Vài suy tư nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10

09/10/2021 18:22 | 2 năm trước

(LSVN) - "Kỷ niệm Ngày truyền thống năm nay, dù không phải là tròn 05 năm, 10 năm, bên cạnh đó cũng do những hạn chế bởi dịch Covid-19 mà giới Luật sư đã không thể tổ chức những hoạt động kỷ niệm sôi nổi. Nhưng tôi tin rằng, bằng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và những kỹ năng đã được đào tạo và rèn luyện, giới Luật sư chúng ta ngày càng trưởng thành, luôn vững tin với quyết tâm của mình và đáp ứng được những kỳ vọng của khách hàng, góp phần làm cho nền tư pháp nước nhà ngày càng ổn định và phát triển vững chắc".

Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh.

“Tâm sự nghề Luật sư”, khi nhập từ khóa này trên Google Search, chúng ta sẽ thấy xuất hiện hơn 22 triệu kết quả. Thật ra, không phải tất cả đều là tâm tư của riêng người làm nghề Luật sư mà còn là tiếng nói của những người làm “nghề luật” nói chung. Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi cũng đủ nói lên những suy tư, trăn trở và đôi khi là những nỗi niềm khó nói của những người thường được gọi là “Thầy cãi”… nhiều và vẫn còn rất nhiều.

Mới nhất, với tiêu đề “Đôi điều tâm sự về nghề Luật sư trong tranh tụng hình sự” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã viết: “Tôi hành nghề Luật sư đến nay đã gần ba mươi năm, với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Vui, khi thấy thân chủ của mình bị hàm oan đã được minh oan; buồn, khi thấy nỗi oan có thật của họ mà vì một lý do nào đó vẫn không giải được nỗi oan ấy...”.

Còn Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, khi ông được hỏi về suy nghĩ của mình đối với mối ràng buộc trách nhiệm với khách hàng. Ông trả lời: “Khi hành nghề, tôi nghĩ mỗi Luật sư luôn đứng trước nhu cầu rất lớn của các khách hàng, kể cả mong muốn đạt được kết quả cụ thể với mức thù lao thỏa đáng, nhưng khi nhìn nhận trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, mỗi Luật sư sẽ phải có sự lựa chọn con đường mà mình sẽ đi. Mình chọn cách tiếp cận thế nào thì con đường đi của mình sẽ hiện ra như thế”.

Với Luật sư Hoàng Văn Tùng thì: “… Công việc này đã mang đến cho tôi nhiều bài học giá trị mà tôi muốn gói gọn trong hai chữ: “Tâm” và “Nhẫn”. Trong nghề Luật sư, “Tâm” là tận tụy, tâm huyết và cống hiến hết mình; tháo gỡ, xử lí đến cùng mọi vấn đề mà khách hàng yêu cầu. “Nhẫn” là kiên tâm, nhẫn nại, không vì khó mà ngại, không vì khổ mà chùn bước…”.

Đặc biệt, trong buổi họp báo chính thức công bố Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận ngày 10/10 là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã khẳng định: "Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội rộng lớn ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư ở Việt Nam. Đồng thời, ghi nhận sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ Luật sư và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư ở nước ta. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của Luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội, tạo lập niềm tin với Đảng, Nhà nước và xã hội; góp phần xây dựng, củng cố hình ảnh, địa vị pháp lý của Luật sư và nghề Luật sư trước cộng đồng xã hội".

Cũng trong Luật Luật sư, được chính thức ban hành từ năm 2006 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2012, 2015, tại Điều 3 quy định về Chức năng xã hội của Luật sư đã ghi rõ như sau: “Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, Xã hội dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Bên cạnh đó, trong Lời nói đầu, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã khẳng định: “Cùng với tiến trình phát triển của nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng của Luật sư ngày càng được khẳng định và nâng cao. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa là quyền cơ bản của con người, từ đó đề cao vai trò của Luật sư trong việc góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân trong giai đoạn mới xây dựng, phát triển dân chủ và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…”.

Khi nói về Sứ mệnh của Luật sư, tại Quy tắc 1, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã xác định: “Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.

Tất cả những điều đó đều cho chúng ta thấy rằng, vai trò và trách nhiệm của Luật sư rất cao cả và nhiều áp lực. Cũng phải thôi, vì hoạt động nghề nghiệp của Luật sư luôn gắn bó mật thiết chẳng những với nền tư pháp nước nhà nói chung, mà còn liên quan mật thiết đến đời sống chính trị và xã hội, tinh thần và vật chất của những con người cụ thể.

Quy trình đào tạo ra một con người Luật sư, tự bản thân nó đã nói lên tầm quan trọng về thiên chức mà Luật sư sẽ đảm nhận. Trong dân gian thường hay nói, có ba người thầy được xã hội trân trọng và tôn vinh: Thầy giáo, Thầy thuốc và Thầy cãi. Nhưng thực chất, có thể nói chỉ có hai người mà nghề nghiệp được gắn liền với tên tuổi: Bác sĩ X., hay Luật sư Y.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục Nghề nghiệp Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 15/01/2021. Theo đó, Luật sư thuộc Danh mục Nghề nghiệp đòi hỏi chuyên môn sâu, tương ứng Cấp độ kỹ năng 4/trên tổng số 5 cấp độ kỹ năng. Riêng nghề Luật sư tham gia tố tụng, Luật sư tư vấn, Luật sư khác sẽ thuộc cấp độ kỹ năng 5 – nhiệm vụ phức tạp nhất, đòi hỏi có chuyên môn sâu, rộng, tương ứng với trình độ sau Đại học.

Muốn trở thành một Luật sư, trước hết phải qua thời gian học tập trên giảng đường Đại học như bao sinh viên ở các trường Đại học khác. Tuy nhiên, những năm gần đây nhìn vào số điểm để tuyển vào hai trường Y Dược và Luật… ta đều thấy rằng nó luôn nằm ở mức cao. Điều đó cho thấy, nguồn đầu vào của hai trường này thuộc top đầu với những yêu cầu khắt khe về trình độ học vấn và sự chuyên cần trong rèn luyện.

Sau khi có bằng Cử nhân Luật, cần phải qua một năm chương trình đào tạo nghiệp vụ Luật sư với những môn học bắt buộc và nâng cao với những tình huống và cách giải quyết có thật. Điều đó bảo đảm cho Luật sư tương lai một vốn kiến thức và kỹ năng cơ bản, đủ để hoạt động nghề nghiệp sau này.

Sau khi qua kỳ thi tốt nghiệp lớp đào tạo, bạn phải tiếp tục đăng ký Tập sự Hành nghề Luật sư với một tổ chức hành nghề Luật sư, và dưới sự dìu dắt của một Luật sư chính thức có kinh nghiệm nghề nghiệp.

Sau khi qua kỳ Kiểm tra hết tập sự, bạn mới chính thức được cấp Thẻ Luật sư với những quy định và thủ tục nghiêm ngặt cả về chuyên môn lẫn về tư cách đạo đức.

Nhưng, đến đây vẫn chưa hết. Luật sư mới này vẫn phải tiếp tục hành nghề tại một tổ chức hành nghề Luật sư (Công ty Luật hoặc Văn phòng Luật sư…), dưới sự điều hành và dẫn dắt của người đứng đầu tổ chức này thêm 02 năm nữa, bạn mới có thể đứng ra xin phép thành lập tổ chức hành nghề Luật sư của riêng mình.

Như vậy, không kể những khoảng thời gian trống giữa hai giai đoạn học và tập sự (do chờ đợi khóa học, khóa thi, làm thủ tục…) thì, sau khi tốt nghiệp THPT, bạn cần phải có 08 năm để từ sinh viên trở thành một Luật sư “chính hiệu”. Trên cơ sở các chế định pháp luật về Luật sư ngày càng hoàn thiện, vai trò, vị trí của nghề nghiệp Luật sư ngày càng được đề cao và thật sự coi trọng.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều suôn sẻ và tất cả những Luật sư tương lai ấy sẽ trở thành những con người hoàn thiện, hoàn mỹ. Những hạt sạn vẫn vì lý do này, lý do khác tồn tại cùng quá trình hình thành và phát triển của nghề Luật sư và đội ngũ Luật sư ở nước ta.

Qua quá trình hoạt động nghề nghiệp và đặc biệt là được tham gia Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật của Đoàn Luật sư, vẫn còn tồn tại một số kẽ hở. Qua đó, bỏ lọt hoặc tạo điều kiện hình thành những Luật sư trẻ không đủ bản lĩnh về đạo đức và thiếu kỹ năng nghề nghiệp, hoặc cố tình lợi dụng đặc thù hoạt động nghề nghiệp, hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kẽ hở trong việc quản lý… vì mục đích vụ lợi trái pháp luật.

Có thể kể ra một số điển hình sau đây:

1/- Trong giai đoạn đào tạo nghề Luật sư: Thực tế cho thấy có vài trường hợp thuê hoặc nhờ người “học thay”,“thi hộ”. Bị phát hiện, dĩ nhiên học viên đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, biết đâu vẫn còn những trường hợp chưa bị phát giác. Như vậy, chắc chắn người học sẽ không được đào tạo đến nơi, đến chốn.

2/- Trong giai đoạn tập sự hành hành nghề Luật sư: Không hiếm những Luật sư tập sự vi phạm điều cấm, nhất là nhận làm đại diện cho đương sự ra tòa. Vi phạm khoản 3, Điều 14 Luật Luật sư: "3. Người tập sự hành nghề Luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật".

Sự việc này đôi khi rất khó phát hiện. Vì, người tập sự đăng ký tập sự hành nghề Luật sư ở một địa phương khác nơi thường trú của mình. Chỉ thỉnh thoảng mới có mặt nơi tổ chức hành nghề Luật sư mà mình đăng ký tập sự. Trong khi vẫn âm thầm nhận làm đại diện tham gia tố tụng ở địa phương khác (nhất là ở tại quê hương mình). Chỉ khi nào, thấy được Bản án ghi nhận sự có mặt của người tập sự ấy tham gia tố tụng trong thời gian tập sự, thì mới biết người đó vi phạm. Tuy nhiên, quy định về thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật thì đến khi phát hiện ra, đã không còn thời hiệu để xử lý nữa.

3/- Sau giai đoạn được cấp thẻ Luật sư: Theo điểm a, khoản 3, Điều 32 Luật Luật sư: "3. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề Luật sư gồm: a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề Luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề Luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này".

Nhưng lại xuất hiện những trường hợp, Luật sư trẻ mới được cấp thẻ trên dưới 01 tháng, đã được giao làm Giám đốc Chi nhánh của một Công ty Luật (thường là Chi nhánh này ở xa trụ sở chính của Công ty ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, điều hành và nhất là theo dõi kèm cặp, giám sát, giúp đỡ Luật sư trẻ này…). Và đương nhiên, Luật sư này có con dấu và toàn quyền ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý như một người đứng đầu tổ chức hành nghề độc lập.

Theo tôi, do những sơ hở trong 03 giai đoạn nói trên có thể dẫn tới sai phạm của một Luật sư mới, trẻ. Tuy số lượng này không nhiều (do không có điều kiện thống kê chính thức), nhưng sự thiếu bản lĩnh đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, bị lợi ích vật chất che mắt dẫn tới vi phạm, đôi khi nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ tài sản liên quan của vụ việc.

Đây là những tồn tại, mà bản thân tổ chức Luật sư và người Luật sư phải không ngừng củng cố và cải thiện cả về kỹ năng chuyên môn lẫn đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Nếu không, chính chúng ta sẽ đánh mất giá trị và niềm tin của khách hàng và gây khó khăn cho mối quan hệ với xã hội nói chung và với các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng trong quá trình tác nghiệp.

Không phải không có những khó khăn trong quá trình hành nghề, thường là từ mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Đôi khi là do các quy định chưa được đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên, đôi khi cũng là do có quy định rồi, nhưng vận dụng mỗi nơi một khác. Trong đó, cũng có nguyên nhân xuất phát từ thái độ và cách ứng xử của một số Luật sư cá biệt.

Kỷ niệm Ngày truyền thống năm nay, dù không phải là tròn 05 năm, 10 năm, bên cạnh đó cũng do những hạn chế bởi dịch Covid-19 mà giới Luật sư đã không thể tổ chức những hoạt động kỷ niệm sôi nổi. Nhưng tôi tin rằng, bằng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và những kỹ năng đã được đào tạo và rèn luyện, giới Luật sư chúng ta ngày càng trưởng thành, luôn vững tin với quyết tâm của mình và đáp ứng được những kỳ vọng của khách hàng, góp phần làm cho tư pháp nước nhà ngày càng ổn định và phát triển vững chắc.

Luật sư PHAN VĂN VĨNH

Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh

Luật sư có sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của tư pháp

Quyền và lợi ích hợp pháp của Luật sư được đảm bảo khi có một tập thể đoàn kết, thống nhất