Khái niệm về loại trừ trách nhiệm hình sự
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự (tức là hành vi bị luật hình sự cấm), do người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý).
Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, chúng ta gặp không ít trường hợp mà về hình thức, một hành vi của con người có các dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng trong hành vi đó lại chứa đựng một số tình tiết đặc biệt nhất định, nên hành vi ấy không bị coi là tội phạm, thậm chí còn được coi là những hành vi tích cực, có ích cho xã hội. Hay nói cách khác, hành vi ấy thực tế gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức hoặc cá nhân nào đó, nhưng nhìn từ góc độ lợi ích xã hội, công cộng và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm…thì thiệt hại đó là không đáng kể so với lợi ích mà các hành vi đó mang lại. Đó là những trường hợp loại trừ TNHS.
Có thể nói rằng loại trừ TNHS là trường hợp một người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội, nhưng theo quy định của BLHS hiện hành thì họ không phải chịu TNHS do có một trong những căn cứ được loại trừ TNHS.

Ảnh minh họa.
Một số khó khăn, vướng mắc về loại trừ trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, từ thực tiễn tư pháp hình sự, nghiên cứu các quy định của BLHS về những trường hợp loại trừ TNHS cho thấy vẫn còn và không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, khắc phục, bổ sung để cho BLHS thật sự là công cụ sắc bén, đắc lực nhất phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể một số tồn tại, bất cập và phân tích nguyên nhân như sau:
Một là, chưa có khái niệm pháp lý chung về những trường hợp loại trừ TNHS. Thay vì quy định mang tính chất tản mạn như trong BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã chính thức quy định các trường hợp loại trừ TNHS thành một chương thống nhất với 07 trường hợp cụ thể. Điều này đã góp phần vào việc nhận thức thống nhất về phạm vi các trường hợp được coi là trường hợp loại trừ TNHS. Tuy nhiên, sẽ là khoa học, hợp lý hơn nếu BLHS năm 2015 đưa ra được khái niệm pháp lý chung thể hiện được nội hàm, bản chất của các trường hợp loại trừ TNHS.
Hai là, chưa thống nhất khi sử dụng thuật ngữ quy định về bản chất và hậu quả pháp lý của các trường hợp loại trừ TNHS. Trong số 07 trường hợp loại trừ TNHS, có trường hợp sử dụng thuật ngữ “không phải chịu TNHS” (sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực TNHS; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên), có trường hợp lại sử dụng thuật ngữ “không phải là tội phạm” (04 trường hợp còn lại). Việc quy định như vậy rõ ràng là chưa đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học và chưa chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp.
Ba là, tồn tại, bất cập trong quy định về phòng vệ chính đáng (Điều 22). BLHS năm 2015 vẫn chưa quy định rõ ràng ranh giới giữa phòng vệ chính đáng với các trường hợp bị coi là tội phạm, mà vẫn chỉ sử dụng cụm từ “chống trả lại một cách cần thiết” như BLHS năm 1999. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chế định này trong thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 không khuyến khích được người dân thực hiện, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định phòng về chính đáng. Vì vậy, cần phải đưa ra những giải thích, hướng dẫn, xác định rõ tiêu chí đánh giá thế nào là sự chống trả lại một cách “cần thiết”, nhằm bảo đảm tính khả thi trong áp dụng, cũng như khuyến khích được người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bốn là, tồn tại, bất cập trong quy định về tình thế cấp thiết (Điều 23). Vấn đề thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết tại Điều 23 vẫn chưa quy định những căn cứ để so sánh giữa thiệt hại gây ra và thiệt hại cần ngăn ngừa. Hiện nay ngoài BLHS thì chưa có văn bản nào khác hướng dẫn về việc áp dụng quy định về tình thế cấp thiết. Điều luật không quy định những căn cứ để so sánh hai thiệt hại trên, dẫn đến việc áp dụng hiện nay chưa thống nhất bởi để đánh giá tương quan giữa hai loại thiệt hại khác nhau về tính chất là vấn đề rất khó khăn và phức tạp (ví dụ như gây thiệt hại về tài sản để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho con người). Và quan trọng hơn nữa là gây khó khăn trong việc xác định thế nào là hành vi gây thiệt hại do tình thế cấp thiết hay vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Một số giải pháp đề xuất
Tương ứng với những nội dung còn bất cập, tồn tại, vướng mắc trong quy định của BLHS về những trường hợp loại trừ TNHS đã nêu trên đề xuất một số nội dung nhằm tiếp tục hoàn thiện quy định của BLHS như sau:
Một là, bổ sung khái niệm pháp lý chung về những trường hợp loại trừ TNHS. Trước khi quy định về từng trường hợp loại trừ TNHS, BLHS cần bổ sung một điều về khái niệm và hệ thống những trường hợp loại trừ TNHS. Trong đó Khoản 1 là khái niệm pháp lý thể hiện nội hàm, bản chất của các trường hợp loại trừ TNHS, sau đó Khoản 2 liệt kê hệ thống những trường hợp loại trừ TNHS được quy định trong BLHS (lần lượt được quy định tại các điều luật tiếp sau).
Hai là, BLHS quy định những trường hợp loại trừ TNHS chưa chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp trong việc khẳng định bản chất và hậu quả pháp lý. Có trường hợp thì sử dụng thuật ngữ “không phải là tội phạm”, có trường hợp là “không phải chịu TNHS”. Chính vì vậy, cần phải quy định thống nhất để giúp mọi người hiểu rõ về những trường hợp này và áp dụng vào trong thực tiễn đạt được hiệu quả. Theo tác giả nên quy định thống nhất thành thuật ngữ “được loại trừ trách nhiệm hình sự” để đảm bảo thống nhất với tên gọi của Chương và bởi lẽ, suy cho cùng thì đều không đặt ra vấn đề TNHS đối với người có hành vi gây thiệt hại, họ sẽ không phải chịu TNHS - hay được loại trừ TNHS về hành vi gây thiệt hại trong các trường hợp này. Đồng thời, hiện nay trong quy định 07 trường hợp loại trừ TNHS có 03 điều luật chia khoản (phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội), 04 điều luật chia khoản (các trường hợp còn lại).
Như vậy, để đảm bảo kỹ thuật lập pháp (sự chặt chẽ về mặt cấu trúc và thống nhất về mặt logic pháp lý) trong tất cả các điều luật thuộc Chương IV BLHS năm 2015, cần có sự nhất quán quy định giữa các điều luật như sau:
- Khoản 1 là quy phạm về khái niệm pháp lý thể hiện nội hàm, bản chất của trường hợp loại trừ TNHS tương ứng.
- Khoản 2 là quy phạm khẳng định sự vượt quá giới hạn cho phép của trường hợp loại trừ TNHS tương ứng đó vẫn phải chịu TNHS “để tránh xu hướng tùy tiện, lợi dụng quy định của nhà làm luật mà làm bừa - làm ẩu thực hiện cả hành vi vượt quá giới hạn cho phép (tùy từng trường hợp cụ thể có thể sẽ có hoặc không)”.
Ba là, cần có văn bản hướng dẫn hành vi chống trả trong phòng vệ chính đáng như thế nào là “cần thiết”. Khoản 1 Điều 15 BLHS năm 2015 quy định hành vi chống trả của người phòng vệ phải là cần thiết, nhưng mức độ như thế nào gọi là cần thiết thì luật cũng như văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ. Chính vì vậy, dẫn đến việc áp dụng vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn và thiếu sự thống nhất.