(LSVN) - Đầu xuân, tôi tới thăm thầy giáo dạy môn Ngữ văn từ thời trung học phổ thông...
Hai thầy trò đang trò chuyện rôm rả về những kỷ niệm thưở “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, bỗng thầy dừng lại hỏi tôi: “Em có nhớ cậu Nam nổi tiếng thông minh ở trường không?”. “Có, thầy ạ! Anh ấy học trước em hai lớp, con nhà giàu, đẹp trai, tính tình phóng khoáng, từng thi đỗ thủ khoa một trường đại học lừng danh. Sau này ra trường, anh đầu quân vào một doanh nghiệp lớn của nhà nước. Hơn chục năm công tác mà anh đã lên ghế giám đốc dưới có cả nghìn cán bộ, nhân viên. Rồi anh rẽ ngang, chuyển sang làm quan chức ở một cơ quan nhà nước. Nhưng cách đây mấy tháng, anh ấy đã bị kỷ luật cách hết các chức vụ. Nghe đâu cơ quan điều tra cũng đang “sờ gáy” nên số phận anh như “ngồi trên đống lửa”.
“Em có biết căn nguyên sâu xa vì sao không? Không ngẫu nhiên mà thiên tài Nguyễn Du đã viết câu thơ “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Đó là một sự chiêm nghiêm, đúc kết vô cùng sâu sắc em ạ!” - Thầy nhấn mạnh, bày tỏ sự nuối tiếc. “Lẽ thường, cái tài của ai đó càng nổi trội thì càng dễ nhìn thấy, song cũng dễ bị những kẻ tiểu nhân soi mói, dèm pha, thậm chí dễ bị thói đời nhỏ nhen ganh ghét, đố kỵ. Còn ai đó có tài mà lại tự cao, tự đại, khoe khoang thì đó chính là mầm mống của tai họa. Trở lại câu chuyện liên quan đến Nam. Khi là giám đốc, cậu ta có tài quản trị kinh doanh, đóng góp nhiều cho doanh nghiệp, nhưng do tính cách “bốc đồng”, lại tự ảo tưởng mình là “nhất”, là “đỉnh” nên tự ý đưa ra những quyết định không phù hợp. Kể cả thời điểm chuyển sang làm việc ở cơ quan nhà nước, cậu ta vẫn nghĩ mình từng giỏi giang trên thương trường thì cũng dễ hanh thông trên hành trình quan lộ. Nhưng sự ngộ nhận đó là “cái gót chân a-sin” mà một người tài như Nam không biết mình là ai. Và rồi, “chữ tài liền với chữ tai một vần” manh nha từ đó...
Trở lại triết lý của đại thi hào Nguyễn Du. Khi nói “chữ tài liền với chữ tai một vần”, cụ Nguyễn muốn gửi tới một thông điệp cho hậu thế, đó là khi tạo hóa đã ban phước cho ai tài năng thiên bẩm, thì người sở hữu tài năng ấy phải mang hết trí tuệ, tâm sức phụng sự, cống hiến cho xã hội thì cái tài ấy mới phát huy giá trị cao cả của mình. Nghĩa là, khi cái tài được hóa thân vào cái tâm, cái đức, cái nghĩa, thì cái tài ấy mới có cơ hội tỏa sáng. Và chỉ khi nào cái tài đứng trên cái tâm vững chãi như thế chân kiềng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” thì cái tài mới có khả năng ngự trị được “chữ tai”, tức là có thể phòng ngừa nguy cơ tai họa. Ngược lại, tài mà thiếu tâm, tài mà không đức độ thì “chữ tài” dễ chuyển thành “chữ tai”, tức là tài năng có nguy cơ thui chột và người tài có thể dính dáng, dây dưa, thậm chí sa vào tai họa!
Nói đến đây, người thầy giáo già của tôi bày tỏ: Thời gian qua, không ít quan chức có trình độ chuyên môn cao và năng lực lãnh đạo, quản trị tốt cũng chỉ vì quá tin cậy vào “chữ tài” của mình và khi đứng trên đỉnh cao quyền lực lại không thấu “chữ tâm”, không rèn phẩm hạnh, không trọng tích đức nên để cho “chữ tai” rình rập trước mắt mà chủ quan làm ngơ, để rồi khi đã “ngộ sự” thì cái họa ập đến không sao ngăn nổi. Âu đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta, nhất là những người đang gánh vác, phụng sự việc nước việc dân chỉ coi trọng “chữ tài” mà coi thường tôi rèn, bảo trọng “chữ tâm” thì nguy cơ “đứt gánh giữa đường” đâu tránh khỏi!./.
THIỆN VĂN/TG