Ảnh minh họa.
Sự việc mất tiền trong tài khoản khi gửi tiền tại ngân hàng xảy ra khá nhiều trong thời gian gần đây, sai phạm này phản ánh lỗ hổng và khoảng trống lớn trong việc quản lý tiền gửi tại các ngân hàng.
Điều này, xuất phát từ lỗ hổng trong công tác bảo mật thông tin, hoạt động quản lý tài chính và nguyên nhân khác, cụ thể: Do sự phát triển của công nghệ, nên tội phạm mạng hoặc hacker lợi dụng những kẻ hở của hệ thống, dùng phương thức thủ đoạn tinh vi để yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP, thông tin tài khoản, sau đó kiểm soát tài khoản và rút tiền.
Hay do sơ hở trong quy trình kiểm soát bảo mật thông tin, quản trị nội bộ, rủi ro hệ thống, vi phạm về tuân thủ,... dẫn đến thông tin tài khoản của khách hàng bị rò rỉ, hoặc nhân viên ngân hàng lợi dụng chính sách/ lỗ hổng trong quản lý để tham ô hoặc chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Hiện nay, pháp luật đã có những quy định về vấn đề liên quan đến hoạt động gửi giữ, tại Bộ luật Dân sự (khoản 4 Điều 557; Điều 87), Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Điều 10), và Thông tư 23/2014/TT-NHNN (khoản 2 Điều 5). Theo đó, trường hợp bên giữ tài sản/ pháp nhân phải có trách nhiệm: bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi; bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản; chịu trách nhiệm khi do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân; chịu trách nhiệm về thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng lừa đảo,...
Khi khách hàng bị mất tiền, trước tiên khách hàng cần phải thông báo cho ngân hàng tại nơi gửi tiền biết, yêu cầu khóa tài khoản để ngăn chặn giao dịch, và cung cấp về thông tin lịch sử giao dịch, thời gian, địa điểm, số tiền, phương thức rút tiền gần nhất. Tùy theo nguyên nhân dẫn đến việc mất tiền khác nhau mà khách hàng cần có phương thức giải quyết phù hợp. Khi biết khách hàng bị mất tiền thuộc quản lý của mình, ngân hàng cũng cần xem xét vụ việc đến đâu để có cách ứng xử phù hợp, không nên quy hết trách nhiệm cho nhân viên ngân hàng, hoặc để nhân viên và khách hàng tự giải quyết. Hơn hết, dù lỗi ở đâu thì vẫn rất cần tinh thần thái độ cầu thị của ngân hàng, sự việc sẽ được làm rõ khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp, nhân viên ngân hàng là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng phải là người trình báo Công an vì phía ngân hàng đang là bên quản lý tài sản, khi đó ngân hàng là bị hại trong vụ án hình sự. Đồng thời, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lý nhân sự. Trường hợp nếu ngân hàng thoái thác không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng.
Trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm, liên đới chịu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho khách hàng một cách kịp thời tránh ảnh hưởng tới uy tín, danh dự.
Các cơ quan chức năng cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật một cách kịp thời, gắn với thực tiễn, nhằm đảm bảo lợi ích và nghĩa vụ của các bên, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét kỹ trình gửi tiền, kiểm soát, kiểm tra tại các ngân hàng nhằm đảm bảo chặt chẽ, thống nhất. Về lâu dài, yếu tố con người vẫn ưu tiên hàng đầu.
Đối với khách hàng, cần nâng cao kỹ năng bảo mật thông tin tài khoản, không cung cấp thông tin mật khẩu OTP cho bất kỳ ai, trước khi ký hợp đồng hoặc giao dịch cần phải đọc kỹ nội dung, và không ký sẵn các văn bản. Bên cạnh đó, không truy cập vào các đường link, tải các app lạ, không rõ nguồn gốc để tránh lộ các thông tin. Đồng thời, cũng thường xuyên theo dõi tin tức, nhận biết, trang bị những kỹ năng phòng tránh thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu.
Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Khách hàng 'bỗng dưng' mất tiền gửi: Xuất hiện những “kẽ hở” trong hệ thống ngân hàng