Ông 'Ba Mươi' trong văn hóa Việt Nam

01/02/2022 04:02 | 2 năm trước

(LSVN) - Việc gọi ông Hổ hay ông Cọp là ông "Ba Mươi" là bắt nguồn từ hình thức với đặc điểm của Hổ là có vằn lông trên thân. Đặc biệt là trên trán của ông Hổ, theo quan niệm, các vằn này tạo thành chữ Vương (Vua – Chúa Sơn Lâm). Chữ Vương (theo các viết tượng hình của chữ Hán) được kết cấu với chữ Tam (Ba) và một nét "sổ" tạo thành chữ Thập (Mười). Theo kết cấu bắt nguồn từ chữ Hán này mà tạo thành cách gọi "Tam Thập = Vương", phiên nôm na ra tiếng Nôm thuần Việt là "Ba Mươi". Vậy ông "Ba Mươi" là chỉ đến đặc điểm của những vằn trên trán của ông Hổ tạo thành chữ Vương.

Ảnh minh họa.

Từng có một thời, con người đành bất lực trước oai quyền của hổ, phải gọi hổ bằng ông, bằng ngài rồi hơn nữa “ông” hổ, ông "Ba Mươi" đã trở thành linh vật được đưa vào các gian thờ ở đình, chùa, miếu mạo. Và tựu chung, người đời xưa cho tới đời nay, khi thờ hổ, họ đều cảm nhận được sự an toàn bởi được che chở theo quan niệm tâm linh.

Tại những nơi thâm sơn cùng cốc, từ xa xưa, dân sơn tràng, dân đi hái củi, muốn bình yên khi đi vào rừng phải nhớ xách theo vài ba cân thịt bào bạc nhạc hoặc một cái đầu lợn để cúng “ông Ba Mươi”, để rồi khi đã no nê “ông sẽ chui vào một hang tối, hoặc nằm dài ở một bờ suối nào đó mà “khò” một giấc ngon lành, quên cả việc rình mồi.

Tuy nhiên, cho đến nay, rất nhiều người vẫn thường thắc mắc về việc tại sao dân gian xưa lại gọi hổ là ông "Ba Mươi"?

Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường ĐH KH-XH&NV cho hay, trước hết, Hổ là một loài động vật thuộc bộ móng vuốt xuất hiện phổ biến ở các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là loài động vật ăn thịt, theo hình thức rình, đuổi và vồ mồi. Có thể nói, trong môi trường tự nhiên, hổ đứng đầu trong chuỗi thức ăn (ở góc độ nào đó, còn cao hơn con người trong quá khứ - khi mà vũ khí còn thô sơ, tính sát thương thấp). Vì vậy, đối với người Châu Á (phương Đông) nói chung và người Việt Nam nói riêng, hổ có sức mạnh ghê gớm, sẵn sàng đoạt mạng của con người cũng như các sinh vật khác bất kỳ lúc nào. Dù con người có những biện pháp ngăn chặn khác nhau, nhưng vẫn có chuyện “hổ về tận bản/làng để bắt người, bắt động vật). Vậy, trong văn hóa phương Đông và Việt Nam, hổ được coi là “chúa sơn lâm” (vua của núi rừng), điều này khác với các nền văn hóa khác như phương Tây, lại coi sư tử là vua của muôn loài.

Đối với người Việt, bắt nguồn từ tư duy “vạn vật hữu linh”, coi mọi sự vật, sinh vật đều có linh hồn, nhất là những động vật có sức mạnh, hung dữ luôn được tôn sùng, sùng bái, từ đó mà hình thành nên những hình thức tín ngưỡng khác nhau. Ông Hổ, ông Cọp là một trường hợp điển hình như vậy. Vì con người sợ hãi, không chế ngự và kiểm soát được sự sinh tử mỗi khi đứng trước mãnh hổ, thì con người đã nảy sinh và hình thành tục thờ ông Hổ, ông Cọp.

Vì là “chúa sơn lâm”, nên ông Hổ cai quản rừng núi và sau này mở rộng ra mà cai quản thêm mặt đất, đất đai nói chung – cai quản toàn bộ trần gian. Ban đầu, các ông Hổ được thờ trong rừng núi, ở các nhóm dân vùng sơn cước, sau tục này được lan tỏa, và đưa về vùng châu thổ, kết hợp với các loại hình tín ngưỡng dân gian – trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần… Bản thân các tín ngưỡng này trong quá trình thời gian, đã hỗn dung thêm các yếu tố của Đạo giáo, mà dần hình thành điện thờ (trong đó có điện thờ ông Hổ) theo trật tự bài trí và quan niệm về màu sắc và phương hướng như ngày nay.

Tiến sĩ Tiến cũng cho biết, trong kiến trúc tâm linh (chủ yếu gắn đến các ngôi đền, phủ…) thì Bạch Hổ (hổ trắng) đứng ở phía Tây, Thanh Long (rồng xanh) đứng ở phía Đông, Chu Tước (chim sẻ lửa – phượng hoàng) đứng ở phía Nam; Huyền Vũ (rùa đen) đứng ở phía Bắc; trung tâm là Kỳ Lân. Quy luật này cũng ảnh hưởng nặng nề của Đạo giáo Trung Hoa. Ngoài ra, chúng ta còn thấy Hổ xuất hiện trong 12 con giáp theo cách tính của người phương Đông, trong đó có Việt Nam.

Theo quan niệm dân gian, những người sinh năm Dần, thường cao số, có cá tính mạnh và thường lận đận trong đường tình duyên. Theo đó, ta thường thấy trong điện thờ Mẫu Tam/Tứ phủ có xuất hiện của “Ngũ Hổ” thường có ban thờ riêng ở đâu đó trong khuôn viên của đền/phủ hoặc dưới gầm điện Mẫu. Ngũ Hổ có đủ 05 màu: Hoàng Hổ (Hổ vàng) đứng vị trí trung tâm; Thanh Hổ (Hổ xanh) đứng về phía Đông; Bạch Hổ (Hổ trắng) đứng về phía Tây; Xích Hổ (Hổ đỏ) đứng về phía Nam; Hắc Hổ (Hổ đen) đứng về phía Bắc. Đây cũng là quy luật của Đạo giáo (có nguồn gốc từ Trung Hoa) và cũng ứng với Ngũ Hành: Kim. Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Việc gọi ông Hổ hay ông Cọp là ông "Ba Mươi" là bắt nguồn từ hình thức với đặc điểm của Hổ là có vằn lông trên thân. Đặc biệt là trên trán của ông Hổ, theo quan niệm, các vằn này tạo thành chữ Vương (Vua – Chúa Sơn Lâm). Chữ Vương (theo các viết tượng hình của chữ Hán) được kết cấu với chữ Tam (Ba) và một nét "sổ" tạo thành chữ Thập (Mười). Theo kết cấu bắt nguồn từ chữ Hán này mà tạo thành cách gọi "Tam Thập = Vương", phiên nôm na ra tiếng Nôm thuần Việt là "Ba Mươi".

Vậy, ông "Ba Mươi" là chỉ đến đặc điểm của những vằn trên trán của ông Hổ tạo thành chữ Vương.

VŨ QUÝ

Tết là ngày trở về

Từ khoá : Việt Nam lsvn.vn LSVN