Sau phiên đấu giá 11 biển số ô tô "siêu đẹp" ngày 15/9 vừa qua, Bộ Công an cho biết tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến thu về là hơn 82 tỉ đồng.
Vậy, trong trường hợp toàn bộ số tiền trên được thu về thành công, không có người bỏ cọc, việc đấu giá biển số ô tô cho thấy các đơn vị chức năng đã khai thác được kho tài nguyên lớn thì các khoản tiền thu về sẽ được sử dụng ra sao?
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 7, Nghị định số 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 của Chính phủ quy định: “Bộ Công an ký hợp đồng dịch vụ đấu giá biển số xe ô tô với một tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá biển số xe ô tô. Hợp đồng dịch vụ đấu giá biển số xe ô tô phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và Điều 33, Luật Đấu giá tài sản 2016”. Theo đó, việc đấu giá biển số xe ô tô sẽ được thực hiện thông qua một tổ chức đấu giá tài sản theo hợp đồng dịch vụ đấu giá biển số xe ô tô được ký kết giữa Bộ Công an và tổ chức đấu giá tài sản.
Đồng thời, điều luật này cũng quy định về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá như sau: “a) Đối với mỗi biển số xe ô tô đấu giá thành, thù lao dịch vụ đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá; b) Chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản là 10.000 đồng trên một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá”. Theo quy định này, chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản là 10.000 đồng trên một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, còn thù lao dịch vụ đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá đối với mỗi biển số xe ô tô đấu giá thành.
Cũng theo Luật sư, tại khoản 4, Điều 3, Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc Hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô quy định: “Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước”.
Bên cạnh đó, khoản 3, Điều 22, Nghị định số 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 của Chính phủ cũng quy định: “Cùng thời điểm lập dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đảm bảo an ninh trật tự, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm của Bộ Công an theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan”.
Từ quy định trên thì 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách Nhà nước sẽ được chi cho Bộ Công an để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đảm bảo an ninh trật tự theo quy định của pháp luật.
TRẦN MINH
Đấu giá biển số xe ô tô: Xử lý thế nào khi người trúng không nộp đủ tiền trong thời gian quy định