Hàng lậu, hàng giả tung hoành livestream: Cần phải có những quy định riêng và đồng bộ

23/03/2021 09:31 | 3 năm trước

(LSVN) – Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi trái pháp luật này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến vụ việc nhiều mặt hàng được bán livestream (phát hình trực tiếp trên mạng) có chất lượng trung bình hoặc thấp, không ít sản phẩm là hàng lậu, hàng giả "đội lốt" hàng hiệu. Như ngày 22/02, cơ quan chức năng ở Đồng Nai phát hiện 20 người đang livestream bán hàng trong một kho hàng rộng 600m2. Hàng hoá phần lớn được gắn mác là từ Mỹ nhưng không có hoá đơn, chứng từ. Ngày 18/3, cơ quan chức năng tỉnh Nam Định triệt phá kho hàng nhái Hermès, LV, Chanel lớn nhất miền Bắc ở xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản. Theo lực lượng quản lý thị trường tỉnh này, gần 30 nghìn sản phẩm (ước tính trị giá 6 tỉ đồng) không có nguồn gốc. Chủ kho hàng này mở hàng chục tài khoản mạng xã hội để livestream bán hàng và dùng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển.

Chia sẻ với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đánh giá, các hàng hóa được bán qua hình thức này rất phong phú và đa dạng từ quần áo, túi sách, giày dép, mắt kính, cho đến các loại thực phẩm, mỹ phẩm, và dược phẩm... Tuy nhiên, rất nhiều hàng hóa được bán livestream là những hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Đây đều là những hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm thì những hành vi trái pháp luật này có thể bị xử lý vi phạm hành chính về các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo các quy định tại Điều 9, Điều 11, Điều 15 và Điều 17 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh như:  Tội “Buôn lậu” (Điều 188); tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (Điều 192); tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” (Điều 193); tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” (Điều 194); tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi” (Điều 195) của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Theo Luật sư Hùng, pháp luật thuế hiện hành không có quy định áp dụng riêng đối với người bán hàng online hay qua livestream. Hiện nay, nghĩa vụ thuế của những người kinh doanh theo hình thức này được xác định như đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Cụ thể, cá nhân bán hàng online có doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài, và nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP của Chính phủ. 

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

“Tuy nhiên, có rất nhiều người bán hàng qua livestream (có doanh thu rất lớn) nhưng không kê khai và đóng thuế, hoặc có kê khai và đóng thuế thì cũng khó đóng đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với những trường hợp bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái thì càng ít có khả năng thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước”, Luật sư Hùng nói. 

Hiện nay, cơ quan thuế các địa phương đang rất nỗ lực, triển khai rất nhiều giải pháp để thu thuế đối với những người bán hàng online, bán hàng qua livestream và bước đầu cũng đã thu được những kết quả nhất định. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 (có hiệu lực từ ngày 05/12/2020) theo đó: Các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng khi được ngành thuế yêu cầu. Quy định này sẽ giúp cho việc kiểm tra, thanh tra, xác định nghĩa vụ nộp thuế của người chịu thuế nói chung, trong đó có những người bán hàng online, bán hàng qua livestream được thuận lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc xác định và thu thuế của những người này vẫn còn hết sức khó khăn. Bởi vì, hoạt động mua bán hàng hóa qua livestream là rất khó kiểm soát. Trong khi đó, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng chưa có những quy định riêng và thống nhất áp dụng cho trường hợp này. 

Để có thể quản lý các hình thức mua bán hàng hóa online, trong đó có hình thức livestream một cách hiệu quả và toàn diện, thì pháp luật cần phải có những quy định riêng và đồng bộ cho hoạt động kinh doanh này. Trước hết, pháp luật cần quy định hoạt động bán hàng online (trong đó có hình thức livestream) là một nghề (hoạt động kinh doanh) phải đăng ký hoặc thông báo với các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, pháp luật cũng phải có các quy định cụ thể và rõ ràng, để đưa hoạt động kinh doanh này vào trật tự, được pháp luật bảo vệ, và chịu sự quản lý, giám sát từ phía các cơ quan Nhà nước, cùng các chế tài xử lý vi phạm phù hợp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hạn chế được những mặt tiêu cực, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động này, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như đảm bảo tính minh bạch, chính xác và công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

THANH THANH

Đẩy 'thăng tiến thần tốc' vào quá khứ