1. Tổng quan
Về mặt lý luận, án lệ không được thừa nhận là nguồn chính thức của luật trong hệ thống pháp luật Dân sự (Civil law) mà điển hình là Cộng hòa Pháp bởi vì những quốc gia này đề cao vai trò của luật thành văn. Là một trong những quốc gia theo hệ thống pháp luật Dân sự nên trong một thời gian dài án lệ cũng không được chính thức công nhận tại Việt Nam mặc dù trên thực tế việc tham khảo những quyết định do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) ban hành vẫn được các Tòa án cấp dưới thực hiện trong quá trình thực hiện hoạt động xét xử của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, án lệ ngày càng đóng vai trò quan trọng tại Pháp cũng như Việt Nam.
Điều này có nguyên nhân từ những khiếm khuyết của pháp luật thành văn. Trong trường hợp pháp luật không có quy định hoặc quy định không rõ ràng thì Thẩm phán được xem như là nhà lập pháp bổ sung hay nói cách khác là Thẩm phán có vai trò sáng tạo luật khi đưa ra những giải pháp pháp lý giải quyết những vụ việc cụ thể. Do vậy, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, việc xây dựng và ban hành án lệ ngày càng được quan tâm tại các nước theo hệ thống pháp luật Dân sự trong đó có nước ta. Hiện nay, án lệ đã được chính thức thừa nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, để được lựa chọn trở thành án lệ thì bản án, quyết định của Tòa án cần phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định đồng thời việc lựa chọn, công bố án lệ cũng phải được thực hiện theo đúng quy định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung trình bày về cách thức hình thành án lệ tại Cộng hòa Pháp và Việt Nam từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho nước ta về vấn đề này.
2. Cách thức hình thành án lệ tại Cộng hòa Pháp
Tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa pháp lý của từng quốc gia mà quy định về cách thức hình thành án lệ sẽ khác nhau. Tại Pháp, án lệ trong lĩnh vực tư pháp được hình thành từ việc thực hiện thẩm quyền của Tòa phá án. Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Dân sự Pháp thì Thẩm phán không được từ chối việc xét xử trong trường hợp không có quy định của luật, luật quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ. Thẩm phán từ chối việc xét xử trong những trường hợp trên bị xem là tội phạm của tội phủ nhận công lý[1]. Khi các quy định của pháp luật đầy đủ, rõ ràng và cụ thể thì nhiệm vụ của Tòa án đơn giản là áp dụng chính xác các quy định đó. Tuy nhiên, nhìn chung các quy định của pháp luật thường không đủ để điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội phát sinh ở hiện tại và tương lai. Vậy nên, để thực hiện nhiệm vụ của mình, Thẩm phán phải thường xuyên giải thích các quy định của luật. Án lệ được hình thành từ việc giải thích luật của Tòa án trong quá trình thực hiện chức năng xét xử của mình. Nói cách khác, nhờ vào các cơ quan tư pháp mà đặc biệt là Tòa án mà án lệ xuất hiện[2]. Nhưng làm thế nào để giải pháp được đưa ra bởi một Thẩm phán có thể trở thành án lệ? Đó là vì khi giải thích một văn bản quy phạm pháp luật trong một vụ kiện mới, Thẩm phán sẽ có xu hướng lặp lại cách giải thích của mình trước đó. Nói cách khác là Thẩm phán thường có cùng cách giải thích luật và lặp đi lặp lại các lý do đưa ra để biện minh cho quyết định trước đây của mình. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau giữa các Thẩm phán đối với cùng một quy phạm pháp luật. Trong trường hợp này, vai trò của Tòa phá án sẽ được phát huy nhằm đảm bảo hoạt động xét xử được thống nhất trong toàn hệ thống[3]. Việc thực hiện thẩm quyền này của Tòa phá án được xem là nguồn gốc cho sự xuất hiện của án lệ. Nhìn chung, án lệ trong lĩnh vực tư pháp được hình thành từ việc thực hiện thẩm quyền của Tòa phá án theo ba cách thức như sau:
- Thứ nhất, là thẩm quyền giải quyết kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm khi một trong các bên đương sự cho rằng bản án của Tòa phúc thẩm là trái luật. Theo đó, nếu một trong các bên cho rằng Tòa phúc thẩm đã đưa ra phán quyết trái luật thì họ có thể kháng cáo với Tòa phá án. Tùy theo tính chất của vụ tranh chấp mà kháng cáo sẽ được xem xét bởi một trong sáu Tòa chuyên trách thuộc Tòa phá án[4]. Tuy nhiên, nếu vấn đề pháp lý trong vụ tranh chấp đó có phạm vi thuộc thẩm quyền của nhiều Tòa chuyên trách hoặc phán quyết có nguy cơ đối lập với án lệ của Tòa chuyên trách khác thì sẽ được xem xét bởi một Tòa hỗn hợp[5].
Trong quá trình giải quyết kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm, để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, Tòa phá án thường áp đặt cách giải thích luật của mình đối với Tòa án cấp dưới. Cụ thể, khi một vụ việc được xét xử lần đầu bởi Thẩm phán của Tòa án cấp dưới thì quyền kháng cáo lần thứ nhất được hình thành. Tòa phá án sẽ kiểm tra xem Thẩm phán Tòa án cấp dưới có xét xử đúng pháp luật hay không? Nếu cho rằng phán quyết của Tòa án cấp dưới chưa đúng pháp luật thì Tòa phá án sẽ hủy bản án và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án phúc thẩm khác để xét xử lại từ đầu.
Nếu Tòa án phúc thẩm được giao xét xử lại từ đầu có phán quyết phù hợp với quyết định của Tòa phá án thì chắc chắn sẽ không có kháng cáo lần thứ hai. Khi đó, vụ việc tranh chấp sẽ kết thúc. Ngược lại, trong trường hợp Tòa phúc thẩm được giao xét xử lại có quyết định khác với quyết định của Tòa phá án thì khi đó sẽ có thủ tục kháng cáo lần thứ hai. Kháng cáo lần hai này sẽ được xem xét lại bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa phá án. Trong trường hợp này có hai khả năng xảy ra hoặc là Tòa phá án đồng ý với việc áp dụng pháp luật của Tòa phúc thẩm và bác bỏ việc kháng cáo; hoặc là vẫn giữ cách giải thích của Tòa phá án trong lần kháng cáo đầu tiên, hủy một lần nữa bản án của Tòa án cấp dưới và gửi cho một Tòa án khác cùng cấp với Tòa án đã xét xử giải quyết lại lần cuối cùng. Lần này, Tòa án được giao xét xử lại bắt buộc phải tuyên án theo quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa phá án.
Về nguyên tắc, khi vấn đề pháp lý mới được đặt ra trong lần kháng cáo đầu tiên, Tòa phá án cũng có thể quyết định họp Hội đồng Thẩm phán Tòa phá án nhằm làm tăng thêm giá trị cho giải pháp được đưa ra từ đó nhận được sự hợp tác nhanh hơn từ phía các Thẩm phán của Tòa án cấp dưới. Có thể thấy khi xem xét các phán quyết của Tòa án cấp dưới để kiểm tra tính đúng đắn trong việc áp dụng pháp luật, Tòa phá án sẽ đưa ra quan điểm của mình về cách giải thích nội dung của nó. Do đó, Tòa phá án dần dần áp đặt sự giải thích thống nhất đối với các quy phạm pháp luật. Mặc dù phải thừa nhận rằng các Tòa án cấp dưới độc lập trong việc xét xử theo cách giải thích luật của họ nhưng nếu sự giải thích đó khác với sự giải thích của Tòa phá án thì phán quyết của Tòa án cấp dưới có thể sẽ bị hủy bỏ khi nó bị kháng cáo. Theo tiến trình này thì việc giải thích luật của Tòa phá án đã làm xuất hiện án lệ[6].
- Thứ hai, là thủ tục thỉnh thị ý kiến của Tòa phá án được thực hiện bởi các Tòa án cấp dưới trước một vấn đề pháp lý mới phát sinh trong vụ việc cụ thể đang được giải quyết. Thủ tục này cho phép các Tòa án cấp dưới thỉnh thị ý kiến của Tòa phá án khi phát sinh một vấn đề pháp lý mới nhằm để tham khảo ý kiến trước khi đưa ra phán quyết[7]. Điều này sẽ giúp cho Tòa án cấp dưới nhận được ý kiến giải thích luật của Tòa phá án một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào thì việc giải thích luật phải được thực hiện trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp cụ thể. Về thủ tục, việc thỉnh thị ý kiến của Tòa phá án đã được quy định trong Luật ngày 12 tháng 5 năm 1992. Ý kiến được đưa ra bởi Tòa phá án không có giá trị ràng buộc đối với Thẩm phán cũng như không bắt buộc Thẩm phán phải thực hiện theo[8].
- Thứ ba, là thủ tục kháng nghị vì lợi ích của luật do các Công tố viên thực hiện tại Tòa phá án trong trường hợp bản án được xem là trái luật. Thủ tục này được quy định trong Luật ngày 3 tháng 7 năm 1967. Nó cho phép công tố viên tại Tòa phá án tự mình kháng nghị với Tòa phá án để chống lại bản án được cho là trái với quy định của luật. Trong trường hợp bản án bị hủy thì nó sẽ không phát sinh hiệu lực đối với các bên trong vụ kiện. Mục đích duy nhất của thủ tục này là nhằm đảm bảo cho các quy định pháp luật được giải thích một cách chính xác nhất[9].
Mặc dù hiện nay án lệ chưa được công nhận tại Pháp, nhưng thực tế cho thấy rằng để tránh việc bản án của mình bị hủy hoặc bị sửa, các Tòa án cấp dưới có xu hướng sử dụng các bản án của Tòa phá án như án lệ để giải quyết các vấn đề pháp lý một cách thống nhất. Tuy vậy, để trở thành án lệ các bản án của Tòa phá án phải được công bố theo quy định. Tùy thuộc vào tính chất của từng loại bản án mà các bản án của Tòa phá án có thể được công bố theo những hình thức như: phổ biến trên cơ sở dữ liệu của Tòa phá án; hoặc công bố trên bản thông tin của Tòa phá án; hoặc công bố trên bản tin của Tòa phá án; hoặc phổ biến trên cổng thông tin điện tử của Tòa phá án; hoặc phổ biến trong báo cáo hàng năm của Tòa phá án. Bên cạnh đó, án lệ còn có thể được công bố thông qua các nhà xuất bản tư nhân, ví dụ như “notes d’arrêts” đã xuất hiện từ thế kỷ XIX. Ngoài ra, bản án, quyết định của Tòa phá án còn được công bố trên trang web Légisfrance (cổng thông tin công cộng phổ biến pháp luật của Cộng Hòa Pháp: https://www.legifrance.gouv.fr/)[10].
3. Cách thức hình thành án lệ tại Việt Nam
Tại Việt Nam cách thức hình thành lệ lần đầu tiên được quy định tại Khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 74/QĐ-TANDTC năm 2012 Phê duyệt Đề án Phát triển án lệ của TANDTC. Theo đó, TANDTC lựa chọn những Quyết định giám đốc thẩm (sau đây gọi là QĐGĐT) của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (HĐTPTANDTC), QĐGĐT của các Tòa chuyên trách TANDTC đã ban hành có giá trị án lệ trình HĐTPTANDTC thông qua. Những quyết định được HĐTPTANDTC thông qua là án lệ, được đưa vào Tuyển tập án lệ để phát hành. Đồng thời, TANDTC lập kế hoạch xây dựng các QĐGĐT sẽ có giá trị án lệ, trước khi xét xử giao cho một bộ phận lựa chọn, đề xuất những vụ án điển hình có những vấn đề phức tạp cần giải quyết về pháp luật trình HĐTPTANDTC. Khi QĐGĐT được ban hành về những vụ án đó, đương nhiên quyết định trở thành án lệ và được đưa vào “Tuyển tập án lệ” để phát hành.
Sau Quyết định số 74/QĐ-TANDTC, khi án lệ chính thức được công nhận thì cách thức ban hành án lệ tiếp tục được quy định một cách chi tiết và cụ thể hơn. Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014 thì HĐTPTANDTC có nhiệm vụ: “Lựa chọn QĐGĐT của HĐTPTANDTC, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 27 của cùng văn bản quy định Chánh án TANDTC có nhiệm vụ, quyền hạn: “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của HĐTPTANDTC bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Từ những quy định nêu trên, có thể thấy việc ban hành án lệ trước hết phải được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền là HĐTPTANDTC và Chánh án TANDTC. Điều này có nghĩa là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chỉ có thể trở thành án lệ khi và chỉ khi được HĐTPTANDTC thông qua và công bố bởi Chánh án TANDTC. Về quy trình, việc lựa chọn, công bố án lệ được quy định từ Điều 3 đến Điều 7 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, cụ thể như sau:
Một là, đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Cụ thể, các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ theo quy định và gửi cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ. Bên cạnh đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ theo quy định cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ.
Hai là, lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ. Theo đó, bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến, trừ trường hợp bản án, quyết định được Thẩm phán TANDTC, Ủy ban Thẩm phán TANDCC đề xuất hoặc được HĐTPTANDTC lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải. Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án TANDTC xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.
Ba là, thành lập Hội đồng tư vấn án lệ để thảo luận, cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ. Để đảm bảo tính khoa học cho các án lệ được ban hành, những bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ cần phải được Hội đồng tư vấn án lệ thảo luận và cho ý kiến trước khi được thông qua. Về thủ tục, Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án TANDTC thành lập gồm có ít nhất 9 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, VKSNDTC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC (đồng thời là Thư ký Hội đồng). Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc VKSNDTC.
Sau khi được thành lập, Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận, cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án TANDTC kết quả tư vấn.
Bốn là, thông qua án lệ. Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng tư vấn án lệ, Chánh án TANDTC tổ chức phiên họp toàn thể HĐTPTANDTC để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ. Phiên họp HĐTPTANDTC phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của HĐTPTANDTC phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành. Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án TANDTC công bố án lệ. Án lệ được xem xét thông qua khi được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo quy định; hoặc được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất; hoặc được Ủy ban Thẩm phán TANDCC đề xuất; hoặc được HĐTPTANDTC lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Năm là, công bố án lệ. Chánh án TANDTC ban hành quyết định công bố án lệ đã được HĐTPTANDTC thông qua. Án lệ được công bố phải bao gồm những nội dung như sau: số, tên án lệ; số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ; tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ; quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ; từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ; các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ; nội dung của án lệ. Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc TANDTC và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.
Như vậy, có thể thấy việc hình thành án lệ tại Việt nam được quy định trải qua nhiều bước khá chặt chẽ và phức tạp với sự tham gia của nhiều chủ thể theo quy định pháp luật. Đây là sự khác nhau trong việc ban hành án lệ giữa Pháp và Việt Nam. Tại Pháp, việc hình thành án lệ không phải trải qua quy trình phức tạp như ở Việt Nam mà chỉ cần đảm bảo tính hợp lý về mặt nội dung. Yêu cầu đặt ra là những lập luận, quan điểm của Thẩm phán phải hợp lý, có tính khái quát cao và nhận được sự đồng thuận từ các Thẩm phán khác trở thành giải pháp pháp lý khắc phục cho sự khiếm khuyết của pháp luật thành văn.
Nếu so sánh với quy định trước đây trong Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì quy trình ban hành án lệ theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã quy định theo hướng tinh giảm hơn cũng như rút ngắn thời gian hơn rất nhiều như không còn quy định về thời gian tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ ; thu hẹp phạm vi rà soát bản án, quyết định của TAND các cấp ; đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ ; sự linh hoạt về hình thức lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ ; bổ sung thủ tục rút gọn trong quy trình ban hành án lệ đối với một số trường hợp cụ thể theo quy định[11]. Tuy nhiên, nếu so sánh với cách thức hình thành án lệ của Pháp thì có thể thấy rằng quy định thủ tục ban hành án lệ tại Việt Nam hiện nay vẫn còn khá phức tạp. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của việc sử dụng án lệ như một nguồn bổ khuyết cho luật thành văn do việc ban hành án lệ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xét xử của Tòa án. Do vậy, nếu có thể đơn giản hóa quy trình ban hành án lệ hơn nữa thì sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các Tòa án trong quá trình xét xử, đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất và tạo sự công bằng trong xã hội.
3. Kết luận
Tóm lại, tùy thuộc vào đặc điểm pháp luật của từng quốc gia mà việc hình thành án lệ được thực hiện với một quy trình có mức độ phức tạp ít nhiều khác nhau. Có thể thấy cách thức hình thành án lệ giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam có nhiều điểm khác nhau. Theo đó, quy trình ban hành án lệ tại Việt Nam còn khá phức tạp. Do đó, việc đơn giản hơn nữa quy trình này là cần thiết vì sẽ giúp cho án lệ được ban hành nhanh chóng hơn từ đó góp phần bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
[1] Điều 4 Bộ luật dân sự Pháp quy định rằng : Thẩm phán từ chối xét xử vì lý do luật không có quy định hoặc luật quy định không rõ ràng có thể sẽ bị truy tố vì tội phủ nhận công lý. [2] Xem thêm: Définition et rôle de la Jurisprudence, https://cours-de-droit.net/definition-et-role-de-la-jurisprudence-a121608810/, truy cập ngày 07/4/2021. [3] Theo các Điều L.411-1 và L.411-2 Bộ luật tổ chức Tòa án thì Tòa phá án có nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo việc giải thích luật thống nhất trên toàn lãnh thổ nhằm bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. [4] Sáu Tòa chuyên trách thuộc Tòa phá án gồm: ba Tòa dân sự, Tòa thương mại, Tòa hình sự và Tòa xã hội. [5] Xem thêm : Analyse et commentaire d’une décision de justice, https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:-qQy0QaYZDcJ:https://www.letudiant.fr/boite-a-docs/telecharger/methodes-d-exercices-juridiques-donnees-de-base-1795+&cd=3&hl=vi&ct=clnk&gl=vn, truy cập ngày 07/4/2021. [6] Définition et rôle de la Jurisprudence, tlđd. [7] Xem thêm : Les avis de la Cour de cassation, https://www.courdecassation.fr/institution_1/presentation_2845/avis_cour_cassation_33784.html, truy cập ngày 07/4/2021 ; [9] Définition et rôle de la Jurisprudence, tlđd. [10] Xem thêm: Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên) (2018), Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự, NXB. ĐHQG TPHCM, trang 80-82. [11] Xem thêm : Huỳnh Thị Nam Hải (2019), Bình luận một số quy định liên quan đến việc lựa chọn, ban hành và bãi bỏ án lệ tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21 (Kỳ I tháng 11/2019), trang 21-23. |
ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học quốc gia TP. HCM
(Theo Tạp chí Tòa án)
Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về khởi kiện vụ án dân sự