/ Pháp luật - Đời sống
/ Cần nghiên cứu áp dụng 'Thỏa thuận thú tội' ở Việt Nam để giảm bớt tội phạm trốn truy nã

Cần nghiên cứu áp dụng 'Thỏa thuận thú tội' ở Việt Nam để giảm bớt tội phạm trốn truy nã

11/05/2024 06:44 |

(LSVN) - "Thỏa thuận thú tội" là cơ sở để giảm bớt tội phạm truy nã, động viên người phạm tội tự thú, đầu thú để được hưởng khoan hồng. Thời gian qua, nhiều trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đã được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Việc người phạm tội ra đầu thú, thành khẩn khai báo, chủ động khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội với mong muốn được xem xét, hưởng khoan hồng của pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Ảnh minh họa.

Việt Nam hiện nay nên nghiên cứu về các khái niệm “đầu thú”, “tự thú”, về tình tiết “người phạm tội tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, lập công chuộc tội”… để có một chính sách mới, khuyến khích người phạm tội tự thừa nhận hành vi của mình, tự nhận tội làm giảm thiểu thời gian chi phí của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm, hướng đến quy định về “thỏa thuận thú tội” hay còn gọi là “mặc cả thú tội”, “thương lượng nhận tội” hay “đàm phán thú tội”… trong tố tụng hình sự để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giai đoạn hiện nay, đặc biệt là tội phạm về tham nhũng và chức vụ.

Nếu Việt Nam quy định về thỏa thuận thú tội thì sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để rất nhiều bị can đang bỏ trốn trình diện trước cơ quan chức năng để được hưởng mức độ khoan hồng cụ thể, cũng như những người đã thực hiện hành vi phạm tội chủ động tự thú, đầu thú để được hưởng khoan hồng, các bị cáo chưa thành khẩn khai báo ăn năn hối cải trong vụ án hình sự thì sẽ nhận tội để có kết quả giải quyết vụ án có lợi cho bản thân, giúp cho hoạt động tố tụng hình sự hiệu quả hơn, giảm bớt thời gian công sức chi phí tiền của cho nhà nước mà vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật.

Đặc điểm của quan hệ pháp luật hình sự theo pháp luật Việt Nam hiện nay là mệnh lệnh phục tùng, là quyền uy chứ không có yêu tố thỏa thuận. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia trên thế giới có quy định về “thỏa thuận thú tội”, theo đó pháp luật cho phép người phạm tội (và có thể người đại diện là luật sư bào chữa) và nhà nước mà đại diện là cơ quan tiến hành tố tụng (trực tiếp là công tố viên) được quyền thỏa thuận với nhau để bị cáo nhận tội đổi lại để có kết quả giải quyết vụ án có lợi cho mình. Kết quả thỏa thuận này có thể là giảm nhẹ khung hình phạt, giảm nhẹ loại hình phạt hoặc giảm nhẹ mức hình phạt hoặc chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn cho bị cáo khi bị cáo tự nhận tội và đổi lại cơ quan tố tụng không phải chứng minh.

Quy định về thỏa thuận thú tội đã có ở pháp luật Hoa Kỳ từ thế kỷ 18, một số quốc gia Châu âu cũng đã áp dụng quy định này trong pháp luật hình sự. Quy định về thỏa thuận thú tội sẽ loại trừ nghĩa vụ chứng minh của nhà nước, giảm bớt thời gian công sức tiền của cho hoạt động tố tụng hình sự, đồng thời có lợi cho người phạm tội, đó là một kết quả tố tụng được đàm phán trên cơ sở nguyên tắc của pháp luật, người phạm tội đồng ý nhận tội để được đổi lại có một kết quả giải quyết mà họ cho là có lợi, tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm và sớm trở lại với đời sống xã hội.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định “thỏa thuận thú tội” tuy nhiên Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, cho phép có sự thỏa thuận giữa người phạm tội và người bị hại trong một số vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như người phạm tội "Tự thú", "Đầu thú", "Thành khẩn khai báo", "Tích cực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện xử lý tội phạm"… Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể là các tình tiết giảm nhẹ này sẽ được hưởng kết quả giải quyết vụ án cụ thể như thế nào, việc những người tiến hành tố tụng động viên bị can nhận tội để được hưởng khoan hồng nhưng không được phép “hứa” (thỏa thuận) là khoan hồng ở mức độ như thế nào đang là khó khăn trong việc chứng minh tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như giáo dục người phạm tội nhận thức sai lầm của mình để sửa chữa, khắc phục…

Pháp luật Việt Nam quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể chứng minh được hành vi phạm tội của người phạm tội, nếu không chứng minh được tội phạm thì điều đó đồng nghĩa với việc người phạm tội có thể sẽ khinh nhờn pháp luật, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Còn nếu nôn nóng, chủ quan duy ý chí thì có thể kết tội oan sai hoặc có thể xảy ra bức cung, dùng nhục hình… trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Ngoài ra, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam cũng luôn động viên khuyến khích người phạm tội nhận thức được sai phạm của mình để khắc phục sửa chữa, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự thú, đầu thú, tích cực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện xử lý tội phạm nhưng lại chưa có quy định cụ thể là nếu những người phạm tội có hành vi "Tự thú", "Đầu thú", "Thành khẩn khai báo", "Tích cực phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện xử lý tội phạm"… thì sẽ được hưởng quyền lợi và giá trị cụ thể như thế nào. Những yếu tố đó hiện nay chỉ quy định là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết này cũng không có quy định định lượng là sẽ giảm được bao nhiêu năm tù, bao nhiêu tháng tù hoặc có chắc chắn được chuyển khung hình phạt hay không… Chính vì vậy, người phạm tội đôi khi nghi ngờ hoặc không thiết tha gì với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này.

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định có hai yếu tố quyết định đến hình phạt là yếu tố hành vi và yếu tố nhân thân. Theo đó, Điều 50, Bộ luật Hình sự quy định việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện nay thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong rất nhiều yếu tố quyết định đến hình phạt chứ không phải là yếu tố chính quyết định đến hình phạt, cũng chưa có quy định là những tình tiết giảm nhẹ đó sẽ giảm trừ được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, có được chuyển khung hình phạt hay không, có được án treo hay không…

Trong khi đó, người phạm tội luôn có tâm lý trốn tránh, che giấu hành vi phạm tội của mình. Thậm chí, nếu không tự thú thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể cung cấp phát hiện ra hành vi phạm tội đó mà xử lý. Ví dụ có những trường hợp người phạm tội tàng trữ số lượng ma túy rất nhỏ khung hình phạt chỉ vài năm tù nhưng trong quá trình điều tra truy tố xét xử bị cáo có thể thành khẩn khai báo ra hành vi trước đó là vận chuyển, mua bán số lượng ma túy lớn, khi đó hành vi thành khẩn này, tự thú này khiến bị cáo phải đối mặt với khung hình phạt có mức hình phạt tử hình… Như vậy, tình huống thành khẩn khai báo, tự thú, đầu thú khiến cho bị cáo lâm vào tình trạng bất lợi hơn là không thành khẩn, không đầu thú, tự thú. 

Để xóa bỏ tâm lý trốn tránh, để giảm trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh thì việc bị can, người phạm tội tự thú, đầu thú là vấn đề rất quan trọng, rất có lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, việc kêu gọi các bị can đang bị truy nã về đầu thú, kêu gọi người phạm tội tự thú, tự nhận hành vi phạm tội khi chưa bị cơ quan chức năng phát hiện hoặc động viên người phạm tội thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, quá trình chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng phải đầu tư rất nhiều thời gian công sức, tiền của, chi phí xã hội cho các hoạt động tố tụng này. 

Quy định về thỏa thuận thú tội là quy định văn minh, góp phần giảm bớt thời gian công sức tiền của của nhà nước trong việc truy tìm phải chứng minh tội phạm, đồng thời là căn cứ để động viên người phạm tội nhận thức sai lầm của mình, khắc phục sửa chữa để có một kết quả tốt tụng hình sự có lợi cho mình. Tuy nhiên, quy định này cũng đòi hỏi hoạt động tố tụng hình sự, minh bạch, nghiêm túc, chí công vô tư, tránh tình trạng lợi dụng thỏa thuận này để tiêu cực, nhận hối lộ.

Khi quy định về thỏa thuận thú tội thì cũng cần quy định cơ chế giám sát, điều kiện áp dụng và kiểm soát các trường hợp này để tránh hành vi lạm quyền hoặc lợi dụng thỏa thuận thú tội để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự. 

Nếu thỏa thuận thú tội được nghiên cứu một cách đầy đủ, đưa vào vận dụng áp dụng trong pháp luật Việt Nam thì sẽ có tác động tích cực đến hoạt động tố tụng hình sự, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm và giảm bớt chi phí xã hội trong hoạt động tố tụng hình sự, xây dựng tố tụng hình sự văn minh, lành mạnh và tiến bộ.

Ví dụ, khi có quy định nếu người phạm tội tự thú thì sẽ được áp dụng khung hình phạt thấp nhất của tội danh mà người đó đã phạm; Hoặc quy định nếu đầu thú thì sẽ được giảm một khung hình phạt; hoặc quy định nếu lập công lớn hoặc tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm thì sẽ được lựa chọn loại hình phạt, sẽ được hưởng án treo… hoặc có quy định thỏa thuận thú tội để bị cáo, người bào chữa trực tiếp thỏa thuận với công tố viên, hội đồng xét xử để có sự lựa chọn có lợi cho bị cáo một cách cụ thể… nếu có quy định “cứng” như vậy thì sẽ là yếu tố động viên người phạm tội tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm.

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Sớm triển khai quản lý GCNQSDĐ bằng mã QR

Nguyễn Hoàng Lâm