/ Trao đổi - Ý kiến
/ Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Tác động đa chiều đến doanh nghiệp

Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Tác động đa chiều đến doanh nghiệp

04/04/2025 06:34 |4 ngày trước

(LSVN) - Sau hơn 06 năm triển khai, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (“Nghị quyết số 42/2017/QH14”) đã cho thấy hiệu quả trong việc tháo gỡ các vướng mắc xử lý nợ xấu và tạo nền tảng cho việc hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành (“Luật Các TCTD 2024”). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/02/2025, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ pháp lý để luật hóa một số nội dung của Nghị quyết này, đảm bảo kế thừa và phát huy kết quả đạt được. Trong đó, việc tăng cường quản trị nợ xấu và phân tán rủi ro là mục tiêu trọng tâm của quá trình sửa đổi Luật Các TCTD 2024.

Thực tế cho thấy, Luật Các TCTD 2024 chưa khắc phục các hạn chế và đáp ứng đầy đủ yêu cầu xử lý nợ xấu. Do đó, việc sửa đổi hướng tới việc thiết lập cơ chế xử lý nợ xấu đồng bộ và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng trong thời gian tới. Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (“dự thảo”) đang lấy ý kiến rộng rãi người dân để có thể ban hành và thực thi sớm trong thời gian tới.

Hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong thu hồi nợ xấu

Trong khuôn khổ điều chỉnh lần này, dự thảo được tập trung bổ sung ba chính sách chủ chốt để tháo gỡ vướng mắc trên thực tế. 

Đầu tiên, luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm (“TSBĐ”) nhằm khắc phục hạn chế hiện hành khi người giữ tài sản được sử dụng để bảo đảm cho khoản vay không giao đúng hạn, buộc tổ chức tín dụng (“TCTD”) và đơn vị xử lý nợ phải khởi kiện và trông chờ vào bản án được thi hành trên thực tế. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 chỉ can thiệp khi người giữ tài sản không giao tài sản và chưa quy định rõ quyền thu giữ của bên nhận bảo đảm nên nếu chủ tài sản từ chối hợp tác hay cố tình chậm trễ, kéo dài thời hạn phải giao TSBĐ, quá trình thu giữ sẽ bị trì hoãn và làm tăng áp lực dự phòng, tạm dừng dự thu lãi cũng như chi phí huy động vốn.

Do đó, luật hóa quyền thu giữ TSBĐ tại Điều 1 của Luật sửa đổi,bằng cách bổ sung một số điều của Điều 198a vào Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024 [1] cho phép TCTD chủ động trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu mà không quá phụ thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng. Cần nhìn nhận rằng, quyền thu giữ TSBĐ sẽ được cụ thể hóa trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm giữa các bên, yêu cầu này không cho phép TCTD được tùy ý thu giữ TSBĐ mà phải tuân thủ quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng biện pháp này nhằm tránh việc lạm quyền của TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, Quốc hội quy định cụ thể về việc kê biên TSBĐ do cơ quan thi hành án thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thuộc TCTD trong quá trình thi hành bản án, quy định chi tiết tại nội dung bổ sung Điều 198b vào Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024. Theo Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung), nếu người phải thi hành án không còn tài sản khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý các tài sản cầm cố, thế chấp [2] khi giá trị của chúng vượt quá số tiền nghĩa vụ được bảo đảm cộng với chi phí cưỡng chế. Quy định này có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm, thậm chí làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tài chính. Đặc biệt, đối với  tài sản được hình thành từ chính khoản vay từ TCTD và được dùng làm TSBĐ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, việc bị kê biên và xử lý theo quy định có thể khiến TCTD mất đi nguồn TSBĐ quan trọng. Hướng quy định này không chỉ làm giảm khả năng thu hồi nợ mà còn làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của các TCTD.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị rằng TSBĐ dùng để đảm bảo khoản nợ xấu của bên phải thi hành án không bị kê biên cho bất kỳ nghĩa vụ nào khác ngoài nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc khi có sự đồng ý bằng văn bản của các bên liên quan.

Thứ ba, trong vụ án hình sự, sau khi TSBĐ được sử dụng làm vật chứng, cần thiết bổ sung quy định rõ ràng về việc hoàn trả cho TCTD để tiếp tục xử lý nợ xấu. Hiện nay, khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định trả lại tài sản thu giữ, tạm giữ mà không làm rõ chế độ hoàn trả TSBĐ sau khi xác định TSBĐ đó có được xem là vật chứng hay không. Tương tự, khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương đương với nghĩa vụ được bảo đảm mà chưa quy định trường hợp cơ quan có thẩm quyền không áp dụng biện pháp tịch thu thì phải hoàn trả TSBĐ cho bên nhận bảo đảm, dẫn đến nguy cơ TSBĐ bị trả lại cho chủ tài sản và gây thiệt hại cho TCTD.

Do đó, việc bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ được sử dụng làm vật chứng trong vụ án hình sự và hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là cần thiết.

Ảnh hưởng của dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD 2024 tới doanh nghiệp

Chắc chắn những điều chỉnh của Luật Các TCTD 2024 trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá lại các quy trình quản lý và xử lý TSBĐ, cập nhật kịp thời những thay đổi pháp lý để có thể thích ứng trước những thay đổi mới này.Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần chủ động đánh giá lại các quy trình quản lý và sử dụng TSBĐ, cập nhật kịp thời những thay đổi pháp lý để có thể thích ứng trước những thay đổi mới này.

Ảnh hưởng tích cực

Một hệ thống ngân hàng lành mạnh và vận hành hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định dòng vốn của nền kinh tế. Khi các khoản nợ xấu được xử lý, nguồn vốn tín dụng không bị mắc kẹt trong những khoản vay khó thu hồi, giúp tăng cường thanh khoản và tối ưu hóa dòng chảy tài chính. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tận dụng được lợi ích khi có nhu cầu vay vốn chính đáng, bởi lãi suất cho vay có thể được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn khi ngân hàng giảm được áp lực dự phòng rủi ro từ các khoản nợ xấu khó đòi. 

Bên cạnh đó, việc thu hồi được các khoản nợ xấu, nợ khó đòi cũng giúp ngân hàng phân bổ vốn một cách chủ động và linh hoạt hơn. Thay vì bị động trước các khoản vay có thể mất khả năng thu hồi, các tổ chức tín dụng sẽ có cơ hội tập trung nguồn lực để mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có tiềm năng. Một khi hệ thống ngân hàng giảm được rủi ro từ các khoản nợ xấu, sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng có thể gia tăng, góp phần thúc đẩy các gói tín dụng ưu đãi hoặc điều kiện vay vốn linh hoạt hơn. Nhờ vậy, doanh nghiệp không chỉ tiếp cận được vốn dễ dàng hơn mà còn có thể tận dụng các chính sách tín dụng có lợi để tối ưu hóa chi phí tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng quy mô kinh doanh. 

Ảnh hưởng tiêu cực

Hợp đồng bảo đảm, hợp đồng tín dụng là căn cứ pháp lý quan trọng để các TCTD thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng trước khi ký kết, nhất là đối với các điều khoản liên quan đến xử lý TSBĐ. Vì theo quy định tại dự thảo trên cơ sở các điều khoản thỏa thuận giữa bên vay và tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng có thể thu giữ tài sản bảo đảm mà không thông qua cơ chế xét xử. Đây là điểm đáng lưu ý cho doanh nghiệp trong vai trò người đi vay. Mặc dù, theo quy định tại dự thảo, các TCTD buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định hiện hành về trình tự, thủ tục thu giữ TSBĐ. Nhưng để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược ứng phó và chiến lược sử dụng vốn vay phù hợp để tránh bị thu hồi tài sản của doanh nghiệp nếu không may vi phạm xảy ra. Vì theo quy định tại dự thảo, trường hợp để xảy ra vi phạm hợp đồng vay, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ mất đi tài sản bảo đảm một cách nhanh chóng mà có thể không cần thông qua hoạt động xét xử của Tòa án hay trọng tài . 

Giải pháp nào cho doanh nghiệp nếu dự thảo được thông qua

Trên cơ sở thực tiễn của Nghị quyết 42/2017/QH14, việc cho phép TCTD thu giữ TSBĐ đã chứng minh hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu và giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng. Việc cụ thể hóa quyền thu giữ TSBĐ vào Luật Các TCTD 2024 không chỉ chuyển từ chủ trương thí điểm sang quy phạm pháp luật phù hợp với các quy định hiện hành như Điều 301 của Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Do đó, doanh nghiệp buộc phải chú trọng khi xác lập, ký kết hợp đồng bảo đảm hay hợp đồng tín dụng có nội dung liên quan đến TSBĐ để đảm bảo rằng các điều khoản mang tính công bằng cho các bên tham gia mà không quá bất lợi cho doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi doanh nghiệp nhận thức và có những bước đi hợp lý ngay từ đầu, đặc biệt trong quá trình thương lượng hợp đồng cũng như khoản vay với các tổ chức tín dung. Vì doanh nghiệp phải hiểu rằng, hợp đồng tín dụng cùng với thỏa thuận bảo đảm khoản vay là cơ sở để các bên thực hiện các thỏa thuận về sau. Trong nhiều trường hợp, nguy cơ mất tài sản bảo đảm khi bị TCTD xử lý nợ xấu mà không cần thông qua cơ quan xét xử là rất lớn.

Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát và đưa ra các biện pháp dự phòng kịp thời cho chính bản thân doanh nghiệp trước khi giao kết bất kỳ hợp đồng nào với TCTD, các điều khoản liên quan đến TSBĐ cần được điều chỉnh theo hướng cân bằng lợi ích của bên đi vay và bên cho vay. 

Thỏa thuận và ghi nhận các điều khoản hợp lý của hợp đồng là một trong những giải pháp hiệu quả và thiết thực để doanh nghiệp bảo vệ tài sản dùng để bảo đảm khi Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi được thông qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp không dễ dàng thực hiện trên thực tế. Vì thông thường, các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm với các tổ chức tín dụng được xác lập trên cơ sở hợp đồng đã được ban hành bởi các TCTD này, bên đi vay có nhu cầu vay vốn sẽ ký kết với nội dung đã có sẵn và ít có cơ hội điều chỉnh hoặc được chấp nhận các yêu cầu điều chỉnh. Việc trao đổi với TCTD nhằm sửa đổi hợp đồng trở nên khó khả thi nếu TCTD không chấp thuận yêu cầu của bên đi vay. Khi đó, việc xem xét lựa chọn giải pháp huy động vốn khác ít rủi ro hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tài chính phù hợp, bao gồm tái cấu trúc nợ, thương lượng giãn nợ hoặc tìm kiếm các quỹ đầu tư hỗ trợ thanh khoản để tránh rủi ro bị thu giữ TSBĐ. Trong trường hợp bị TCTD thu giữ tài sản, doanh nghiệp nên chủ động đàm phán phương án xử lý có lợi nhất, chẳng hạn như tự thực hiện bán tài sản để đảm bảo giá trị thu hồi tối ưu hoặc áp dụng biện pháp pháp lý nếu quyền lợi bị xâm phạm chứ không đợi đến khi bị TCTD thực hiện quyền thu hồi TSBĐ để xử lý nợ.

Việc xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024 được xây dựng với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý xử lý tài sản bảo đảm, qua đó hướng tới một môi trường pháp lý ổn định và hiệu quả hơn. Trong bối cảnh này, mặc dù các cải cách giúp rút ngắn thời gian xử lý TSBĐ và giảm chi phí pháp lý, doanh nghiệp đi vay cần lưu ý rằng quá trình xử lý tài sản bảo đảm thuận lợi hơn cũng đồng nghĩa với việc cần cân nhắc kỹ lưỡng quyền sở hữu tài sản. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động trong việc đánh giá rủi ro và thiết lập các biện pháp bảo vệ phù hợp, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho tài sản của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng vay vốn.

[1] https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/duthaovbpl/2025/Thang3/2.du-thao-luat.07.3.2025.pdf, truy cập ngày 23/3/2025.

[2] Tài sản bảo đảm có thể được hiểu là tài sản được bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thông qua các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ, đặt cọc…

Luật sư CAO NGUYỄN BẢO LIÊN - TÔ KIẾN LƯƠNG

Công ty Luật HM&P

Các tin khác