/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi chống người thi hành công vụ

Cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với những hành vi chống người thi hành công vụ

23/03/2021 15:57 |4 năm trước

(LSVN) - Luật sư Diệp Năng Bình nhận định, cần phải xử lý hình sự với hành vi chống người thi hành công vụ của ông L.M.H. (48 tuối, cán bộ thuộc Học viện Hậu cần), một quân nhân để đảm bảo sự nghiêm minh, làm gương cho người khác.

 

Nam tài xế tại cơ quan Công an.

Chiều 22/3, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) thông tin với báo chí về kết quả xác minh tài xế chống đối CSGT ở ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển. Được biết, người này là L.M.H. (48 tuối, cán bộ thuộc Học viện Hậu cần).

Trước đó, chiều 21/3, tổ công tác của Đội CSGT số 7 thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội phát hiện ôtô Camry đỗ gần ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân). Tài xế có biểu hiện say xỉn, đang ngủ trong xe. Khi CSGT yêu cầu tài xế đưa xe vào lề đường và xuất trình giấy tờ để kiểm tra, người này tự xưng là quân nhân, thay vì chấp hành, đã mở cửa bước xuống, lao vào ghì cổ, tát một Trung uý CSGT.

Theo một chiến sĩ Công an, sau hơn 2 tiếng CSGT làm việc, thuyết phục, yêu cầu, tài xế xưng quân nhân này vẫn không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, cũng không ký biên bản, mà liên tục gọi điện thoại cứu viện và đe dọa sẽ gọi báo chí đến phản ánh.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, thời gian gần đây, tình hình chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực giao thông trên phạm vi cả nước có chiều hướng diễn biến phức tạp. Phần lớn các vụ các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra khi lực lượng thực thi nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm và truy bắt các đối tượng vi phạm pháp luật.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. 

Thực tế cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng ngày càng manh động, trắng trợn, liều lĩnh, thậm chí quyết chống đối đến cùng. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn chặn việc xử lý mà đôi khi còn chủ động khiêu khích tấn công lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, hành vi phạm tội thường rất côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật. Đáng lưu ý một bộ người dân, thanh thiếu niên thậm chí những người có trình độ văn hóa cao cũng có thái độ thiếu tôn trọng, chống đối.

Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ như sau:

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

Bên cạnh đó, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn quy định về Tội “Chống người thi hành công vụ” như sau:

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cao nhất đối với tội danh trên là 07 năm tù.

Luật sư Bình nhận định, so với tính chất và mức độ nguy hiểm của những hành vi chống đối thì những mức hình phạt trên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa nên tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp. Đồng thời việc xử lý hành chính hay hình sự thời gian qua đối các vụ việc túm cổ, tát CSGT vẫn chưa được áp dụng đồng bộ. Có nơi chỉ xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc áp dụng pháp luật không được nghiêm minh. Do đó, theo Luật sư trong vụ này cần phải xử lý hình sự hành vi chống người thi hành công vụ của quân nhân này để đảm bảo sự nghiêm minh, làm gương cho người khác.

Qua đây, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.

Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và lên án mạnh mẽ hành vi chống người thi hành công vụ, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Tuyên truyền nâng cao ý thức phát hiện, tố giác tội phạm, hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng chức năng giải quyết các vấn đề gây rối trật tự trên địa bàn. Có những chính sách động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn  dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng và những người thực thi công vụ nói chung.

NGỌC ANH 

Hàng lậu, hàng giả tung hoành livestream: Cần phải có những quy định riêng và đồng bộ

Lê Minh Hoàng