(LSO) - Đánh giá về mức hợp lý, sức răn đe của các quy định về xử lý về hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam này, Luật sư Vũ Văn Biên cho rằng quy định về việc xử lý đối với hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã có những chế tài cụ thể, tuy nhiên mức xử phạt còn nhẹ chưa đủ tính răn đe.
Liên quan đến việc gần đây cơ quan chức năng đã bắt được rất nhiều nhóm đối tượng tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm trốn xét nghiệm, cách ly. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam? Mức xử lý như vậy liệu đã hợp lý, đủ sức răn đe chưa?
Theo Luật sư Vũ Văn Biên, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư An Phước, hiện nay, pháp luật có những quy định rất cụ thể để xử lý hành vi đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi “Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép” bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Điểm đ khoản 6 Điều 17 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi “Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Bên cạnh đó, nếu người vi phạm là người nước ngoài, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Xử lý hình sự
Theo Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị phạt tù đến 15 năm, cụ thể như sau:
1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Bên cạnh đó, nếu hành vi này dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể bị xử lý thêm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 lên đến 12 năm tù, phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cụ thể:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Đánh giá về mức hợp lý, sức răn đe của các quy định về xử lý về hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam này, Luật sư Biên cho rằng quy định về việc xử lý đối với hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã có những chế tài cụ thể, tuy nhiên mức xử phạt còn nhẹ chưa đủ tính răn đe.
Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tổ chức, tạo đường dây chuyên nghiệp đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để trục lợi vô cùng nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với các đối tượng qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam; giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép là rất nhẹ. Vì nguồn lợi trước mắt nhiều người nghĩ thực hiện một lần chỉ bị phạt tiền, số tiền phạt nhỏ hơn nguồn lợi thu được.
Chính vì vậy, với những chế tài hiện nay, việc răn đe và xử lý những đối tượng còn nhẹ, chưa đủ quyết liệt. Luật sư Biên kiến nghị, cần có những quy định cứng rắn hơn, rõ ràng hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép cũng như môi giới, giúp đỡ người vượt biên trái phép đặc biệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, nguy hiểm trên phạm vi toàn thế giới.
THANH THANH