Ngày 12/8, Công an TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cho biết đang tạm giữ khẩn cấp đối với Trần Tấn Dương (34 tuổi, quê ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp; Giám đốc văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân, ở phường Vân Dương, TP. Bắc Ninh) về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức”.
Được biết, tại cơ quan điều tra, Dương khai nhận do nắm bắt nhu cầu của công nhân, lái xe cho các công ty trong khu công nghiệp, lái xe đường dài cần có phiếu xét nghiệm Covid-19 để đi làm và ra vào các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh, nên đã nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ để bán kiếm lời.
Cụ thể, Dương đã sưu tầm phiếu xét nghiệm thật có dấu đỏ của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, sau đó scan và lưu lại trên máy tính, chỉnh sửa thông tin cá nhân theo yêu cầu mà khách đã chuyển qua Zalo, scan dấu đỏ trên phiếu xét nghiệm thật, in màu và tự ký giả vào mục kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện.
Với thủ đoạn này, Dương đã làm và bán khoảng 150 phiếu giả kết quả xét nghiệm Covid-19 với giá 150.000 đồng đối với phiếu test nhanh và 250.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.
Hiện vụ án đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Đánh giá về vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng Trần Tấn Dương đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước.
“Hành vi của đối tượng này sẽ bị xử lý về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự (2015), hình phạt cao nhất lên tới 07 năm tù, ngoài ra đối tượng phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”, Luật sư Khuyên cho biết.
Theo Luật sư Khuyên, đối chiếu hành vi, tính chất và mức độ phạm tội của đối tượng Dương, cùng những quy định pháp luật tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì tình tiết định khung tăng nặng của Dương được quy định tại điểm a, b, đ “có tổ chức”, “phạm tội 02 lần trở lên”, “thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng” nên đối tượng này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm.
“Còn việc đối tượng Dương lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội và lợi dụng chính sách của Nhà nước cho những người có giấy xét nghiệm, có giấy đi đường cho các đối tượng là người lao động, lái xe để phục vụ mục đích đi lại - ra vào những khu vực quan trọng như khu công nghiệp, đi đường dài thông chốt kiểm dịch tại các tỉnh. Thì hành vi của đối tượng Dương “sẽ bị xem xét thêm tình tiết tăng năng trách nhiệm hình sự” quy định tại điểm l, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về ‘Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội’, Luật sư Khuyên cho hay.
Xử phạt nghiêm minh
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Khuyên, Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cũng cho rằng, việc làm giả giấy xét nghiệm Covid-19 là hành vi không thể chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
“Các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng này để mang tính răn đe, cũng là bài học cảnh tỉnh đối với những trường hợp khác để không còn tình trạng tái diễn”, Luật sư Hồng Dương nói.
Luật sư Hồng Dương cũng cho biết, nếu trong trường hợp, việc cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì người làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Cụ thể, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 thì người phạm tội có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 12 năm về tội này. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Ngoài ra, đối với tình tiết đối tượng đã scan giấy xét nghiệm từ một cơ sở khám chữa bệnh uy tín, cần phải điều tra và xem xét về hành vi đó. Nếu người trong cơ sở khám chữa bệnh đã cung cấp mẫu giấy xét nghiệm cho đối tượng scan thì người đó có thể bị coi là đồng phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm quy định tại Điều 17 và Điều 58 Bộ luật Hình sự 2015”, Luật sư Hồng Dương nhận định.
Về vấn đề này, Luật sư Khuyên cũng nhận định, nếu có căn cứ xác định bất cứ cơ sở y tế nào cấp giấy xét nghiệm, phiếu test nhanh, phiếu xét nghiệm PCR sai quy định thì tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi sai phạm, các cá nhân và cơ sở y tế này sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế hoặc xử lý hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
Cần khắc phục triệt để việc lợi dụng "kẽ hở" chính sách để trục lợi
Các Luật sư cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc lợi dụng “kẽ hở” về chính sách của Nhà nước ban hành trong thời điểm dịch bệnh, cụ thể là chính sách cho những đơn vị, tổ chức có thẩm quyền trong xác nhận và cấp giấy xét nghiệm, cấp giấy đi đường, rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp nhằm thu lợi bất chính như: Làm giả, mua bán, xin cho, cấp sai đối tượng để hưởng ưu tiên trong việc đi lại và các lợi ích khác… Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng này, thời gian hiện tại và trước mắt cần tập trung thực hiện số hóa kết quả xét nghiệm thông qua việc quét QR để có thể kiểm tra ngay trên điện thoại, thiết bị di động và có số điện thoại cán bộ xét nghiệm, kỹ thuật viên làm công tác xét nghiệm trên chính giấy xét nghiệm được cấp, để tổ kiểm dịch - tổ công tác làm công tác đối chiếu, xem xét những đối tượng tình nghi sử dụng giấy tờ giả để đi lại.
Đồng thời, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc về mặt hành chính và hình sự đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; bởi chính những hành vi và thủ đoạn làm giả, mua bán, xin cho, cấp giấy sai đối tượng đã “gián tiếp làm phát sinh dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng” khiến Nhà nước và các địa phương khó kiểm soát tình hình dịch bệnh hơn.
Các cá nhân, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng lúc này cần phải nâng cao ý thức, nâng cao trách nhiệm, đồng lòng, đoàn kết với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đang ngày đêm chống dịch, nhằm đẩy lùi tình trạng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nói không với việc sử dụng giấy tờ giả, nói không với việc đi lại nếu không phải nhu cầu thiết yếu. Tố giác những cá nhân, tổ chức cấp giấy sai quy định và người sử dụng giấy tờ giả để lưu thông đi lại.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với các cơ quan báo chí nhằm truyền thông, tuyên truyền đến người dân về tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại nước ta hiện nay và mức xử phạt đối với hành vi trên để người dân hiểu và nắm rõ.
Các Luật sư cho rằng, với những hành động này, hiện nay không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn trái lương tâm, đạo đức trong công cuộc phòng, chống dịch hiện nay. Phải có những hành động nghiêm khắc, xử lý mạnh tay có như vậy mới có thể khắc phục triệt để được việc lợi dụng kẻ hở chính sách để trục lợi và làm lây lan dịch bệnh.
TRẦN MINH
Bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu: Cần điều tra nghiêm túc, trách nhiệm