/ Kết nối
/ Huyện Bình Chánh (TP. HCM): Có hay không những nghịch lý về xây dựng đang tồn tại trên địa bàn xã Hưng Long?

Huyện Bình Chánh (TP. HCM): Có hay không những nghịch lý về xây dựng đang tồn tại trên địa bàn xã Hưng Long?

05/01/2021 17:54 |

LSVNO - Trong quá trình về địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh để thu thập thông tin, người dân nơi đây cho biết có một thực trạng xây dựng với nhiều nghịch lý đang diễn ra, đó là đất thuộc qu...

LSVNO - Trong quá trình về địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh để thu thập thông tin, người dân nơi đây cho biết có một thực trạng xây dựng với nhiều nghịch lý đang diễn ra, đó là đất thuộc quy hoạch dự án “treo” nhưng người xây nhà ở 3, 4 năm vẫn bị đập bỏ; người thì đang xây nhà biệt thự kiên cố, xây nhà trọ hàng chục phòng cho thuê. Mọi thứ đều có thể điều chỉnh được chỉ cần thông qua “cò” xây dựng?

Dân nghèo xin phép xây dựng không được, xây lên là bị đập

Trong vai một người đi mua nhà ở và đất để xây dựng, ghé vào quán nước ở ngã ba đường thuộc ấp 5, xã Hưng Long trò chuyện cùng bà Bảy Quan (một người bán quán nước và cũng là một “cò” đất ở trên địa bàn xã Hưng Long) cho hay: “Muốn mua nhà ở đây thì nên mua nhà giấy tờ tay rồi ra làm công chứng thừa phát lại là vào ở hợp lệ, chứ đừng mua đất ở đây, khó xây dựng lắm. Mua đất rồi là ôm đấy không xây được đâu. Ở đây người dân mình đi xin xây dựng khó lăm, người ta đập tùm lum, không xây được đâu”.

Cũng theo bà Bảy Quan, em trai của bà có 2 căn nhà đang xây dở ở ngay đối diện trường tiểu học Hưng Long nhưng bị chính bắt ngưng, không cho xây tiếp. Đã chạy tiền đưa cho “cò” xây dựng chung chi hết hơn 100 triệu rồi nhưng đi chưa đúng cửa nên chưa được xây tiếp vì chưa làm được giấy phép.

“Người dân mình muốn xây dựng khó lắm. Dân ở đây khổ lắm, nhà biệt thự cất thì chính quyền bảo hợp lệ. Nhiều căn nhà trọ chỉ cho phép được cất 5,6 phòng mà người ta vẫn cất 30 đến 40 phòng bình thường, vì chỉ cần có cái giấy phép được xây dựng treo phía trước thì không thấy ai dám sờ tới. Những người dân cất cái chòi nhỏ nhỏ thì người ta đập phá không cho xây. Riết rồi người dân muốn xâ, muốn có nhà ở thì chung chi bao nhiêu tiền người ta cũng chấp nhận xây”, bà Bảy Quan cho biết thêm.

 Căn nhà của em trai bà Bảy Quan bị ngưng xây dựng vì chung chi chưa đúng cửa.

Vì quá bức xúc với cách làm việc của cán bộ địa chính và chính quyền nơi đây, bà Bảy Quan dẫn chúng tôi tới gặp những nhà dân đã xây dựng lên bị cán bộ địa chính dẫn theo các cán bộ khác tới đập nhà.

Gặp gỡ chị An (thuộc ấp 4, tổ 68, xã Hưng Long) trong căn chòi lợp tôn và che bạt để ở tạm, chị tâm sự: “Vợ chồng chị có 2 đứa con nhỏ, là vợ chồng trẻ nên tiết kiệm gom góp mua được mảnh đất 240 triệu với mong muốn mua đất làm cái nhà tạm để con cái có chỗ tránh mưa tránh năng. Đất chị mua là đất vườn cây lâu năm nhưng chủ đất cũ nói cất nhà được và những nhà xây dựng quanh nhà chị đều xây trên đất vườn, trong đó có cả đất lúa. Vì vậy vợ chồng chị có lên chính quyền xã xin được làm cái nhà thưng tôn tạm để ở, nhưng chính quyền trả lời bằng miệng là không cho phép xây dựng trên đất. Khi mua đất về đây thì cũng có người tới gặp bảo là muốn xây nhà để ở thì chung chi cho họ 180 triệu thì sẽ bao luôn ra sổ. Nhưng tiền mua đất còn phải đi mượn giờ tiền phải chung chi gần bằng miếng đất nên hai vợ chồng đành thôi, không chung chi”.

Nhưng mong muốn có cái nhà để ở nên vợ chồng chị đành liều làm cái nhà thưng tôn, biết là không xin phép nhưng thấy hàng xóm họ xây dựng được hết nên anh chị cũng làm. Thế nhưng vợ chồng mới dựng khung nhà tôn lên thì cán bộ địa chính tên Hiệp, cùng một số cán bộ đô thị và chính quyền địa phương xuống giật phăng chòi tạm của vợ chồng chị. Nhiều lần sau đó, anh chị cứ dựng nhà lên thì cán bộ lại đến nạt nộ, đập bỏ nhà, chở hết sắt của hai anh chị về xã mà không lập biên bản và quyết định gì.

“3 lần em dựng lều là cả 3 lần bị giật sập, có lần chồng em cũng nhờ cò hết 35 triệu nhưng vẫn không được, giờ cò đất mới trả lại cho nhà em được một nửa tiền. Giờ đất của em nhưng không được làm nhà nên em che bạt, thưng tôn làm lán ở tiếp. Nhưng ở vây chứ cũng luôn nơm nớp lo sợ chính quyền lại về đánh sập nhà em thêm lần nữa. Ở trong đất em mua mà như là em đi ăn trộm”, Chị An nói trong nước mắt.

 

Căn nhà thưng bằng tôn, xây trộm lần thứ tư để có chỗ ở chui sống lủi trên đất của mình.

Những người dân lại dẫn chúng tôi tới nhà xưởng sản xuất bông tăm của vợ chồng anh Dũng đang sử dụng. Nhà xưởng này thuộc thửa 519 mặt tiền đường Hưng Long - An Phú Tây, ấp 5. Người dân cho biết nhà xưởng này xây dựng được 4 năm rồi, chủ nhà là một người khác nhưng để lại cho em trai sử dụng làm xưởng sản xuất bông tăm. Xưởng sản xuất này lúc xây dựng cũng có giá hơn 3 tỷ. Để được xây dựng chủ nhà cũng phải chung chi mấy trăm triệu nhưng nhập nhằng giấy tờ nên sau này thành nhà xây dựng không phép. Vì vậy  địa chính và đô thị nhiều lần ghé đây, lúc nào cũng đi tới rất đông người. Chính quyền ra giấy cưỡng chế nhiều lần nên chủ nhà tự đập xưởng của mình đi. 

Gặp anh Dũng (chủ nhà xưởng bị đập), anh Dũng nói: “Mọi người tới thăm mà chúng tôi lại tưởng phía chính quyền đến nhà tôi kiếm chuyện nữa. Xưởng của tôi xây dựng ở cố định hơn 4 năm rồi. Lúc xây cũng có nhờ người chạy giấy tờ và chung chi rất nhiều rồi. Nhưng mọi giấy tờ, hồ sơ anh trai tôi tên là Lợi nắm giữ. Do lúc xây dựng không có giấy phép và nói đất quy hoạch nên không được phép xây dựng, vì vậy 4 năm liền lúc nào cũng ghé xưởng nhà tôi. Lúc nào cũng kiếm chuyện bắt phải nuôi hoài. Chúng tôi không còn tiền để chung chi nên bên phía chính quyền ra giấy cưỡng chế buộc phải tháo dỡ. Do sức ép từ phía chính quyền, chúng tôi buộc phải tự tháo dỡ nhà xưởng của mình và phải đi thuê một xưởng khác, hàng tháng trả 22 triệu vì phải làm hàng tết cuối năm và còn phải tiếp tục nhờ đường dây xin giấy phép để được xây dựng lại nên không muốn nói gì thêm”.

Hình nhà xưởng xây dựng hơn 4 năm giá trị tiền tỷ bị chính quyền buộc tháo dỡ còn ngổn ngang đổ nát.

Nhà biệt thự, nhà trọ kiên cố vẫn mọc lên như nấm trên đất quy hoạch

Nghịch lý ở đây là cũng trên khu vực đất bị dính dự án treo thuộc khu quy hoạch làng Đại học của xã Hưng Long vẫn có nhiều nhà xây dựng trái phép mọc lên như nấm mà chính quyền làm ngơ. Và nhiều nhà lại được cấp phép xây dựng nhà kiên cố, có giấy phép xây dựng.

 

Hai căn nhà vừa mới được xây dựng trên đường Hưng Long – An Phú Tây, ấp 5.

Theo người dân phản ánh, có một số căn nhà xây dựng đều được cấp giấy phép nhưng diện tích xây dựng vượt quy định nhưng cơ quan chức năng vẫn làm ngơ.

Công trình đang xây dựng trên đường T5, ấp 5, xã Hưng Long thuộc đất vườn vẫn đang tiến hành xây dựng nhà biệt thự.

Theo bà Hai Bi (người dân sống cạnh khuôn viên đất đang xây dựng) cho hay, 1 trong số những căn nhà đang xây dựng này là mua lại đất của gia đình bà, đây chỉ là đất gò không phải đất thổ cư. Công trình này xây dựng được cũng phải chung chi rất nhiều tiền cho cán bộ địa phương.

Lý giải nghịch lý từ “cò” xây dựng

Những người dân ở đây cho hay, muốn xây dựng thì mọi người phải tự tìm gặp “cò” xây dựng. Những người làm “cò” xây dựng phải có quen biết với chính quyền và tùy từng đường dây có thể “cò” quen biết với huyện, có thể quen với thành phố. Xây dựng nhà còn được bao luôn giấy phép xây dựng và ra sổ hồng chuyển đổi thổ cư.

Trong vai người mua nhà hỏi giá nhà xây dựng với “cò” Điền (“cò” xây dựng có đường dây trên Huyện), “cò” Sang (có quen biết ông chủ tịch xã) thì được biết, muốn xây dựng phải mang hồ sơ đất qua và đã có giá ba rem sẵn, xây nhà tiền chế 40 -50 triệu đồng, nhà cấp 4 từ 70 -100 triệu đồng, nhà biệt thự trên 1 tỷ giá 200 -500 triệu, tùy giá nhà được bao làm giấy tờ và sổ đỏ.

Ngay phía sau vườn bà Trang có 2 căn nhà vừa mới xây dựng trên đất vườn. Gặp chủ nhân hai căn nhà mới xây này tên là Đức, chúng tôi được anh Đức mời vào vườn xem 2 ngôi nhà anh đang xây dở và cho hay 2 căn nhà này đều xây trên đất vườn nên chỉ mua bán giấy tờ tay thôi, không có sổ đỏ. Tuy nhiên ông Đức động viên và nói với chúng tôi là ông có đường dây chạy sổ đỏ, chỉ cần được xây dựng, sau đó chụp hiện trạng nhà đã xây dựng rồi và đóng thuế cho Nhà nước thì chuyển đổi dần từ đất vườn cây sang thổ cư và sau này sẽ được cấp sổ đỏ. Và mua ở đây thì ông Đức bao luôn cho mảng xây dựng và chính quyền.

Căn nhà ông Đức xây dựng trên đất vườn.

Khi bà Trang hỏi: “Sao đất nhà ông lại xây dựng được mà đất nhà tôi không xây dựng được? Thì vợ ông Đức nói: “Chị có biết nhà em phải chung chi bao nhiêu mới được xây dựng như vậy không. Ở đây muốn nhanh thì phải bỏ tiền”.

Để làm rõ những nghịch lý đang diễn ra, Phóng viên đã qua UBND huyện Bình Chánh và để lại văn bản trả lời những nghịch lý xây dựng và thắc mắc của người dân trên địa bàn xã Hưng Long. Tuy nhiên, đến nay đã 2 lần tới hẹn lịch làm việc nhưng vẫn chưa có văn bản trả lời và lịch hẹn làm việc.

Nhóm Phóng Viên