Quy định của pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản":
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức": “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”.
Nghiên cứu quy định hai tội danh này có thể thấy đối với tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức": Hành vi sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ giả là hành vi của một người sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ giả do người không có nhiệm vụ quyền, hạn làm ra.

Ảnh minh họa.
Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản": Hành vi gian dối là hành vi cung cấp thông tin giả để cho người khác tin đó là sự thật để chiếm đoạt tài sản.
Điểm chung trong hành vi của hai tội danh trên người phạm tội dùng các thông tin không đúng sự thật với mục đích để cho bị hại tin đó là sự thật.
Tuy nhiên, đối với hành vi sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức tồn tại dưới hình thức được in ấn, viết, vẽ lên các chất liệu khác nhau mà người khác có thể nhìn thấy, còn đối với hành vi gian dối trong tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tồn tại trong hai trường hợp:
Một là thông tin của người phạm tội đưa ra không được in ấn, viết, vẽ… lên các chất liệu khác nhau. Ví dụ: Mặc dù chỉ là lao động tự do nhưng Nguyễn Văn A. giới thiệu mình là cán bộ Công an hiện đang công tác tại Công an huyện B. có khả năng chạy án. Như vậy, trong trường hợp này các thông tin mà A. đưa ra chỉ là những lời giới thiệu để cho bị hại tin đó là sự thật.
Hai là thông tin của người phạm tội đưa ra được in ấn, viết vẽ… lên các chất liệu khác. Ví dụ: Mặc dù không phải làm việc tại Công ty xuất khẩu lao động những Nguyễn Văn A. đã làm giả quyết định của công ty A. về xuất khẩu lao động và đưa cho bị hại xem. Như vậy, trong trường hợp này các thông tin mà A. đưa ra được in ấn, viết vẽ… lên các chất liệu để cho bị hại tin đó là sự thật.
Tại mục 10 Phần 1 Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã giải đáp: “Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về cả tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174) và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" (Điều 341)”.
Ngày 01/10/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Công văn số 233/TANDTC-PC nhằm làm rõ nội dung:
- Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn…
- Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Ví dụ 1: Do làm ăn thua lỗ, không có tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nguyễn Văn A. đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất có diện tích 100m2, sau đó A. lừa bán mảnh đất này cho bà Trần Thị C. để chiếm đoạt số tiền 5.000.000.000 đồng. Hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của A. có dấu hiệu cấu thành tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự, còn hành vi lừa bán mảnh đất (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do A làm giả) để chiếm đoạt 5.000.000.000 đồng của bà Trần Thị C. có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Do đó, A. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 và tội "Lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm”.
Ngày 07/4/2020, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND Tối cao ban hành Công văn số 50/TANDTC-PC trả lời vướng mắc của TAND tỉnh Hà Giang đối với trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể: “Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (như sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả…) để chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, thế chấp… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu đặc trưng trong mặt khách quan của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây cũng là hành vi khách quan của tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TAND Tối cao thì trường hợp người thực hiện một hành vi phạm tội nhưng thoả mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn. Do đó, trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Cũng cần lưu ý rằng, trường hợp này khác với trường hợp làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ, tài liệu đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nghiên cứu hướng dẫn của các công văn nêu trên có thể thấy TAND Tối cao định hướng về xác định trường hợp người có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
- Nhiều hành vi (Một chuỗi hành vi) là việc người thực hiện hành vi phạm tội thực hiện nhiều hành vi kế tiếp nhau mà hành vi trước là tiền đề cho hành vi sau hoặc có hành vi bắt đầu và hành vi kết thúc. Trong ví dụ tại Công văn số 233 có thể thấy hành vi của A. có hành vi bắt đầu (Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu) và có hành vi kết thúc (Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hay nói cách khác hành làm giả giấy tờ, tài liệu là hành vi trước và hành vi sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi sau.
- Trường hợp 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm là trường hợp người thực hiện hành vi thực hiện 01 hành vi nhưng gây ra nhiều hậu quả khác nhau và thực hiện trong cùng một thời điểm.
Ví dụ: Nguyễn Văn K. thuê Trần Văn B. làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó K. sử dụng để vay vốn Ngân hàng C. với số tiền 200 triệu đồng, như vậy trong vụ án nêu trên K. chỉ có 01 hành vi đó là hành vi dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Ngân hàng C. nhưng hành vi của K. thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của 02 tội đó là tội "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi của K. trong ví dụ này khác với hành vi của A. trong ví dụ được nêu tại Công văn 233 đó là K. không có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu mà chỉ có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả.
Đồng thời hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện song song với nhau trong cùng một thời điểm. Hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và hành vi dùng thủ đoạn gian dối của K. được thực hiện song song trong cùng một thời điểm nhưng hành vi của A. trong ví dụ được nêu trong Công văn số 233 có hành vi làm giả trước sau đó mới có hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Áp dụng Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn… nên hành vi của K. chỉ bị xử lý về tội nặng hơn đó là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên có thể thấy điểm khác biệt giữa một chuỗi hành vi và 01 hành vi nhưng thỏa mãn cấu thành nhiều tội như sau:

Xác định hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Qua nghiên cứu quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ án để xác định để xác định hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể xác định như sau:
Thứ nhất, đối với tội "Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự thì mục đích là để thực hiện hành vi trái pháp luật, tức là hành vi đó xâm phạm đến khách thể là quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ đây là quy định chung, còn đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự thì mục đích sử dụng đó là chiếm đoạt tài sản tức là xâm phạm đến quyền tài sản. Mục đích thực hiện hành vi phạm tội của cả hai tội danh này đều là hành vi vi phạm pháp luật nhưng nghiên cứu cấu tạo điều luật thì nhà làm luật phân chia thành 02 trường hợp:
Một là, nếu người thực hiện hành vi phạm tội sử dụng giấy tờ hoặc tài liệu giả gây ra hậu quả chiếm đoạt số tiền trên 02 triệu đồng đủ yếu tố cấu thành một tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì xử lý về tội danh này mà không xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Hai là, nếu hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả đủ yếu tố cấu thành một tội danh tức là hành vi chiếm đoạt dưới 02 triệu đồng không thỏa mãn các dấu hiệu khác thì bị xử lý về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Như vậy, hậu quả là yếu tố quan trọng để xác định hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xử lý về mấy tội.
Thứ hai, như đã phân tích ở trên có thể thấy đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu bị cáo có hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức sau đó sử dụng tài liệu giả này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Đây là một chuỗi hành vi) thì xử lý về hai tội đó là tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 và tội "Lừa đảo đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 của Bộ luật Hình sự, nếu bị cáo chỉ có hành vi thuê người khác làm giả sau đó sử dụng con dấu, tài liệu đó để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Đây là một hành vi nhưng thỏa mãn cấu thành nhiều tội) thì xử lý về tội danh nặng hơn là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.