/ Góc nhìn
/ Cần linh hoạt trong việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

Cần linh hoạt trong việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Có thể khẳng định rằng, việc tinh giản bộ máy, biên chế các cơ quan hành chính trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18, 19 của Bộ Chính trị đã thu được những kết quả bước đầu, thành công ngoài mong đợi. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan cần giải quyết như sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị bị sáp nhập, giải thể, tinh giản...

Ảnh minh họa.

Đặc biệt cũng rất cần linh hoạt trong việc giải thể, sáp nhập, thành lập mới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu của công dân, tổ chức... Bởi, ngoài việc giảm gánh nặng về biên chế, kinh phí do bộ máy cồng kềnh, vận hành kém hiệu quả thời gian thì mục tiêu quan trọng nhất trong việc hướng tới tinh giản bộ máy, biên chế là phải đảm bảo cho hệ thống cơ quan nhà nước, đơn vị phục vụ hành chính công hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, tổ chức và xã hội.

Theo quan điểm người viết, cần phải linh hoạt trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, tùy vào điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn mà có thể thành lập, giải thể chủ động, phù hợp, linh hoạt. Bởi, các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay không khác nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước hoặc Công ty cổ phần... Các cán bộ, viên chức, người lao động ở các đơn vị sự nghiệp công lập làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, họ làm những công việc chủ yếu mang tính sự vụ.

Bên cạnh đó, phần lớn đơn vị sự nghiệp công lập có rất ít vị trí thực hiện quyền lực nhà nước hay thi hành công vụ nhiều mà chủ yếu là thực hiện dịch vụ hành chính công thuần túy.

Mặt khác, nhiều lĩnh vực đã được xã hội hóa, tư nhân cũng thực hiện công việc song song với các đơn vị sự nghiệp công lập như công chứng, đấu giá tài sản, đăng kiểm, giám định, y tế, giáo dục… Do đó, trường hợp khu vực, địa bàn nào chưa xã hội hóa, tư nhân ít tham gia thì cần thiết thành lập đơn vị sự công lập để phục vụ công dân, tổ chức, nếu tư nhân đã đảm đương được thì sáp nhập, giải thể.

Ngoài ra, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập đã tự đảm bảo kinh phí hoạt động, thậm chí nhiều đơn vị tự đảm bảo 100%, hạch toán riêng rẻ. Trong đó, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều lĩnh vực tự chủ tài chính, thực hiện chi thường xuyên, chi đầu tư... Vì thế, việc chủ động thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập không ảnh hưởng nhiều đến việc nhiệm vụ chính trị, thu chi ngân sách…

Có thể nói, việc linh động trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể là rất quan trọng. Bởi khi cần thì nhà nước nên thành lập đơn vị đảm nhận vai trò, còn khi không thật sự cần thiết nữa hoặc, hết vai trò, sứ mệnh thì cần chấm dứt tồn tại hoặc có thể chuyển đổi sang loại hình hoạt động khác như công ty cổ phẩn, hợp tác xã để tiếp tục thích ứng, hoạt động hiệu quả hơn.

Điều này không những phục vụ tốt hơn nhu cầu của công dân, tổ chức và xã hội mà còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Vấn đề là phải công khai, minh bạch trong việc thành lập, sáp nhập, giải thể, nhất là về điều kiện thành lập, giải thể... Đồng thời, giải quyết hài hòa, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho những cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập này.

                                                                            Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                                                           Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Bamboo Airways tiếp tục bay đúng giờ nhất 03 tháng đầu năm 2022

Lê Minh Hoàng