Theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD&ĐT) công bố về việc ban hành chương trình giáo dục phố thông mới, trong đó quy định chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Nội dung giáo dục ở cấp Tiểu học bao gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).
Nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2).
Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; 2 môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2); 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Theo đó, số lượng tiết học các môn trong trường có chênh lệch ít nhiều nhưng không đáng kể. Ví dụ, với cấp trung học cơ sở, môn Toán, Văn có 140 tiết/ năm, môn Ngoại ngữ 1 có 105 tiết/ năm trong khi đó môn Khoa học tự nhiên có 140 tiết/ năm, môn Lịch sử và Địa lý có 105 tiết/năm.
Với cấp THPT, 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ có 105 tiết/năm. Các môn Giáo dục thể chất, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ có 70 tiết/năm.
Đặc biệt, trong đánh giá kết quả học tập, để đạt kết quả loại giỏi, khá, học sinh phải đảm bảo không có môn học nào điểm trung bình dưới 5.0. Đồng thời, các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ = "Đạt".
Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới không có sự phân biệt môn học chính hay môn phụ. Ngoài các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp và các môn học tự chọn, tất cả đều là các môn học bắt buộc chung đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước và có sự tác động qua lại, bổ trợ cho nhau.
Mặc dù chương trình năm 2018 chỉ mới triển khai ở học sinh lớp 1, nhưng quan điểm đánh giá chú trọng phẩm chất năng lực toàn diện của học sinh được quán triệt ở tất cả các khối lớp. Đó chính là quan điểm đổi mới dạy học hiện nay, không có môn chính môn phụ, mỗi học sinh được ưu tiên phát triển toàn diện mọi mặt và phát huy những điểm mạnh khác nhau của bản thân, như năng lực về thể dục thể thao, mỹ thuật, âm nhạc.
LAN CHI