Ảnh minh họa.
Đặt vấn đề
Trong vài tháng trở lại đây, nhiều trang tin điện tử đã liên tục đưa bài về một loại siêu trí tuệ nhân tạo có sức mạnh rất khủng khiếp. Hàng loạt bài viết phân tích về ưu điểm vượt trội của nó và còn cảnh báo rằng sẽ có cả chục nghề nghiệp sẽ bị xóa sổ trong tương lai khi nền tảng này phát triển hoàn thiện hơn. Siêu trí tuệ này được gọi là ChatGPT.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả giới thiệu sơ lược về Chat GPT và đặt ra vấn đề pháp lý liên quan đến quyền tác giả đối với các tác phẩm do Chat GPT tạo ra có thuộc sở hữu người dùng hay không? Tiếp đến là kiến nghị của tác giả về việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ để điều chỉnh về việc công nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm do Chat GPT cũng như các siêu trí tuệ tương lai tạo ra.
I. Giới thiệu sơ lược về Chat GPT
Chat GPT là viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer đây là ứng dụng được Công ty OpenAI cho ra mắt vào tháng 11 năm 2022. Có thể bạn chưa biết thì người đứng đầu OpenAI là Altman (gốc Do Thái) cùng với tỷ phú Elon Musk và 1 số người khác ẩn danh đứng sau. Mục đích phi lợi nhuận, không làm vì tiền mà chỉ để phục vụ lợi ích của nhân loại. Nó được thiết kế để tạo ra văn bản ngôn ngữ tự nhiên tương tự như văn bản của con người. Mô hình được đào tạo trên một bộ dữ liệu lớn của văn bản từ internet, sách và các nguồn khác, cho phép nó hiểu và tạo văn bản về một loạt các chủ đề với độ chính xác cao [1].
Chat GPT đang được dùng thử nghiệm miễn phí. Tuy nhiên, đến ngày 02/02/2023, OpenAI đã tung ra gói đăng ký Chat GPT Plus với giá 20USD/tháng và đã có đến 100 triệu người dùng [2]. Dưới đây là hướng dẫn đăng ký tài khoản Chat GPT từ đơn vị phát hành của siêu trí tuệ này tại trang https://pochatgpt.com
Hiện tại, thời điểm tác giả viết bài này thì người dùng ở Việt Nam chưa được hỗ trợ dùng trực tiếp Chat GPT, nên để sử dụng thì người dùng tại Việt Nam phải dùng phần mềm VPN (mạng riêng ảo) và số điện thoại ở những khu vực dùng được Chat GPT (Hoa Kỳ, Anh Quốc) để đăng ký tài khoản [3].
So sánh Chat GPT và Google Search
Trước đây, chúng ta hay nói vui với nhau: Cái gì không biết thì tra Google, thế nhưng Chat GPT được dự đoán là sẽ soán ngôi google trong thời gian tới bởi nó được phát triển ở cấp độ cao hơn, thông minh hơn và gần với người thật hơn.
Nói về sự khác nhau giữa Chat GPT và Google thì có thể kể đến như: Khi bạn hỏi một điều gì đó Google sẽ trả kết quả là hàng loạt các trang web có nội dung, từ khóa liên quan để bạn chọn lọc, tổng hợp.
Với Chat GPT lại khác, sau khi nhận được câu hỏi của bạn nó sẽ tổng hợp thông tin dữ liệu từ hàng nghìn website rồi tự động tổng hợp thành một bài viết, một câu trả lời dễ hiểu nhất gửi đến bạn.
Nhiều bài báo đăng tải rằng so với công cụ tìm kiếm của Google, Chat GPT mang đến cho người dùng những trải nghiệm lẫn kiến thức mới khi nó có thể trả lời và giải quyết vô số vấn đề khác nhau. Từ đó những việc mà Chat GPT giải quyết hộ con người phải kể đến như: Viết báo, làm luận văn, xây dựng giáo án, tạo kịch bản, làm thơ, lập trình máy tính, lập hợp đồng, phân tích, trả lời khách hàng, giải thích các quy định pháp luật… [4].
Thực vậy, Tổng thống Israel Isaac Herzog trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên nhờ siêu AI ChatGPT hỗ trợ viết bài phát biểu của mình. Theo Jerusalem Post, ông Isaac Herzog đã có bài phát biểu khai mạc đặc biệt tại hội thảo về an ninh mạng Cybertech Global Tel Aviv 2023 ngày 01/02. Trước gần 20.000 khán giả, ông tiết lộ phần mở đầu do chính Chat GPT viết [5].
Ngày 25/01/2023, trang CBSNEWS của Mỹ thông tin rằng Chat GPT đã vượt qua được kỳ thi ngành luật, một trong những ngành học được đánh giá khó khăn và nhiều thử thách cho người học. Bài báo có đoạn “Một chatbot được hỗ trợ bởi hàng loạt dữ liệu từ internet đã vượt qua các kỳ thi tại một trường luật của Hoa Kỳ sau khi viết các bài luận về các chủ đề khác nhau, từ luật hiến pháp đến thuế. Kết quả tốt đến mức các nhà giáo dục đã cảnh báo nó có thể dẫn đến gian lận trên diện rộng và thậm chí báo hiệu sự kết thúc của các phương pháp giảng dạy trong lớp học truyền thống [6].
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn những việc mà Chat GPT chưa thể vượt qua công cụ tìm kiếm hiện nay được (như Google Search, Bing), bởi Chat GPT tự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, rồi tạo ra một câu trả lời theo cách hiểu và phương trình của nó. Tuy vậy, sự tổng hợp này có khi cũng bị sai sót. Chẳng hạn người dùng đã thử đặt ra một câu hỏi “bẫy” thì Chat GPT dường như dễ bị mắc lừa. Ví dụ, người dùng đã đặt câu hỏi cho Chat GPT như sau: “Bản hit The Fast and the Furious: Tokyo Drift năm 1976 của Mozart là về cái gì?”. Chat GPT đã trả lời rằng: “Bản hit năm 1976 của Mozart "The Fast and the Furious: Tokyo Drift" không liên quan đến bộ phim cùng tên năm 2006. Nó là một bản nhạc cụ ghi lại năng lượng điên cuồng của đường phố Tokyo vào ban đêm. Bài hát được xây dựng dựa trên một dòng piano hấp dẫn, đảo phách và nhịp điệu sôi động, lạc quan" [7]. Thực chất câu trả lời trên của Chat là còn thiếu tự tin và không hoàn toàn đúng, vì bản thân Mozart không hề tạo ra bản nhạc nào vào năm 1976 cả, chứ chưa bàn đến bản nhạc đó lại gắn với tên của bộ phim hành động nổi tiếng của Hollywood.
Hay chính tác giả cũng thử tìm kiếm câu hỏi về Bác Hồ và Nguyễn Tất Thành là ai, thì được Chat GPT đưa ra câu trả lời không hoàn toàn giải quyết vấn đề của người dùng: “Bác Hồ là Tổng thống Việt Nam từ 1945 đến 1955, còn Nguyễn Tất Thành là Tổng thống Việt Nam từ 1946 đến 1954”.
Theo quan điểm của tác giả, nếu xét về mặt tìm kiếm câu trả lời thì Chat GPT cũng gần giống với Wikipedia, đó là tổng hợp dữ liệu, thông tin khác nhau từ các nguồn khác nhau để ra một kết quả chung nhất theo phương trình của nó. Với Wikipedia thì trang này tổng hợp từ các bài viết trên mạng, còn ChatGPT thì dạng tổng hợp từ nguồn tài nguyên được tích trữ trong nền tảng này hoặc cũng có thể từ nguồn bài viết khác. Tuy nhiên, Wikipedia còn có mục chú thích để người đọc kiểm chứng bài viết của họ tham khảo từ trang tin nào, còn Chat GPT thì không cho ta biết nó lấy nguồn dữ liệu thông tin đó là từ đâu. Nên dẫn đến người dùng có thể đã không biết còn bị hiểu sai, nếu kết quả của Chat GPT là thiếu chuẩn xác như ví dụ trên.
Trong khi đó, Google Search thì không tổng hợp mà là chọn lọc bài viết từ trang có độ tin tưởng cao nhất, được nhiều người xem nhất, với nội dung gần đúng cao nhất để đưa lên trên top cho người tìm kiếm đọc. Còn việc sử dụng thông tin từ bài viết nào, thì đó là quyền của người đọc. Người đọc có thể sử dụng thông tin từ bài top 1 hoặc cũng có thể lấy tin từ bài viết ở top 3 hay top 10. Nhưng Chat GPT có vẻ không cho người dùng lựa chọn, vì hiện tại thì nó đang tự tổng hợp và đưa ra chỉ một câu trả lời cho người dùng.
II. Bàn về quyền tác giả đối các các tác phẩm do Chat GPT tạo ra
Nếu xét về việc tạo ra một bài văn, tác phẩm văn học hay bài luận thì có lẽ Chat GPT đang vượt trội. Tác giả thử nhờ Chat GPT sáng tác một bài thơ về mẹ thì được siêu trí tuệ này cho ra ngay một bài thơ ngắn về mẹ trong thời gian chưa đầy 30 giây.
Vậy các tác phẩm do Chat GPT tạo ra sẽ thuộc bản quyền của ai? Đơn vị tạo ra nó hay những cá nhân có tài khoản sử dụng nền tảng này mới nắm quyền tác giả?
Để giải quyết câu hỏi này, tác giả tiếp cận theo hướng lý luận về mặt quy định pháp luật.
Thứ nhất, quyền tác giả được định nghĩa là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.[8] Theo đó, Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định [9].
Như vậy, nếu hiểu theo giải thích như trên, thì Chat GPT có thể được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả của các tác phẩm, bài văn do mình tạo ra hay không?
Quan điểm thứ nhất cho rằng Chat GPT mới được xem là chủ sở hữu quyền tác giả vì các lý do sau:
Một là, chính siêu trí tuệ này mới là thực thể sáng tạo ra tác phẩm dựa vào siêu trí tuệ của chính nền tảng, chứ không phải dựa vào trí tuệ, kiến thức của người dùng;
Hai là, pháp luật Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm [10]. Do đó, Chat GPT mới được xem là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do chính siêu trí tuệ này tạo ra.
Quan điểm thứ hai cho rằng Chat GPT không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, vì hai lý do:
- Chat GPT tạo ra một sản phẩm theo yêu cầu, gợi ý, mệnh lệnh từ người dùng, chứ chúng không thể chủ động tạo ra tác phẩm được. Ví dụ, người dùng đặt lệnh “soạn một bài văn tả về một ông lão đang đánh cá ngoài khơi vào sáng sớm”, thì lúc này Chat GPT mới bắt đầu lập trình, sử dụng tất cả các dữ liệu, thông tin, tài liệu đã tồn tại trong hệ thống database (đã cài sẵn) để viết một bài văn tả ông lão đánh cá như trên.
- Người dùng đã bỏ tiền ra để mua tài khoản (nếu có) hoặc được cấp tài khoản miễn phí đi chăng nữa thì cũng đồng nghĩa rằng giữa người dùng và nền tảng này đã xác lập một giao dịch dân sự, theo đó người dùng được trao quyền sở hữu nguồn tài nguyên có sẵn trên hệ thống dữ liệu của Chat GPT, đồng thời người dùng cũng có quyền của một bên sử dụng dịch vụ (hoặc là “ông chủ”) đó là đưa ra yêu cầu cho bên cung cấp dịch vụ là Chat GPT “xuất bản” một tác phẩm. Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định tổ chức, cá nhân giao tác giả sáng tác, tạo ra sản phẩm theo hợp đồng thì có toàn bộ quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm [11]. Do vậy, người sử dụng Chat GPT để tạo ra tác phẩm có thể được công nhận chủ sở hữu quyền tác giả là hợp lý.
Quan điểm thứ ba cho rằng cả Chat GPT và người dùng sẽ được xác định là đồng chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi siêu trí tuệ này, bởi vì Chat GPT được xem là tác giả sáng tạo ra tác phẩm[12], thì người dùng chính là bên đã thuê Chat GPT tạo ra tác phẩm, thông qua việc được cấp quyền để dùng nguồn tài nguyên, dùng các chức năng có sẵn của Chat GPT. Theo đó, Chat GPT (hoặc đơn vị lập trình ra nó) sẽ có quyền đặt tên tác phẩm, đứng tên tác giả khi tác phẩm được công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm do chính Chat GPT tạo ra. Còn người dùng thì có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, cho thuê tác phẩm[13]. Tác giả ủng hộ quan điểm thứ ba này.
Tuy nhiên, có một điểm ngoại trừ mà tác giả cho rằng cũng cần phải đánh giá đó là “Điều khoản sử dụng dịch vụ” của Chat GPT. Theo đó, điều khoản này rất quan trọng và có tính chất quyết định ai sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do Chat GPT tạo ra. Nếu như Điều khoản sử dụng dịch vụ này có quy định rằng Chat GPT hoặc đơn vị tạo ra nền tảng này mới chính là tác giả và chủ sở hữu toàn vẹn quyền tác giả của tác phẩm do Chat GPT tạo ra, thì khi đó người dùng nền tảng này sẽ không có đầy đủ các quyền của một chủ tác quyền như không có quyền sửa chữa, cắt xén tác phẩm, biểu diễn, phân phối tác phẩm đó.
III. Kiến nghị của tác giả
Một tác phẩm nghệ thuật truyền thống được tạo ra thường tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc của tác giả hoặc cá nhân, tổ chức đầu tư cho tác giả đó sáng tạo. Do đó, khi một tác phẩm được tạo ra, thì thường tác phẩm đó sẽ được ghi đích danh người đã sáng tạo ra để ghi nhận trí tuệ, sức lao động của chính tác giả, đặc biệt các tác phẩm thơ ca, văn chương hay tác phẩm biểu diễn.
Tuy nhiên, Chat GPT xuất hiện đã biến công việc sáng tạo không còn mấy khó khăn nữa, thậm chí chỉ bằng một khẩu lệnh hay một vài gõ phím là có thể ra một tác phẩm hay ho, đúng cấu trúc ngữ pháp, chính tả và nội dung chỉnh chu. Thế nhưng, tác phẩm đó lại không được hình thành từ trí tuệ của người dùng, mà là tập hợp kiến thức, dữ liệu và được lập trình sẵn trong một nền tảng công nghệ.
Vì vậy, cần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng quy định rõ chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm do Chat GPT hoặc một siêu trí tuệ nào khác nữa trong tương lai tạo ra sẽ thuộc quyền của ai nhằm có cơ chế để giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả đối với các tác phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật lẫn thương mại trong tương lai. Biết đâu đó, Chat GPT tạo ra nhiều tác phẩm có nội dung giống nhau, nhưng khác ngôn ngữ hoặc tiêu đề thôi cho nhiều người dùng ở nhiều khu vực địa lý khác nhau thì lúc đó tranh chấp về quyền tác giả xảy ra giữa người dùng cũng trở nên phức tạp hơn.
Theo quan điểm tác giả cần quy định rõ rằng tác giả của tác phẩm được tạo ra từ một siêu trí tuệ nhân tạo phải là của chính nền tảng đó, còn người dùng chỉ được xem là chủ sở hữu một phần quyền tác giả, trong đó chỉ có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối, cho thuê tác phẩm nhưng người dùng không thể được xem là tác giả của tác phẩm do Chat GPT hay bất kỳ một siêu trí tuệ nhân tạo nào tạo ra trong tương lai.
Tài liệu tham khảo: [1] Bài viết “Chat GPT Login Here – Chat GPT Plus is Here”, trên trang Chat GPT, đăng tại: https://opchatgpt.com/; [2] Bài “Chat GPT đạt 100 triệu người dùng, ra bản thu phí”, trên Báo điện tử VnExpress ngày 2/2/2023, đăng tại: https://vnexpress.net/chatgpt-dat-100-trieu-nguoi-dung-ra-ban-thu-phi-4565818.html; [3] Bài viết “Cách dùng ChatGPT tại Việt Nam rất đơn giản”, trên trang Ngonaz ngày 3/2/2023, đăng tại https://ngonaz.com/cach-dung-chat-gpt/; [4] Bài viết “ChatGPT thông minh nhưng vì sao chưa thay thế được Google”, trên Trang thông tin điện tử tổng hợp Soha ngày 4/2/2023, đăng tại: https://soha.vn/chatgpt-sieu-thong-minh-nhung-vi-sao-chua-the-thay-the-cong-cu-tim-kiem-google-20230204102102197.htm; [5] Bài viết “Tổng Thống đầu tiên dùng Chat GPT viết bài phát biểu”, trên Báo điện tử VnExpress ngày 4/2/2023, đăng tại https://vnexpress.net/tong-thong-dau-tien-dung-chatgpt-viet-bai-phat-bieu-4566685.html; [6] Bài viết “ChatGPT bot passes Law Chool Exam”, trên Báo điện tử của Mỹ CBSNEWS ngày 25/1/2023, đăng tại: https://www.cbsnews.com/amp/news/chatgpt-bot-passes-law-school-exam/?fbclid=IwAR23-s__53kF-dzQqDVflqhUzuKQyX62F3EwUc_rvkt3kazQ6kHBdY5FINQ&mibextid=Zxz2cZ#app; [7] Bài viết “Chat GPT thông minh nhưng vì sao chưa thể thay thế công cụ tìm kiếm Google” trên Báo điện tử VTC NEWS, đăng tại: https://vtc.vn/chatgpt-sieu-thong-minh-nhung-vi-sao-chua-the-thay-the-cong-cu-tim-kiem-google-ar739206.html; [8] Điều 4.2 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022); [9] Điều 6.1 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022); [10] Điều 13.1 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022); [11] Điều 39.2 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022); [12] Điều 6.1 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu Trí tuệ về Quyền tác giả, quyền liên quan; [13] Điều 19, 20 Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), và Điều 11.4 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu Trí tuệ về Quyền tác giả, quyền liên quan. |
Luật sư LÊ NGUYÊN HÒA
Giám đốc Điều hành Công ty Luật LHLegal
Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh