/ Trao đổi - Ý kiến
/ Thu tiền từ nền tảng mạng xã hội: Luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể

Thu tiền từ nền tảng mạng xã hội: Luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể

02/03/2021 08:06 |

(LSVN) - Hiện nay cơ sở pháp lý trong lĩnh vực bản quyền của Việt Nam là Luật Sở hữu trí tuệ cùng với các quy định về quản lý Internet và các quy định của pháp luật liên quan về sở hữu trí tuệ, nhưng không có quy định cụ thể đề cập đến các nội dung chi trả tiền bản quyền tin tức. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất nội dung, cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí Việt Nam muốn lấy được tiền từ nền tảng mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm như Google thì phải có các quy định của luật.

Vừa qua, Úc là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua một luật yêu cầu những "người khổng lồ" về công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, tập đoàn truyền thông, nhà sản xuất những nội dung xuất hiện trên các nền tảng công nghệ. 

Trước đó, chiều ngày 24/02, dự luật buộc các công ty như Facebook, Google phải trả tiền cho báo chí để sử dụng nội dung của họ cuối cùng đã được phê chuẩn tại Thượng viện Úc.

Ngày 25/02, Dự luật đã được thông qua tại Hạ viện.

Sự kiện là thành tựu của nỗ lực lập pháp kéo dài nhiều năm ở Úc và được cho có thể thiết lập một tiền lệ quan trọng với thế giới trong cách quản lý mối quan hệ giữa các gã khổng lồ công nghệ với giới báo chí, truyền thông.

Dự luật của Úc buộc các hãng công nghệ như Facebook, Google và các đơn vị báo chí truyền thông phải tuân theo một cách thức phân xử của chính quyền nếu tự họ không thể đạt được thỏa thuận riêng với nhau về việc chi trả tiền bản quyền tin tức.

Chính phủ Úc cho rằng, Đạo luật "Thương lượng Truyền thông Tin tức" của họ sẽ vạch ra một quy trình đàm phán "công bằng hơn" về giá trị của nội dung tin tức giữa những "gã khổng lồ" công nghệ và các bên sản xuất tin tức. Nếu các bên không thể đạt được thỏa thuận riêng, một trọng tài độc lập sẽ đứng ra giúp phân giải.

Úc cho biết, đạo luật sẽ trợ giúp các nhà xuất bản tin tức, vốn đã chứng kiến lợi nhuận sụt giảm trong kỷ nguyên internet bùng nổ. Đây được xem là tiền lệ cho các quốc gia khác vì nhiều nước tuyên bố họ cũng đang xem xét vấn đề tương tự.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, Việt Nam có thể học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới nhằm nâng cao việc quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích, thông tin của cá nhân. Tại Việt Nam, pháp luật quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội chủ yếu thiên về bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin; phòng, chống hoặc xử lý những hành vi có thể gây mất an ninh, an toàn trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng năm 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 cũng có điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam và lợi ích của người sử dụng, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam,... 

"Tuy nhiên, các quy định của Luật An ninh mạng và các Dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành các chính sách hầu như chỉ ưu tiên xây dựng lực lượng chuyên trách của Nhà nước trong bảo vệ an ninh mạng, ưu tiên từ thẩm quyền, quy mô, đến kinh phí duy trì hoạt động... Trong khi đó, việc bảo vệ các quyền riêng tư, bảo vệ sự an ninh liên quan đến tất cả các quyền con người lại hầu như chưa được đề cập", Luật sư Hà nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Việc bảo vệ an ninh, an toàn cho công dân trước những bất cập, hạn chế do không gian kỹ thuật số mang lại gần như không có. Các chủ thể có thẩm quyền liên quan đến bảo vệ an ninh mạng hầu hết là các cơ quan nhà nước mà không đề cập đến vai trò của các bên liên quan với vị thế là những chủ thể tham gia, giám sát đối với việc bảo vệ, bảo đảm các quyền con người.

Luật sư Hà cũng cho biết thêm, hiện nay cơ sở pháp lý trong lĩnh vực bản quyền của Việt Nam là Luật Sở hữu trí tuệ cùng với các quy định về quản lý Internet và các quy định của pháp luật liên quan về sở hữu trí tuệ, không hề đề cập đến các nội dung chi trả tiền bản quyền tin tức. Nếu các nhà sản xuất nội dung, cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí Việt Nam muốn lấy được tiền từ nền tảng mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm như Google thì phải có các quy định của luật. 

Ví dụ, phải sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định các công cụ tìm kiếm nếu tạo link thì phải trả phí thì mới thực hiện được, còn như hiện nay thì không thể thu tiền được từ Google hoặc Facebook. Việc dự thảo có được đi vào thực tế hay không là còn một quá trình, phụ thuộc vào từng quốc gia. Tuy nhiên, đây là vấn đề Việt Nam cần suy nghĩ vì hàng trăm tờ báo của Việt Nam không được hưởng doanh thu bản quyền. 

"Đây là vấn đề mới, do đó các nhà lập pháp ở Việt Nam, các hiệp hội, nhà xuất bản, Hội Nhà báo cũng nên nghiên cứu các quy định về vấn đề để có tiếng nói, trình bày với Quốc hội nhằm sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ. Tôi nghĩ trong tương lai vấn đề này hoàn toàn có thể xảy ra", Luật sư Hà nói.

THANH THANH

Vụ than 'thổ phỉ' giữa TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh: Cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm cán bộ

Lê Minh Hoàng