Chối tội nhận hối lộ

19/07/2022 11:13 | 2 năm trước

(LSVN) - Từ trước tới nay, tại các phiên tòa xét xử, các bị cáo thường chối tội nhận hối lộ, phủ nhận những cáo buộc từ cáo trạng, chỉ đến khi không thể chối được nữa thì mới nhận và chịu “khắc phục hậu quả” ngay tại phiên tòa nhằm giảm nhẹ hình phạt.

22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham  nhũng trong 6 tháng đầu năm

Ảnh minh họa. 

Mới đây, bị cáo là cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang kiên quyết chối tội nhận hối lộ và cho rằng mình bị oan. Bị cáo này còn tố bị Điều tra viên và Kiểm sát viên ép cung, mớm cung và nếu như không được xem xét, ông ta sẽ kêu oan suốt đời.

Theo cáo trạng, bị cáo này đã yêu cầu chủ doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu phải nộp số tiền bảo kê cho đường dây buôn lậu này mỗi tháng 60.000 đôla và 950 triệu đồng. Tuy phủ nhận mọi cáo buộc nhận hối lộ, vị cựu Đại tá này vẫn bị buộc tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", hình phạt cho cả 2 tội danh trên là tù chung thân.

Lẽ đương nhiên, Tòa án Quân sự Quân khu 7 có đủ căn cứ để xét xử đúng người, đúng tội, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao và vì sao các bị cáo bị cáo buộc tội danh nhận hối lộ thường hay chối tội cho đến phút cuối cùng?

Đơn giản và thấy rõ là trong việc đưa và nhận hối lộ thường không có chứng cứ vật chất rõ ràng. Hình thức chối tội thường gặp là chỉ thừa nhận một phần nhỏ sự thật là có nhận quà. Mặt khác, một số phiên tòa cũng tạo ra “án lệ” để các bị cáo có “niềm tin nội tâm” vào việc chối tội. Không ít trường hợp tòa án đã xử về hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho các bị cáo mà hoàn toàn không có ai là người nhận hối lộ. Tòa cho rằng không đủ chứng cứ hoặc chưa tìm ra chứng cứ để buộc tội người mà các bị cáo khai đã nhận hối lộ của họ. Tưởng chuyện này là vô lý và khó tin nhưng có thật một trăm phần trăm.

Để giữ mạng sống của mình, đối diện với án tử hình thì những kẻ nhận hối lộ mới “thật thà khai báo”. Hoặc, khi không thể chối tội được nữa thì nhận tội nhưng chỉ nhận một phần thôi và hưởng một mức án “có thể chịu được”, cho dù người đưa hối lộ khai một số tiền rất lớn.

Do đó, đấu tranh với loại tội phạm này không đơn giản. Vạch trần chân tướng và thủ đoạn của chúng chính là giúp một phần lớn hạn chế nạn tham nhũng hoành hành. 

NHỊ NGỌC

Cửa hàng tiện lợi bán cho khách phạm vi dưới 500m: Hạn chế quyền tự do lựa chọn sản phẩm, quyền tự do kinh doanh