát giao thông, các lực lượng chức năng phải nắm bắt kịp thời, từ đó tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban an toàn giao thông quốc gia và các địa phương có sự quan tâm đầu tư cho công tác này về cơ chế, con người, phương tiện, kinh phí bảo đảm hoạt động đạt hiệu quả, đưa ra nội dung, hình thức tuyên truyền sát hợp với các nhóm đối tượng cần được tuyên tuyền.
Thứ hai, chủ động xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội... trong công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, nhất là việc phổ biến, huấn luyện kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc; vận động nhân dân sinh sống tại khu vực ven đường cao tốc có ý thức bảo đảm an toàn cho mình khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, không tự ý cắt, phá hộ lan, rào phòng hộ, không đi bộ vào đường cao tốc... Nội dung phối hợp cần cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị, các hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được áp dụng trong từng thời gian cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Thứ ba, củng cố và phát huy hiệu quả của các mô hình vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT, chú trọng xây dựng mới các mô hình tại những tuyền đường và địa bàn phức tạp về TTATGT, thường xuyên xảy ra vi phạm và TTATGT; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình, có đóng góp nhiều thành tích để duy trì và phát động phong trào trên tuyến.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT trên đường cao tốc, đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, coi trọng việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở và thực hiện việc tuyên truyền trên internet, các trang mạng xã hội, thông qua tin nhắn điện thoại, lập các nhóm thông tin TTATGT (qua các ứng dụng tin nhắn zalo, viber, messenger...). Về đối tượng, lựa chọn các nhóm đối tượng phù hợp như lái xe tải, container, xe khách... Về nội dung, thay đổi và giảm bớt các bài lý thuyết, hướng tới việc tuyên truyền thông qua các bộ kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố, va chạm hoặc tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc. Tài liệu tuyên truyền đơn giản, hướng dẫn cụ thể, sử dụng nhiều hình ảnh để tăng tính hấp dẫn; chú ý có tài liệu bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài. Đẩy mạnh việc sử dụng các nhân vật có ảnh hưởng, thu hút công chúng để tuyên tuyền, vận động các lớp người chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Chú trọng tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình tốt về bảo đảm TTATGT; bên cạnh đó, cần phê phán mạnh mẽ các vi phạm, hành vi nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, đả kích, lên án trào lưu thiếu văn hóa, lệch chuẩn ủng hộ, cổ vũ cho vi phạm; vận động quần chúng nhân dân lên án, tố giác, cung cấp tài liệu về các hành vi vi phạm TTATGT trên đường cao tốc cho lực lượng chức năng để xử lý nghiêm và kết hợp tuyên truyền phê phán.
Thứ năm, thí điểm sử dụng kênh thông tin chuyên biệt về các tuyến đường cao tốc trên mạng xã hội hoặc kênh phát thanh FM để cung cấp thông tin đầy đủ cho các lái xe về tuyến đường cao tốc dự kiến lưu thông (như các điểm ra, vào tuyền đường, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí...); hàng ngày cập nhật thông tin về TTATGT, dự báo thời tiết trên tuyến, cảnh báo tai nạn giao thông, sự cố, ùn tắc trên đường, khuyến cáo những hành vi nguy hiểm.
Tài liệu tham khảo 1. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. 2. http://chinhphu.vn. 3. Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 4. Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc - Thực trạng và giải pháp”, 2024. |
NGỌ DUY THI
Học viện Cảnh sát nhân dân
Căn cứ xác định giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự