/ Trao đổi - Ý kiến
/ Cải cách thủ tục hành chính phục vụ thị trường, người dân và doanh nghiệp

Cải cách thủ tục hành chính phục vụ thị trường, người dân và doanh nghiệp

03/01/2022 23:38 |

(LSVN) - Cải cách hành chính là chủ trương đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà nước và được coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, mà trọng tâm của nhiệm vụ là cải cách bộ máy nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, thống nhất, có đủ quyền lực, năng lực để thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Cải cách hành chính được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, trong đó, mục tiêu cải cách là: “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất năng lực đáp ứng được công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”. Chủ trương cải cách hành chính tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và các Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 6 (lần thứ 2) và Trung ương 7 (Khóa VIIl). 

Từ đó đến nay, chúng ta đã tiến hành công cuộc cải cách hành chính từng bước theo lộ trình có trọng tâm, trọng điểm và lựa chọn khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính. Thông qua cải cách thủ tục hành chính đã gỡ bỏ dần những rào cản đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, đồng thời nó tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư, nâng cao chất lượng hội nhập của đất nước. Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, đặc biệt từ khi ASEAN chuyển sang giai đoạn phát triển với mục tiêu là hình thành và đi vào hoạt động Cộng đồng ASEAN từ năm 2015. Chúng ta đã đạt được các thỏa thuận về thương mại tự do (FTA) với các đối tác có nền kinh tế phát triển: EU, Hàn Quốc, Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan; đồng thời nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực Đông Á (RCEP)...

Năm 2020 là mốc bứt phá trong công tác hội nhập, đánh dấu bằng việc Việt Nam đã tham gia 03 hiệp định thương mại FTA, mở ra thị trường rộng lớn gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đến nay, Việt Nam đã tham gia 14 Hiệp định tự do thương mại, các liên kết kinh tế đa tầng đã mở cửa thị trường sâu rộng tạo ra không gian phát triển mới chưa từng có. Cơ hội là rất lớn, tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và đáp ứng được các yêu cầu đã thỏa thuận với các đối tác, trong đó nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng hàng đầu.

Cải cách thủ tục hành chính

Cải cách thủ tục hành chính là cải cách các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền; cải cách các quy định về các loại thủ tục và việc thực hiện thủ tục hành chính. Đây là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm cho chính sách, pháp luật được thi hành thống nhất và kiểm soát được tính hợp pháp, hợp lý, cũng như hiệu quả của việc thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Thủ tục hành chính đơn giản, tiện lợi phù hợp với thực tiễn đời sống sẽ giảm thiểu được phiền hà với người dân, doanh nghiệp, củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân và thông qua thủ tục hành chính, công dân dễ dàng thực hiện được quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cải cách về thể chế nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Tính từ năm 2018 đến 2021 đã có 70 luật/bộ luật có hiệu lực và hàng trăm văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Trong giai đoạn từ năm 2014-2018, Chính phủ ban hành 05 Nghị quyết tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng tích cực, hiện đại. Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai, áp dụng hiệu quả ở nhiều địa phương.

Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021 - 2030

Giai đoạn năm từ 2019-2021, Chính phủ ban hành các Nghị quyết về cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, chuyển đổi số và hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các nghị quyết ban hành các chương trình hành động thể hiện sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Chính phủ về các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, cấp phép xây dựng, đầu tư… đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và hội nhập, tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Mặt khác, các nghị quyết này đã tạo ra hiệu quả rất rõ về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2021 của Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 ban hành được các bộ, ngành, địa phương chủ động tham gia cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí trong năm; hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thủ tục hành chính không phù hợp được bãi bỏ. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với nhiều loại hàng hóa; số lượng dịch vụ công trực tuyến có xu hướng tăng nhanh.

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030” và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2030 là: Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Một số đề xuất, kiến nghị

Một là, hiện nay cơ chế, thủ tục hành chính vẫn còn bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Do đó, cần tiếp tục cải thiện quyết liệt hơn nữa về môi trường kinh doanh, minh bạch thủ tục hành chính; đặc biệt chú trọng khâu thực hiện, trong đó phải đào tạo nâng cao năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, đơn giản hóa việc ban hành các văn bản quy định thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay có nhiều thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, hoạt động này cần cải cách theo hình thức mỗi lĩnh vực chỉ thuộc một đầu mối quản lý của một cơ quan nhà nước để tránh chồng chéo. Đồng thời, chính sách ban hành phải nhất quán, khắc phục tình trạng quy trình, thủ tục hành chính càng xuống cấp dưới lại càng rắc rối, gây khó khăn cho người trực tiếp thực hiện.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để chuẩn hóa, cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính. Phân cấp giải quyết theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát dân nhất để giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính theo hướng mọi hoạt động quản lý nhà nước phải tuân thủ pháp luật, tạo sự an toàn, công bằng, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm sự tham gia hiệu quả, thực chất của người dân. Người có trách nhiệm cần có quan điểm, thái độ cầu thị để tiếp thu ý kiến, đề xuất của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp... khu vực ngoài nhà nước trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách. Sự hỗ trợ của truyền thông, các đề xuất, ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn, tăng tính khả thi của các chính sách khi được ban hành.

Năm là, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp cần đồng hành cùng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp, bằng cách chủ động tư vấn, kiến nghị, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để góp phần cho thành công mục tiêu cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.

                                                                                       Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG

Một số vấn đề vướng mắc trong Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Lê Minh Hoàng