Theo quy định Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý”.
Điều 37 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: "Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý".
Pháp luật đặt ra thời hạn giải quyết khiếu nại với mục đích là để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết trong thời hạn cho phép. Nếu quá thời hạn giải quyết thì người có thẩm quyền không được tiếp tục giải quyết khiếu nại hoặc không được phép ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Đồng thời, trong trường hợp này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải đình chỉ ngay việc giải quyết khiếu nại. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có trách nhiệm tuân thủ thời hạn giải quyết khiếu nại một cách tuyệt đối, chặt chẽ và không được "phá vỡ" quy định.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người giải quyết khiếu nại vi phạm thời hạn giải quyết. Trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền phải ban hành quyết định gia hạn nhiều lần nhưng việc gia hạn vượt quá thời hạn giải quyết với nhiều lý do như: vụ việc phức tạp; liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; cần phải xác minh, làm rõ các tình tiết vụ việc hoặc được người khiếu nại đồng ý;… Việc này sẽ vi phạm nguyên tắc giải quyết khiếu nại, đó là việc giải quyết khiếu nại phải bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời và đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật.
Nếu người có thẩm quyền vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại thì pháp luật đặt ra thời hạn giải quyết để làm gì nếu nó không được tuân thủ một cách nghiêm túc.
Nếu vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 28 và Điều 37 nêu trên thì quyết định giải quyết khiếu nại phải bị hủy bỏ. Người có thẩm quyền giải quyết lần hai hoặc Tòa án thụ lý vụ án hành chính khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại nếu thấy vi phạm thời hạn giải quyết thì phải hủy bỏ ngay quyết định giải quyết khiếu nại mà không cần thiết phải xem xét tới nội dung khiếu nại; đồng thời, phải khôi phục ngay quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
Từ những phân tích nêu trên, cho thấy cần thiết phải xem xét bổ sung Luật Khiếu nại năm 2011 với điều khoản quy định về xử lý trường hợp vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại. Cụ thể: Quá thời hạn giải quyết khiếu nại (lần đầu hoặc lần hai), người có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết khiếu nại không được tiếp tục giải quyết hoặc không được ban hành quyết định giải quyết khiếu nại và phải thông báo ngay cho người khiếu nại được biết để thực hiện quyền khiếu nại lần hai (nếu vụ việc đang được thụ lý, giải quyết lần đầu) hoặc thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nếu để quá thời hạn giải quyết thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Việc quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tùy tiện trong việc vi phạm thời hạn giải quyết như hiện nay.
MINH ĐỨC
Nếu chỉ thu hồi tài sản và kỷ luật thì tình hình tham nhũng sẽ càng phức tạp