/ Bút ký Luật sư
/ Cảm nhận về nghề Luật sư

Cảm nhận về nghề Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư phải hành nghề bằng sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, coi việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng như bảo vệ quyền lợi cho chính mình, không chùn bước trước những khó khăn, có lòng trắc ẩn, sự dũng cảm, tinh thần nghĩa hiệp trong quá trình đi tìm và bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng cho khách hàng.

Ảnh minh họa. 

Luật sư là một nghề có nhiều đặc thù, “hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, (Điều 3 Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Luật sư có sứ mệnh giúp khách hàng biết và tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tránh được các rủi ro pháp lý, cũng như được đối xử công bằng, bình đẳng và được hưởng những quyền và lợi ích thuộc về họ theo quy định của pháp luật, có cơ hội tốt nhất trong việc tiếp cận và thực thi công lý.  Bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng, bảo vệ con người về mặt pháp lý là những “giá trị cốt lõi” làm nên sự cao quý của nghề Luật sư. Ngoài ra, nhắc đến Luật sư là nói đến những người có trình độ, có văn hoá và cách ứng xử văn minh, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật nên Luật sư và nghề Luật sư luôn được xã hội tôn trọng.

Tuy nhiên, để hoàn thành các chức năng xã hội và trách nhiệm nghề nghiệp, giữ gìn hình ảnh, uy tín của Luật sư và nghề Luật sư điều hoàn toàn không dễ dàng. Trước hết, để trở thành một Luật sư giỏi đòi hỏi phải có thời gian dài học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp. Luật sư không chỉ là người có kiến thức pháp lý mà còn phải có hiểu biết xã hội sâu rộng, là người thấu tình, đạt lý, có cái tâm, cái đức với nghề, có trách nhiệm với quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Đằng sau những tự hào, vinh dự của một Luật sư là những nỗi vất vả và áp lực không nhỏ, đôi khi là những rủi ro và hiểm nguy, những trăn trở và suy tư về các vụ việc, số phận pháp lý, quyền lợi pháp của khách hàng. Do đó, để gắn bó lâu dài và thành công với nghề thì bên cạnh tài năng, kinh nghiệm, Luật sư cũng cần có lòng yêu nghề, say nghề và sự kiên trì, dũng cảm, bản lĩnh để vượt qua những sự khắc nhiệt, chông gai vốn có của nghề Luật sư.

Trong những năm qua, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập quốc tế, công cuộc cải cách tư pháp, sự phát triển tiến bộ của hệ thống pháp luật đã tạo những điều kiện thuận lợi cho nghề Luật sư phát triển. Số lượng Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư đang ngày càng tăng, trình độ và chất lượng hoạt động của Luật sư cũng từng bước được nâng cao. Đội ngũ Luật sư đang có những đóng góp to lớn trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, đội ngũ Luật sư cũng đang tham gia rất tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền và phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân và tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa.

Tuy nhiên, dưới những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường, những hạn chế và bất cập trong hệ thống pháp luật, những định kiến không đúng về vị trí, vai trò của Luật sư đã và đang khiến các Luật sư phải đối mặt với nhiều tồn tại, khó khăn và thách thức trong thực tiễn hành nghề. Điều đó đòi hỏi các Luật sư cần phải có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, luôn độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư phải hành nghề bằng sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, coi việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng như bảo vệ quyền lợi cho chính mình, không chùn bước trước những khó khăn, có lòng trắc ẩn, sự dũng cảm, tinh thần nghĩa hiệp trong quá trình đi tìm và bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng cho khách hàng. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Luật sư và yêu cầu của việc bảo vệ pháp chế và công lý, đó là sứ mệnh và nguyên tắc nghề nghiệp của mọi Luật sư.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những khó khăn và thách thức to lớn cho nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có nghề Luật sư đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong những mức độ nhất định thì các tổ chức hành nghề Luật sư và các Luật sư đều bị ảnh hưởng và đều phải có những sự điều chỉnh để thích ứng với dịch bệnh. Ngoài vấn đề doanh thu, thu nhập bị ảnh hưởng thì dịch bệnh cũng gây những khó khăn rất lớn cho quá trình tác nghiệp của các Luật sư, làm giảm hiệu suất và hiệu quả giải quyết các công việc, khiến cho nhiều vụ việc bị kéo dài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh thì nhiều Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư và các đoàn Luật sư đã phát huy được tinh thần tự chủ, chủ động, sáng tạo, không chỉ duy trì, đảm bảo tốt hoạt động chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trợ giúp, chia xẻ khó khăn với đồng bào vùng dịch. Công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, đặc biệt là các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn được thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí, hoặc bằng hình thức trực tuyến, đã góp phần ý nghĩa chung tay với cộng đồng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh.   

Luật sư và nghề Luật sư là một phần không thể thiếu của môi trường pháp lý dân chủ và văn minh, là sự đòi hỏi tất yếu của xã hội hiện đại ngày nay. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của người dân, doanh nghiệp và tổ chức đang ngày càng tăng cao, tạo ra những điều kiện, cơ hội vô cùng to lớn cho Luật sư và nghề Luật sư phát triển, khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức, đó là những tác động của các quy luật khắc nhiệt trong nền kinh tế thị trường, sự phát triển và biến động không ngừng của hệ thống pháp luật, những yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Vì vậy, để có thể phát triển và thành công trong nghề nghiệp thì mỗi Luật sư phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức và uy tín nghề nghiệp, củng cố được uy tín và lòng tin, sự tôn trọng của nhân dân đối với Luật sư và nghề Luật sư.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Vài suy tư nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10

Lê Minh Hoàng