Cây xanh đổ còn nguyên vỏ bầu bọc nilon (Ảnh minh họa).
Cây xanh nói chung và cây xanh trong đô thị nói riêng có vai trò hết sức quan trọng, giúp lọc bớt bụi bẩn. Mặt khác, cây xanh hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước giúp không khí trong lành, mát mẻ hơn. Cây xanh được xem là "lá phổi" của đô thị, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Hệ thống cây xanh trong đô thị giúp chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên yên tĩnh hơn. Ngoài ra, cây xanh giúp thoát nước, cân bằng sinh thái, tạo cảnh quan đô thị, thu hút khách tham quan, du lịch, kiểm soát giao thông và đem lại giá trị kinh tế.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ hệ thống cây xanh trong đô thị như quy định tiêu chuẩn cây xanh đô thị, quy trình trồng cây xanh đô thị, quy trình chăm sóc cây xanh đô thị, kỹ thuật trồng cây xanh đô thị,... Các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như Điều 54 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép…
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xâm hại cây xanh vẫn xảy ra phổ biến. Nhiều cây xanh bị sử dụng làm cột treo băng rôn, quảng cáo, bị quấn hệ thống dây đèn nhấp nháy, thậm chí đóng đinh vào cây xanh để làm giá treo các biển hiệu, trưng bày sản phẩm, hàng hóa để kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, một số người dân có hành động thiếu ý thức như đổ axít, nước nóng, dầu luyn, khiến cây chết để phục vụ cho lợi ích cá nhân như mở nhà hàng, khách sạn, gara và thuận tiện trong xây dựng nhà cửa, công trình,... Không những thế, có trường hợp, đối tượng trộm cắp tổ chức cưa, cắt, dọn các loại cây gỗ quý, hiếm, nhiều năm tuổi, có giá trị kinh tế để đem đi bán.
Bên cạnh đó, tình trạng người dân vô tư bẻ, giẫm đạp, ngồi trên hoa, cỏ hay khắc tên, viết, vẽ những thông điệp lên thân cây xanh đã làm mất đi vẻ đẹp của cây xanh trong đô thị.
Tình trạng trồng cây xanh không đúng quy trình, kỹ thuật, còn ni lông quấn bầu đất, nhiều cây xanh chỉ được trồng rất nông so với mặt đường,… dẫn đến dễ bị đổ gẫy khi mưa bão vẫn còn xảy ra phổ biến. Các cơ quan được giao quản lý cây xanh vẫn còn thiếu trách nhiệm, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp xâm hại cây xanh.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý cây xanh đô thị, tác giả kiến nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế, chính sách, đảm bảo việc thực thi được các quy hoạch, kiến trúc và kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đã được phê duyệt; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện và quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống cây xanh.
Việc trồng cây xanh trong đô thị phải tính đến yếu tố lâu dài, bền vững, nhất là phải đồng bộ với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Việc xây dựng, nâng cấp và làm mới vỉa hè, đường phố… không được làm tổn hại đến hệ thống cây xanh đã trồng trước đó.
Chính quyền địa phương cần phải giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ cây xanh trong đô thị; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ cây xanh trong đô thị; thu hút đông đảo người dân tham gia bảo vệ cây xanh, có thể nghiên cứu hình thức giao khoán cho người dân trong việc bảo vệ cây xanh; lắp đặt các camera an ninh giám sát để bảo vệ cây xanh; xử phạt thật nghiêm đối với các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.
Đặc biệt, cần phải có biện pháp chăm sóc, cắt tỉa đối với các cây xanh lâu năm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, nhất là vào mùa mưa bão.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Không để lạm thu trong năm học mới