/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần cơ chế xử lý tài sản công sau sáp nhập

Cần cơ chế xử lý tài sản công sau sáp nhập

27/03/2025 06:26 |3 ngày trước

(LSVN) - Sáp nhập là điều cần thiết giúp tinh giản bộ máy hành chính nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Thế nhưng, cùng với đó cũng cần có kế hoạch sử dụng tài sản công dôi dư một cách hợp lý. Do đó, một cơ chế, một đường hướng thống nhất, rõ ràng hơn trở thành việc cấp thiết hàng đầu. Bởi điều này vừa tránh được lãng phí vừa đưa chính sách sáp nhập hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, cả nước đang thực hiện sáp nhập và tinh gọn bộ máy. Điều này đã dẫn tới thay đổi lớn trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, bởi khi tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, hệ thống chức danh, chức vụ, danh mục cơ quan, đơn vị, cấp hạng đơn vị có sự thay đổi. 

Để thực hiện xử lý tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 50/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, các nội dung đã quy định cụ thể về việc xử lý đối với tài sản công khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy. Các quy định nêu rất rõ việc xử lý tài sản trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động, chuyển nhiệm vụ. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc sắp xếp, xử lý tài sản công và văn bản hướng dẫn xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Đại diện Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, thống kê dựa trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương (tính đến cuối năm 2024) cho thấy, cả nước 11.034 cơ sở nhà, đất, trụ sở việc làm không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích; trong đó, có 3.780 cơ sở nhà, đất thì đã có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền; còn lại vẫn chưa có quyết định của xử lý của cấp có thẩm quyền.

Trong danh sách các cơ sở nhà, đất không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả này chủ yếu là cơ sở giáo dục ở những nơi có sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, đặc biệt, tập trung nhiều ở nhà văn hoá, trường, trạm y tế...

Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 2950/BTC-QLCS yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, xử lý trụ sở làm việc cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích theo quy định.

Có thể thấy, sáp nhập là điều cần thiết giúp tinh giản bộ máy hành chính nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Thế nhưng cùng với đó cũng cần có kế hoạch sử dụng tài sản công dôi dư một cách hợp lý. Do đó, một cơ chế, một đường hướng thống nhất, rõ ràng hơn trở thành việc cấp thiết hàng đầu. Bởi điều này vừa tránh được lãng phí vừa đưa chính sách sáp nhập hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Để chống lãng phí, các cơ quan Nhà nước cấp quản lý của tỉnh/thành phố cần rà soát toàn bộ các cơ sở nhà đất do các cơ quan Trung ương và địa phương quản lý trên địa bàn. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, có thể tham khảo các phương án quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công như: Không đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức phải sắp xếp, tổ chức lại theo kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở; UBND cấp cơ sở rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định; đảm bảo việc sắp xếp trụ sở được công khai, dân chủ theo quy định của Chính phủ. Có thể thấy rằng, để chống lãng phí trong lĩnh vực công hiệu quả, sự chủ động, quyết liệt của các địa phương trong xử lý các vướng mắc, đưa các tài sản dôi dư vào sử dụng là rất cần thiết.

Đối với tài sản là ô tô, máy móc, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ: Tiếp tục sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức đã được ban hành tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP của Chính phủ; những tài sản dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc hư hỏng, xuống cấp được xem xét điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu có nhu cầu hoặc thanh lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước.

Đối với tài sản là đất, nhà, công trình trụ sở trên đất không sử dụng: Quản lý, trông coi trụ sở dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, tránh nguy cơ hư hỏng, xuống cấp. Chuyển đổi công năng, bố trí cho các đơn vị có nhu cầu hoặc phục vụ cộng đồng dân cư. Từng bước nghiên cứu, điều chỉnh mục đích sử dụng sang theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Đoàn Luật sư TP. HCM

Ý NHƯ