/ Pháp luật - Đời sống
/ Cách thức áp dụng án lệ ở Anh và Australia - So sánh với Việt Nam

Cách thức áp dụng án lệ ở Anh và Australia - So sánh với Việt Nam

25/06/2024 14:34 |

(LSVN) - Bài viết tìm hiểu cách thức áp dụng án lệ ở Anh và Australia, đưa ra cái nhìn so sánh với cách thức áp dụng án lệ ở Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Cách thức áp dụng án lệ ở Anh và Australia

Ở 02 quốc gia này, án lệ có vị trí quan trọng, là nguồn luật đứng sau các đạo luật do Quốc hội ban hành và các quy định dưới luật do Chính phủ ban hành (theo quy định của các đạo luật). Do án lệ được coilà nguồn luật chính thức nên các Tòa án cấp dưới phải tuân theo các bản án (án lệ) của Tòa án cấp trên. Án lệ được các Tòa án trích dẫn khi xét xử, được dùng làm căn cứ để kháng cáo bản án.

Ở Australia, những bản án sau đây có thể trở thành án lệ:

-Bản án phúc thẩm của Tòa án liên bang (Tòa án liên bang xét xử phúc thẩm bởi hội đồng ba Thẩm phán, xét xử sơ thẩm bởi một Thẩm phán);

-Bản án của Tòa án cấp cao liên bang (Tòa án cao nhất ở Australia);

-Bản án của Tòa án Tối cao Bang.

Ở nước Anh, bản án của Tòa án cấp cao và Tòa án cao hơn là có hiệu lực ràng buộc đối với các Tòa án cấp dưới. Theo đó, bản án của Ủy ban Tư pháp của Hội đồng cơ mật – Thượngviện (nay là Tòa án Tối cao, được thành lập vào ngày 01/10/2009) có hiệu lực ràng buộc cao nhất, là nguồn quan trọng nhất của án lệ.

Như chúng ta đều đã biết, án lệ là những nguyên tắc pháp lý mà Thẩm phán đưa rađể quyết định về vụ án. Những nguyên tắc pháp lý này được Thẩm phán viết ra trong bản án và sẽ được áp dụng khi giải quyết những vụ án tương tự khác. Có những hình thức án lệ khác nhau. Thứ nhất, án lệ của Tòa án cấp trên trong cùng hệ thống được gọi là án lệ ràng buộc (Tòa án cấp dưới phải tuân thủ khi xét xử vụ án tương tự). Thứ hai, án lệ của Tòa án cùng cấp trong cùng hệ thống hoặc của Tòa án cấp cao hơn của hệ thốngkhác (như là Tòa án của bang khác), được gọi là án lệ thuyết phục, được Tòa án tham khảo khi giải quyết vụ án tương tự.Nguyên tắc áp dụng án lệ là như vậy, nhưng làm thế nào Thẩm phán biết được án lệ nào sẽ áp dụng cho vụ án đang xét xử. Tại Anh và Australia, thủ tục tố tụng tại các Tòa án là thủ tục tranh tụng. Do đó, Luật sư của hai bên có nghĩa vụ nêu ra cho Thẩm phán những án lệ họ muốn lấy làm căn cứ cho vấn đề của họ. Từng Tòa án sẽ ban hành bản Thông báo thực hành quy định cách thức hai bên trong vụ án liệt kê trước các nguồn mà họ muốn lấy làm căn cứ và trình cho Tòa án để Thẩm phán sử dụng trong quá trình xét xử. Ngoài các nguồn mà hai bên trong vụ án nêu ra, nếu Tòa án biết có một nguồn nào đó có liên quan đến vụ án, thì Tòa án vẫn có thể xem xét nguồn đó, nhưng phải thông báo cho các bên biết. Thí dụ, bản Thông báo thực hành số 19 của Tòa án liên bang Australia quy định:

5. Viện dẫn đến vụ án phải đưa ra tên vụ án,trích dẫn, và viện dẫn đến trang liên quan và phần của trang liên quan (ví dụ, A kiện B 112 CLR 201,từ 212.5 đến 212.7).

6. Viện dẫn đến luật phải xác định luật và phần liên quan, văn bản dưới luật, quy định hoặc điều khoản.

7. Danh sách nguồn và luật phải được chia làm Phần A và B. Phần A chỉ gồm nguồn và luật chứa đựng các đoạn cần xem xét. Phần B phải gồm nguồn và luật mà bên đó có thể viện dẫn, bao gồm cả các đoạn không xem xét.

8. Tòa án cung cấp cho Thẩm phán hoặc Thẩm phán xét xử vụ việc sử dụng không nhiều hơn mười vụ kiện trong Phần A của danh mục được báo cáo trong Báo cáo Luật Khối thịnh vượng chung, Báo cáo Tòa án liên bang, Báo cáo luật Australia và báo cáo chính thức của Tòa án Tối cao của bang hoặcVùng lãnh thổ cần xem xét áp dụng. Khi mà có nhiều hơn mười vụ kiện được liệt kê trong Phần A của danh sách của một bên, bên đó phải xác định bằng dấu hoa thị mười vụ án mà bên đó muốn Tòa án cung cấp cho Thẩm phán.

9. Một bên có thể xác định trong Phần A đến năm vụ kiện bổ sung cho những vụ kiện được viện dẫn trong đoạn 8 trên đây mà bên đó mong muốn được viện dẫn một vài phần. Những vụ kiện này phải được xác định bằng hai dấu hoa thị. Các bên có trách nhiệm giao bản sao của những vụ kiện này (hoặc phần có liên quan) để thẩm phán sử dụng trong phần tranh luận.

10. Một bên định trích dẫn:

(a) một vụ án không báo cáo, hoặc

(b) báo cáo của một vụ án không phải là vụ án được báo cáo trong những báo cáo dược nói trong đoạn 8, hoặc

(c) sách,

Phải cung cấp bản sao của vụ kiện, hoặc phần liên quan của sách để Tòa án và mỗi bên sử dụng trong tranh luận. Bản sao một phần của sách phải bao gồm bản sao của trang chỉ rõ tác giả, tiêu đề,nhà xuất bản,biên tập và năm xuất bản.

…. (1)

Thẩm phán phải xem xét hàng loạt vụ án mà các bên đưa ra để xác định liệu vụ án mình đang giải quyết có bị ràng buộc bởi một bản án cụ thể nào đó trước đây hay không. Để làm được điều này Thẩm phán phải xác định các sự kiện của vụ án này có đủ giống (tương tự) với các sự kiện trong vụ án trước đó để coi đó là một án lệ hay không, nếu đủ giống thì Thẩm phán sẽ áp dụng nguyên tắc của vụ án trước đó. Nhưng nếu có sự khác biệt cơ bản với vụ án trước thì Thẩm phán phải áp dụng một nguyên tắc khác để quyết định về vụ án. Tiến sĩ Kate Malleson đã đưa ra ví dụ như sau: trong vụ Camplin (1978), Thượng viện (Anh) đã xử rằng cậu con trai 15 tuổi, người đã giết một người đàn ông đã có hành vi tấn công tình dục cậu bằng cách phô bày với cậu ta với một cái quần đùi có thể đòi hỏi sự bảo vệ khỏi việc cáo buộc tội "Giết người" do bị khiêu khích. Nếu vụ án được xét xử sau đó, tất cả các sự kiện là giống nhau, nhưng bị cáo đã dí một cái ấm đun nước vào kẻ tấn công, thì điều đó không được coi là có sự khác biệt trọng yếu trong sự kiện và vụ án có án lệ bắt buộc. Tuy nhiên, nếu trong vụ án xảy ra sau, bị cáo là người đàn ông 30 tuổi thì đó là sự khác biệt cơ bản với vụ án trước. Tòa án vẫn bị ràng buộc bởi nguyên tắc chung được rút ra từ vụ Camplin về việc chống trả hành vi tấn công tình dục, nhưng sẽ đưa ra một nguyên tắc khác về vụ án: “Trong khi quyết định liệu có hay không việc một người có thể yêu cầu sự bảo vệ khỏi việc cáo buộc tội "Giết người" do bị khiêu khích hay không, Tòa án phải xem xét ảnh hưởng của hành vi khiêu khích đối với một người biết lẽ phải có cùng những tính cách chung như bị cáo “(2).

2. Cách thức áp dụng án lệ ở Việt Nam

Ở những nước áp dụng án lệ trên thế giới, bản án của Tòa án cấp cao nhất đương nhiên trở thành án lệ, nếu trong bản án có đưa ra nguyên tắc pháp lý có thể áp dụng cho vụ án tương tự xảy ra sau đó. Ở Việt Nam, một bản án phải được trải qua một quy trình tuyển chọn mới được coi là án lệ, khi công bố một án lệ, bản án được đăng tải cùng với một số mục đáng lưu ý như: Vị trí nội dung án lệ, Khái quát nội dung của án lệ (gồm hai mục nhỏ là: Tình huống án lệ, Giải pháp pháp lý, Nội dung án lệ).Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (HĐTPTANDTC), tại Điều 8 quy định:

2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. 

3. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án“; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần của nội dung án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Vấn đề đặt ra đối với hướng dẫn này là: thế nào là “tình huống pháp lý tương tự“ và “tình huống pháp lý“ có phải cũng là “tình huống án lệ“ hay không, khi nào thì chỉ trích dẫn “tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý “ và trường hợp nào thì có thể trích dẫn cả "nội dung án lệ“?

Nếu không làm rõ các vấn đề này cũng như không hướng dẫn phương pháp xác định “tình huống pháp lý tương tự“ thì sẽ không thể áp dụng được án lệ. Trong khi đó, tình huống pháp lý không phải được viết trong bản án mà là do những “Biên tập viên“ viết dựa trên việc khái quát các tình tiết của vụ án, nếu áp dụng mục này khi xét xử vụ án tương tự thì thực chất là áp dụng Quyết định của Chánh án TAND Tối cao công bố án lệ chứ không phải là áp dụng án lệ. Mục “nội dung án lệ“ là trích một đoạn trong phần “Nhận định của Tòa án“, nêu lên những tình tiết quan trọng của vụ án là nguyên nhân (hay căn cứ) để Tòa án ra quyết định về vụ án. Vậy “nội dung án lệ“ hay “tình huống án lệ“ là án lệ trong vụ án? Đây chỉ là một trong những bất cập trong việc áp dụng án lệ hiện nay.

Một vấn đề khác về thủ tục là: ai là người đề xuất án lệ cụ thể để Tòa án áp dụng (là Luật sư của các bên trong vụ án, là Kiểm sát viên hay do Tòa án tự mình đưa ra?).

Thiết nghĩ TAND Tối cao nên nghiên cứu để hướng dẫn áp dụng án lệ được đầy đủ hơn.

Chú thích:

1.Tài liệu tại Tọa đàm về án lệ với các Thẩm phán Tòa án liên bang Australia tại Hà nội từ 23 -27/4/2012 .

2. Hệ thống pháp luật,Nxb Lexis Nexis –UK năm 2003.

NGÔ CƯỜNG

Một số vướng mắc, bất cập về tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" 

Nguyễn Hoàng Lâm