Ảnh minh họa.
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền nhân thân của mọi công dân theo đó việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác thì phải được người đó đồng ý, nếu sử dụng trái phép gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác mà không được người có thông tin hình ảnh đồng ý thì phải gỡ bỏ, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, nếu bị kiện thì có thể sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Đây là quy định rất rõ ràng cụ thể về quyền hình ảnh của cá nhân. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Cá nhân là người có quyền đối với hình ảnh của mình, quyền của cá nhân được thể hiện như: cá nhân được trực tiếp sử dụng hình ảnh, quảng bá hình ảnh của bản thân, được đăng tải, công khai hình ảnh với các mục đích hợp pháp của cá nhân... hoặc cá nhân được quyền cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Khi muốn sử dụng hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý.
Pháp luật quy định trong một số trường hợp cụ thể thì có thể sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự cho phép. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng thì không phải xin phép. Ngoài ra hình ảnh có được từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật công khai và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh thì mọi người cũng được phép sử dụng.
Những hình ảnh mà người khác đã công khai trên mạng xã hội, trước công chúng thì người khác cũng có quyền sử dụng, viện dẫn nhưng không làm tổn hại đến danh dự uy tín của họ. Việc sử dụng hình ảnh của người khác nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác hoặc sử dụng vào mục đích trái pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự nêu trên thì việc thu thập thông tin, sử dụng hình ảnh của người khác trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện quên hình ảnh của mình bị xâm phạm thì người có hình ảnh có quyền căn cứ vào khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự để bảo vệ quyền của mình. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện thông tin cá nhân, hình ảnh của mình đang bị sử dụng trái phép thì nạn nhân có quyền tự bảo vệ quyền nhân thân của mình bằng cách thông tin đối với người đang sử dụng trái phép, yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh và xin lỗi công khai. Trường hợp người đã thực hiện hành vi sử dụng trái phép hình ảnh không dừng hành vi của mình thì có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết, có thể là cơ quan Công an hoặc khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Quy định về bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân ngày càng chặt chẽ và có những chế tài nghiêm khắc hơn, theo đó từ ngày 27/01/2022, người có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt lên đến 60 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm theo Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
"Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
- Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác".
Đây là mức phạt mới đã được tăng lên rất nhiều so với quy định trước đây. Mức phạt trước đây theo khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP chỉ từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân khác, bao gồm:
- Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
- Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
Như vậy, từ ngày 27/01/2022, người có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt lên đến 60 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, nếu việc sử dụng thông tin hình ảnh của người khác nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người có hình ảnh khiến người đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe thì hành vi vi phạm trong trường hợp này con có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Pháp luật quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật cũng cho phép công dân lên án những hành vi vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu lợi dụng quyền tự do dân chủ mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy mọi người cần biết giới hạn của quyền tự do ngôn luận, giới hạn của việc bày tỏ quan điểm thái độ của mình về một vấn đề. Nếu lợi dụng việc bày tỏ quan điểm để xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự nếu hành vi làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác để đánh cắp thông tin dữ liệu cũng là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288 hoặc Điều 289 Bộ luật Hình sự.
Nếu người nào thu thập trái phép thông tin, hình ảnh, clip có tính chất đồi trụy của người khác rồi phát tán lên không gian mạng thì có thể bị truy cứu hình sự trách nhiệm hình sự theo Điều 326 Bộ luật Hình sự.
Luật sư, Tiến sĩ ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp
Một số bất cập trong quá trình thực hiện cung cấp lý lịch tư pháp