/ Tư vấn
/ Chấp hành án treo có được tiếp tục làm việc?

Chấp hành án treo có được tiếp tục làm việc?

01/04/2021 01:55 |

(LSVN) - Mới đây, Tòa án tuyên phạt em trai tôi 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Vậy, tôi muốn hỏi trong thời gian này em trai tôi có đi làm được không? Bạn đọc H.K. ( Hải Phòng) có hỏi.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM.

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Căn cứ theo điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 có quy định về án treo cụ thể như sau:

- Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

- Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

- Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

- Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo được quy định như sau:

- Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú.

Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.

Trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan. Việc giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc thực hiện theo quy định. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.

Chấp hành án treo có được tiếp tục làm việc? 

Tại Điều 88 của Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau:

- Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

- Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

- Người được hưởng án treo không thuộc 2 trường hợp nêu trên thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

- Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy pháp luật chỉ cấm người hưởng án treo xuất cảnh, không có quy định cấm người đang hưởng án treo đi làm ở địa phương mình đang cư trú hay địa phương khác. Tuy nhiên, khi ngươi hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú thì phải có lý do chính đáng và phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, họ cũng bị giới hạn về thời gian đi khỏi nơi cư trú nên nếu việc đi làm ở địa phương mình đang cư trú thì dễ dàng, khác địa phương là rất khó thực hiện.

Luật sư DIỆP NĂNG BÌNH

Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Đoàn Luật sư TP. HCM

Điều kiện thành lập trung tâm dạy nhảy

Lê Minh Hoàng