Cây nêu ngày Tết trong văn hóa dân gian Việt Nam

06/02/2022 02:47 | 2 năm trước

(LSVN) - Cây nêu đã gắn liền với hình ảnh trong ngày Tết truyền thống ở các gia đình, làng xã Việt, đặc biệt là vùng châu thổ Bắc Bộ. Cho đến nay, tục này vẫn được duy trì, nhưng không còn phổ biến như trước nữa, nhất là ở các đô thị. Tuy nhiên, theo tục lệ xưa, cây nêu cũng giống với cành đào/mai, quất… đã trở thành biểu tượng, báo hiệu cho Tết đến – một năm mới sắp bắt đầu.

Hình ảnh cây nêu ngày Tết trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục lâu đời của người Việt Nam. Không giống như tục đánh chuông, đi chùa đầu năm thường thấy ở người Nhật hay tục lệ lì xì ngày Tết của người Trung Quốc, tục lệ trồng nêu của người Việt mang những ý nghĩa sâu xa không kém phần đặc sắc và lý thú.

Theo Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học KH-XH&NV, cây nêu đã gắn liền với hình ảnh trong ngày Tết truyền thống ở các gia đình, làng xã Việt, đặc biệt là vùng châu thổ Bắc Bộ. Cho đến nay, tục này vẫn được duy trì, nhưng không còn phổ biến như trước nữa, nhất là ở các đô thị. Tuy nhiên, theo tục lệ xưa, cây nêu cũng giống với cành đào/mai, quất… đã trở thành biểu tượng, báo hiệu cho Tết đến – một năm mới sắp bắt đầu.

Trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, luôn có sự xuất hiện của thần linh (thần, thánh, Phật…) và những thế lực đối lập như: ma, quỷ… Thần linh thì ban phúc, giúp đỡ con người; ma quỷ thì quấy nhiễu, gây hại, giáng tai họa cho con người. Chính vì vậy, con người phải dựa vào thần linh, cầu khẩn họ giúp đỡ để tránh được sự quấy quả - vận xui của ma quỷ.

"Đây là một quan niệm vừa có tính chung, vừa có tính riêng biết đối với các nền văn hóa trên thế giới. Dân gian Việt Nam là một minh chứng điển hình cho quan niệm “coi vạn vật đều có linh hồn” và bên cạnh cuộc sống đời thường của con người, thì luôn có những thế lực thần bí tác động, chi phối, thậm chí kiểm soát tới họ", Tiến sĩ Tiến cho hay.

Theo đó, khi bước vào Tiết – Tết nguyên đán (trong sáng – ban sơ) của một năm mới, ai cũng mong muốn điều tốt lành, may mắn, tránh được điều dữ, kém may mắn. Vì lý do này, các vật phẩm biểu trưng cho ngày Tết (cành đào, cây quất, tràng pháo…) đều mang hàm ý: trừ tà, xua đuổi điều xấu… Và đương nhiên, cây nêu được dựng lên trong gia đình, hoặc nơi công cộng của làng xã (chủ yếu ở chùa làng) cũng mang những giá trị biểu tượng này.

Theo tích truyện của nhà Phật khi đã hỗn dung với những yếu tố tín ngưỡng dân gian bản địa và có hơi hướng của Đạo giáo, ngày xưa, có một thời quỷ quấy nhiễu dân gian… Dân gian thấy vậy, liền kêu với đức Phật, ngài liền giáng lâm bắt lũ quỷ sứ ấy. Đám quỷ sợ hãi, van lạy xin tha và từ sau xin chừa không dám quấy nhiễu đất của Phật nữa. Quỷ sứ có hỏi dấu hiệu của nhà Phật để biết đường mà tránh. Đức Phật bảo, nơi nào có cột phướn cây nêu và có rắc vôi trắng đó là đất Phật. Và từ đó trở đi, cứ vào dịp Tết, các ngôi chùa lại dựng cây nêu ngọn phướn, rắc vôi bột (thành hình cung tên) và trên treo thêm chiếc khánh bằng sành cùng một bó vàng.

Chiếc khánh bằng sành lủng lẳng theo gió, chạm vào cây nêu kêu leng keng khá vui tai. Từ tích truyện này, mỗi gia đình trong làng xã truyền thống xưa cũng dựng cây nêu vào ngày Tết, tuy nhiên không có ngọn phướn giống như ở chùa. Người dân cũng rắc vôi bột thành hình dạng cung tên giống như ở chùa hoặc chiếc nỏ, bàn cờ… để dọa, trừ ma quỷ.

Sau những ngày Tết nguyên đán, dân gian sẽ làm lễ khai hạ hay còn gọi là lễ hạ nêu bằng một nghi thức cúng trời đất ở ngoài sân, đồng thời dân gian cũng cúng gia tiên, thổ công và thần tài. Sau lễ hạ nêu, công việc đời thường bắt đầu dần quay lại nhịp sống hàng ngày.

Ngoài ý nghĩa trừ ma quỷ theo tích truyện trên, cây nêu ngày Tết được dựng bằng cây tre (thân đốt), lại vào buổi ban sơ – trong sáng của năm mới, nên nó còn mang thêm nhiều ý nghĩa biểu tượng khác như: Ước vọng thông linh của con người – cây nêu trở thành “công cụ - gạch nối” giữa thế giới trần gian với thế giới của thần linh, truyền tải lời cầu khấn của con người. Mong ước cho một năm mới sinh sôi, nảy nở - hơi hướng của “tín ngưỡng phồn thực”.

Theo nhiều tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn, sinh sống. Ngày nay, theo thời gian, từng địa phương phong tục, tập quán ở mỗi dân tộc, ý nghĩa của trồng cây nêu ngày Tết trải rộng hơn, đa dạng hơn.

Thời gian dựng cây nêu cũng khác, người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời. Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch. Người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào từ ngày 03 đến ngày 05 tháng Giêng âm lịch, ngày 07/01 âm lịch là ngày hạ nêu, đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ Cầu mùa. Ngoài ra, cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu.

Trong triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng cây nêu đã đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Theo các tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Tết Nguyên đán trong Hoàng cung triều Nguyễn, trong suốt 143 năm tồn tại, tục lệ dựng cây nêu được duy trì hàng năm.

Theo đó, trong ngày 30 Tết, Hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, với ý nghĩa tống tiễn điều xấu năm cũ, đón điều tốt đẹp của năm mới. Lễ xong triều đình làm lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu), ngọn nêu treo ấn, tín, văn phòng tư bảo hình tượng việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi. Khi thấy trong Hoàng cung dựng cây nêu người dân cũng theo đó dựng nêu, đón Tết. Lễ Hạ tiêu diễn ra vào ngày mồng 07 tháng Giêng, khi tổ chức Thượng tiêu và Hạ tiêu có đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức trang trọng khác.

TRẦN QUÝ

Ông 'Ba Mươi' trong văn hóa Việt Nam

Từ khoá : Việt Nam lsvn.vn LSVN