/ Trao đổi - Ý kiến
/ Cần hướng dẫn thống nhất việc xử lý hành vi xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông

Cần hướng dẫn thống nhất việc xử lý hành vi xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông là hành vi nguy hiểm và đáng lên án mạnh mẽ. Hành vi này vừa thể hiện tính nguy hiểm của tội phạm, vừa gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án nên cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý giữa các tòa án còn khác nhau nên cần có hướng dẫn thống nhất.

Thực tế hiện nay, việc gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn xảy ra rất nhiều như vụ Nguyễn Văn Vinh sau khi lùi xe không chú ý gây tai nạn khiến một bé trai tử vong, Vinh đã có hành vi bế thi thể nạn nhân tới một cái hố bên lề đường, cào đất phủ lên vệt máu nhằm xóa dấu vết; vụ Nguyễn Văn Lưu gây tai nạn chết người sau đó mang xe đi sửa chữa, rửa nhằm xóa dấu vết… Đây là những hành vi rất nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm, vừa làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vừa gây khó khăn cho quá trình phát hiện, xử lý và giải quyết vụ án.

Các quan điểm khác nhau trong giải quyết hành vi “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông”

Hiện nay Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa quy định “xóa dấu vết sau tai nạn giao thông” là tình tiết định khung tăng nặng mà mới quy định tình tiết “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về tình tiết tăng nặng “Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Do đó, đứng trước hành vi này, còn có nhiều quan điểm xử lý khác nhau, chưa có sự thống nhất và thậm chí chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Ví dụ: Vụ án Nguyễn Văn Vinh lùi xe khiến một bé trai tử vong, sau đó Vinh bế thi thể tới mộ hố gần lề đường, phủ đất lên vệt máu tại hiện trường nhằm xóa dấu vết. Khi người thân nạn nhân và hàng xóm tổ chức tìm kiếm, nghi phạm quay trở lại hiện trường giả vờ tìm kiếm giúp gia đình. Đối với vụ án này, có đủ cơ sở để khẳng định Vinh phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nhưng đối với hành vi bế thi thể bỏ vào một hố gần lề đường, phủ đất lên vệt máu thì còn nhiều quan điểm khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, hành vi trên là “có hành động xảo quyệt nhằm che dấu tội phạm” nên Vinh bị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Quan điểm khác cho rằng hành vi này cấu thành tội “Xâm phạm thi thể người khác” theo Điều 319 Bộ luật Hình sự. Thậm chí có quan điểm cho rằng, do Điều 260 chưa có quy định về hành vi này, đồng thời điểm p khoản 1 Điều 52 chưa có hướng dẫn nên hành vi của Vinh được đánh giá là “chưa đủ mức xảo quyệt” nên không xử lý đối với hành vi này mà chỉ xử lý Vinh về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Đối với các quan điểm trên, quan điểm áp dụng tình tiết tăng nặng “có hành động xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm” là hợp lý nhất, bởi:

Thứ nhất, mặc dù chưa có hướng dẫn nhưng có thể hiểu xảo quyệt là “dối trá, lừa lọc một cách quỷ quyệt, khó lường”; trốn tránh là “trốn để khỏi phải gặp, phải làm, phải chịu điều không hay, không thích nào đó”; trốn là “giấu vào chỗ kín để khỏi bị thấy, khỏi bị bắt gặp, tránh đi nơi khác một cách bí ẩn, khỏi bị giữ lại, khỏi bị bắt”; che giấu là “giữ không để lộ ra cho người khác biết”[1]. Như vậy, có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm được hiểu là người phạm tội có hành động dối trá, lừa lọc để không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình hoặc không cho ai biết về hành vi phạm tội của mình. Việc xóa dấu vết sau khi gây tai nạn cũng là hành vi dối trá, qua hành vi đó nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng, làm cho người đó không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó hoặc xóa dấu vết để không ai biết đã có hành vi vi phạm của mình xảy ra… nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng này.

Thứ hai, xem xét hành vi này cấu thành tội “Xâm phạm thi thể” là chưa hợp lý bởi vì khoản 1 Điều 319 Bộ luật Hình sự quy định tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” như sau: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Theo đó, các hành vi xâm phạm phải dẫn đến việc mất mát, ảnh hưởng một phần nào đó của mồ mả, thi thể hay hài cốt bao gồm hành vi đào, đập, phá, hành vi khác như đâm, chém thi thể, yểm bùa vào thi thể, đập phá bình tro hài cốt…. Việc bế thi thể bỏ vào hố bên đường không dẫn đến việc mất mát đó, đồng thời lại có quan hệ và tính liên tục về mặt thời gian với hành vi gây tai nạn, nhằm che giấu tội phạm. Do đó, việc xem xét về tội phạm độc lập là không khách quan, không phù hợp.

Thứ ba, nếu không xử lý hành vi này thì sẽ là chưa đánh giá hết tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, dẫn đến hình phạt áp dụng không nghiêm, không đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Cần quy định hành vi “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông” là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự

Về vấn đề này, trước đề nghị của Bộ Tư pháp về việc xử lý hành vi lái xe gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có nội dung đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tội “Xâm phạm an toàn giao thông”. Theo đó, có thể vận dụng thống nhất tình tiết “có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” để áp dụng đối với hành vi “xóa dấu vết” của lái xe sau khi gây tai nạn.

Mặc dù việc áp dụng tình tiết quy định tại điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự để xử lý hành vi này ở thời điểm hiện tại là phù hợp, nhưng tôi cho rằng trong thời gian tới, cần nghiên cứu quy định hành vi “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn” là một tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự, bởi vì hành vi này thể hiện tính chất nguy hiểm cao, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đạo đức và cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng. So với tình tiết định khung tăng nặng “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” thì hành vi này cũng mang tính chất nguy hiểm cao không kém.

Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm là người phạm tội đã không dừng ngay phương tiện mà bỏ chạy khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình. Trường hợp bỏ chạy vì có lý do bị đe dọa tính mạng nhưng sau đó phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất, cung cấp thông tin. Cố ý không cứu giúp người bị nạn là sau khi gây tai nạn, người phạm tội có điều kiện cứu giúp người bị nạn, có thể đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc đã có yêu cầu của người khác nhưng vẫn không cứu giúp. Nếu người có hành vi không cứu giúp không phải người gây tai nạn dẫn đến người này bị chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, nếu sau khi gây tai nạn (đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”) mà bỏ chạy khỏi hiện trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Nhưng trường hợp xóa dấu vết, ngoài việc bỏ chạy khỏi hiện trường, người gây tai nạn còn có thời gian dừng lại, suy nghĩ và quyết định hành vi xóa dấu vết của mình, thể hiện ý chí mong muốn che giấu tội phạm của người gây tai nạn chứ không đơn thuần là do hoảng loạn mà bỏ chạy khỏi hiện trường. Đồng thời, sau khi xóa dấu vết, người gây tai nạn cũng sẽ bỏ đi khỏi hiện trường. Do đó, có thể thấy hành vi xóa dấu vết thể hiện tính nguy hiểm rất cao, nên cần nghiên cứu quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng quy định trong khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Để bảo đảm thống nhất trong xét xử, bảo đảm hiệu quả của việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, cần sớm có hướng dẫn xử lý đối với hành vi “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn”.

[1] Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học – GS. Hoàng Phê, NXB Hồng Đức 2018.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự khu vực hải quân

Bộ Y tế yêu cầu cách ly y tế với các trường hợp F1, F2

Lê Minh Hoàng