/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả

Cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả

05/02/2022 09:56 |

(LSVN) - Bằng cấp, chứng chỉ là những văn bản ghi nhận trình độ của mỗi con người. Đối với các cán bộ giữ các cương vị lãnh đạo, những vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn thì bằng cấp, chứng chỉ phù hợp là rất quan trọng. Việc cán bộ sử dụng bằng cấp giả trong thời gian gần đây đang là vấn đề rất đáng lo ngại ở nhiều cơ quan.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, rất dễ phát hiện các hội nhóm, các đối tượng rao bán bằng giả trên mạng xã hội, thậm chí nhiều đối tượng thường xuyên nhắn tin nhắn qua điện thoại cho rất nhiều người để mời gọi làm bằng giả, bán bằng giả. Bởi vậy, thực trạng sản xuất bằng giả, mua bán, sử dụng bằng giả đã trở thành vấn đề nhức nhối xã hội trong nhiều năm qua cần phải có những biện pháp quản lý, sử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Hành vi làm, cấp giấy tờ giả của các cơ quan tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức chế tài cao nhất có thể đến 20 năm tù.

Đối với người làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, trong đó có bằng cấp chứng chỉ giả mà không phải là người có chức vụ quyền hạn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Cụ thể Bộ luật Hình sự quy định như sau:

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;                

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, giấy tờ, tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả có thể chia làm hai loại là giả về mặt nội dung và giả về mặt hình thức.

Giấy tờ giả về mặt nội dung thường là do cán bộ, cơ quan có thẩm quyền làm giả, hành vi này bị xử lý về tội "Giả mạo trong công tác" theo Điều 359 Bộ luật Hình sự. Còn những giấy tờ tài liệu do người không có chức vụ quyền hạn làm giả thì thường là giả về mặt hình thức thông qua hành vi in màu, kẻ, vẽ, làm giả con dấu để tạo ra các tài liệu giả... Bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả về mặt nội dung là những thứ không ghi nhận đúng trình độ năng lực của người có tên trên bằng cấp chứng chỉ. Còn giấy tờ, tài liệu giả về mặt hình thức là giả mạo giấy tờ của cơ quan tổ chức, không phải do cơ quan tổ chức phát hành.

Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu, bằng cấp của cơ quan tổ chức xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Đối tượng sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả để lừa dối cơ quan chức năng, thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nên hành vi này được xác định là nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị xử lý hình sự.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng làm giả giấy tờ tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ, con dấu của cơ quan tổ chức diễn ra tương đối phổ biến trong đời sống xã hội trong đó có thể kể đến như:

- Thái độ, ý thức coi thường pháp luật của một số người, vì muốn có tiền nên sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để làm giả giấy tờ, tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ, con dấu của cơ quan tổ chức;

- Với sự phát triển của công nghệ khoa học, kỹ thuật thì việc làm giả con dấu, tài liệu, bằng cấp chứng chỉ hiện nay rất dễ dàng nên các đối tượng rất dễ để thực hiện hành vi phạm tội và có thể thực hiện làm giả các tài liệu con dấu với số lượng lớn trong thời gian rất ngắn;

- Hành vi phạm tội của nhiều đối tượng rất tinh vi, sử dụng các phương tiện kĩ thuật hiện đại nên các giấy tờ tài liệu giả rất khó phát hiện, khó xử lý khiến cả đối tượng làm giả và đối tượng sử dụng giả đều dễ dàng có thể qua mặt cơ quan chức năng;

- Sự phát triển của mạng xã hội, mạng máy tính, mạng viễn thông dẫn đến việc đối tượng làm giả tài liệu, con dấu và đối tượng sử dụng giả tài liệu con dấu giả không cần phải tiếp xúc trực tiếp chỉ cần đặt hàng qua mạng internet là có thể giao dịch được với nhau nên các đối tượng rất dễ có thể giao dịch với nhau mà ít e ngại. Ngoài ra, các hành vi quảng cáo, giới thiệu, kết nối, làm giả chủ yếu thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử . Với đặc điểm của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử là giao tiếp gián tiếp, có thể ẩn danh nên các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội;

- Việc quản lý hành chính của nhiều cơ quan tổ chức còn lỏng lẻo, sự phối hợp giữa các cơ quan nước chức năng trong việc kiểm tra rà soát hoạt động quản lý hành chính còn hạn chế nên những giấy tờ tài liệu giả rất dễ được phát hành sử dụng trong đời sống;

- Các thủ tục hành chính của Việt Nam trong những năm gần đây yêu cầu đòi hỏi rất nhiều loại bằng cấp chứng chỉ, đặc biệt là bằng cấp chứng chỉ về tiếng Anh, tin học tuy nhiên thực tiễn thì người lao động ít sử dụng đến các kỹ năng này, cũng không có thời gian bố trí hợp lý để đào tạo nên tâm lý chung của nhiều người là muốn bổ sung, hoàn thiện cho có lệ, trong đó nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua bằng cấp chứng chỉ giả để bổ túc hồ sơ;

- Có những cán bộ, công chức không đủ năng lực trình độ nhưng do mối quan hệ, do tiêu cực nên có thể được đề bạt, cất nhắc. Để đầy đủ hoàn thiện hồ sơ thì những người này sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bằng cấp chứng chỉ phù hợp với vị trí công tác. Những năm qua cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều trường hợp cán bộ có vị trí cao nhưng không có bằng cấp 3, không có bằng đại học và rất nhiều giấy tờ tài liệu giả. Đây là lỗ hổng trong công tác cán bộ và có những tiêu cực xã hội vẫn đang nảy sinh.

Hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, đặc biệt là làm giả bằng cấp chứng chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý hành chính, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, gây ra bất bình đẳng trong xã hội và có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho xã hội. Những người sử dụng giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy những người sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức thường rất tinh vi, dễ dàng che giấu hành vi của mình. Với mắt thường thì rất khó có thể phát hiện ra đâu là giấy tờ tài liệu giả, đâu là giấy tờ thật, thêm vào đó là có sự tiếp tay, dung túng của người có chức vụ thì hồ sơ rất dễ được cho qua.

Hành vi làm giả bằng cấp, chứng chỉ của cơ quan, tổ chức sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính về con dấu, về tài liệu dẫn đến khó khăn cho nhà nước trong công tác quản lý hành chính.

Hành vi làm giả bằng cấp chứng chỉ và sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả gây ra bất bình đẳng trong xã hội, người có trình độ thật, có bằng cấp thật thì lại không được cân nhắc tuyển dụng bổ nhiệm để làm việc, đối tượng không đủ năng lực trình độ thì lại làm giả bằng cấp chứng chỉ để ghi nhận trình độ của mình, cạnh tranh không lành mạnh với những người có trình độ thật. Bởi vậy hành vi sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả gây bất bình đẳng trong xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng của nguồn nhân lực và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Những đối tượng không đủ trình độ bằng cấp mà giữ các vị trí công tác quan trọng thì có thể gây ra oan, sai, làm thất thoát tài sản của nhà nước, làm suy thoái đạo đức cán bộ.

Với những người sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm, để thăng tiến là những người không đủ phẩm chất đạo đức, những người này sẵn sàng tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để đạt được mục đích, tiếp tục gian dối để hưởng lợi. Bởi vậy, việc làm cấp giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ giả và việc sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả là những hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải áp dụng chế tài hình sự.

Để giảm thiểu những vụ việc sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả cũng như ngăn chặn tình trạng làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức thì cần thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp trong đó các giải pháp về chính sách pháp luật, giải pháp về việc tăng cường công tác quản lý và việc phát hiện xử lý nghiêm minh kịp thời các hành vi vi phạm.

Thứ nhất, cần phải kịp thời điều chỉnh chính sách và pháp luật về các điều kiện bằng cấp chứng chỉ, đặc biệt là các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với quá trình học tập, đào tạo qua các cấp học và yêu cầu bằng cấp chứng chỉ trong quá trình tuyển dụng bổ nhiệm công chức viên chức cho phù hợp. Tránh trường hợp đưa ra các quy định về bằng cấp chứng chỉ không phù hợp, không thiết thực gây lãng phí tốn kém cho người lao động và nãy sinh các nguy cơ tiêu cực xã hội.

Thứ hai, cần phải sắp xếp bố trí lại các cơ sở giáo dục đào tạo và quản lý chặt chẽ trong việc cấp bằng cấp chứng chỉ, đặc biệt là các chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ để tránh trường hợp tạo ra lợi ích nhóm, buông lỏng quản lý, thời cơ để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, các cơ quan tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ công chức cần phải có kiểm tra rà soát các bằng cấp chứng chỉ. Trường hợp nghi ngờ bằng cấp chứng chỉ giả thì cần phải liên hệ xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường lực lượng đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, trong đó có các đối tượng, các đường dây tổ chức làm giấy tờ bằng cấp giả để thực hiện các giải pháp phòng ngừa cũng như để đấu tranh với các đối tượng làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.

Cần phải xử lý nghiêm minh các đối tượng làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức và các đối tượng sử dụng tài liệu con dấu giả, trong đó có các bằng cấp chứng chỉ. Với các cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sử dụng bằng cấp giấy tờ chứng chỉ giả thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc và áp dụng chế tài của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp

Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác tàng trữ trái phép chất ma tuý bị phạt đến 40 triệu đồng

Lê Minh Hoàng