Quy định pháp luật
Điều 390 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về tội "Không tố giác tội phạm" như sau:
“1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt”.

Ảnh minh hoạ.
Như vậy, có thể thấy trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với tội “Không tố giác tội phạm” có những đặc điểm riêng so với các tội phạm khác đó là:
Thứ nhất, TNHS đối với tội danh này được xác định kèm theo TNHS của các tội được quy định cụ thể tại Điều 14, Điều 389 BLHS mà người phạm tội không tố giác. Đây là đặc điểm hết sức đặc thù, bởi lẽ, nếu không có việc phạm tội thực tế xảy ra hoặc tội đã thực hiện không thuộc trường hợp bắt buộc phải tố giác theo quy định của BLHS thì người không tố giác không phải chịu TNHS.
Thứ hai, người phạm tội không bị áp dụng hình phạt bổ sung hoặc các biện pháp tư pháp theo quy định của BLHS.
Ngoài ra, khoản 2, khoản 3 Điều 19 BLHS quy định loại trừ TNHS đối với một số chủ thể đặc biệt khi người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, người bào chữa của người phạm tội, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Vướng mắc khi xét xử về tội “Không tố giác tội phạm”
Quy định của BLHS về tội “Không tố giác tội phạm” đảm bảo đầy đủ, cụ thể và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử về tội danh này; qua đó, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống và phát hiện tội phạm. Tuy nhiên, khi xét xử đối với người có hành vi không tố giác tội phạm tại Toà án quân sự (TAQS) còn có quan điểm khác nhau về việc định tội danh khi tội không bị tố giác chưa được đưa ra xét xử và bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Nội dung vụ án: Vào khoảng 21 giờ 00 ngày 14/02/2023, Nguyễn Văn H., Phạm Hồng L., Nguyễn Đình T., Phạm Trường G., Nguyễn Mạnh K. (các đối tượng là bạn của nhau) điều khiển 02 xe mô tô đi đến huyện T, tỉnh V chơi; trong đó, H. điều khiển xe mô tô chở L., K. điều khiển xe mô tô chở theo T. và G. Trên đường đi, nhóm thanh niên này gặp nhóm bạn của Nguyễn Đình T. (khoảng hơn 20 người, có cả nam và nữ) rồi tất cả đi theo nhóm của T. để đến huyện T, tỉnh V chơi. Khi đi đến khu vực cây xăng thuộc phường P, thành phố P, tỉnh V thì cả nhóm dừng lại nghỉ cho một số xe vào đổ xăng. Lúc này, có 01 nhóm thanh niên (không rõ lai lịch) đi trên khoảng 03 - 04 xe mô tô đi đến chỗ nhóm của Nguyễn Đình T. đang đứng nghỉ, trong đó có 01 nam thanh niên ngồi sau xe mô tô cầm gậy bằng tre, dài khoảng 01m đập vào mũ bảo hiểm của 01 nữ giới trong nhóm của T.
Thấy vậy, K. điều khiển xe mô tô chở theo T. và G. mang theo 02 con dao để đuổi theo nhóm thanh niên trên. Đuổi theo được khoảng 02 km thì xe của nhóm K.,T.,G. đuổi kịp xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave màu xanh bạc do Nguyễn Quang X điều khiển chở theo Nguyễn Văn Q. Khi ép được xe của X. và Q. vào lề đường, T. và G. đã chém 02 nhát vào vùng yên xe và T. hô “Xuống xe”. Xe của X. và Q. bị mất lái và ngã vào rìa đường, sau đó, X. và Q. bỏ chạy để lại chiếc xe mô tô đang đi. Sau đó, T. đã chiếm đoạt chiếc xe mô tô do X. và Q. để lại và điều khiển xe quay về hướng cây xăng để gặp cả nhóm và tiếp tục đi đến huyện T, tỉnh V. Trên đường đi, T. có kể cho Phạm Hồng L. về việc cướp được chiếc xe mô tô của nhóm thanh niên kia và nói “xe này cướp được là xe của tao”. Sau sự việc, L. không kể cho ai hay báo với cơ quan chức năng. Đến khi bị Công an mời lên làm việc thì L. mới khai báo sự việc.
Hành vi của Nguyễn Đình T., Phạm Trường G., Nguyễn Mạnh K l. và Nguyễn Văn H. đã bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố về tội “Cướp tài sản” theo khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự (BLHS) và tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản 1 Điều 390 BLHS đến Toà án nhân dân huyện P, tỉnh V.

Ảnh minh hoạ.
Đối với Phạm Hồng L., sau khi vụ án xảy ra, L. đi thực hiện nghĩa vụ quân sự nên Cơ quan Công an đã tách vụ án để chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng trọng Quân đội khởi tố, truy tố, xét xử theo thẩm quyền. L. bị Viện Kiểm sát quân sự truy tố về tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản 1 Điều 390 BLHS và Toà án quân sự (TAQS) đã thụ lý vụ án. Sau khi TAQS thụ lý vụ án, việc TAQS có đưa vụ án Phạm Hồng L. ra xét xử trước khi bản án của Toà án nhân dân (TAND) huyện P, tỉnh V tuyên bị cáo Nguyễn Đình T. về tội “Cướp tài sản” trong vụ án nêu trên có hiệu lực pháp luật hay không còn có quan điểm khác nhau. Cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất, TAQS có thể đưa vụ án Phạm Hồng L. ra xét xử và tuyên bị cáo phạm tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản 1 Điều 390 BLHS nếu như TAQS đã thụ lý đánh giá hành vi của L. đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà không phụ thuộc vào việc Nguyễn Đình T. đã bị TAND kết án về tội “Cướp tài sản” hay chưa. Bởi vì, trong trường hợp này L. biết rõ là T. đã thực hiện xong hành vi cướp tài sản; việc L. không thực hiện tố giác với cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn là do ý thức chủ quan của L.; hành vi của L. đã vi phạm trách nhiệm của công dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm; xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội.
Đồng thời, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 BLHS về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội quy định: “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Cho nên, hành vi của L. đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và cần phải được xử lý ngay sau khi phát hiện mà không phụ thuộc vào tội không bị tố giác đã xét xử chưa hay bản án về tội không bị tố giác đã có hiệu lực pháp luật chưa.
Quan điểm thứ hai, đồng thời cũng là quan điểm của người viết, TAQS không thể xét xử L. về tội “Không tố giác tội phạm” nếu bản án đã tuyên về tội phạm không bị tố giác chưa có hiệu lực pháp luật. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 thì “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Cho nên, hành vi cướp tài sản của Nguyễn Đình T. chỉ được coi là tội phạm khi TAND huyện P, tỉnh V tuyên T phạm tội “Cướp tài sản” và bản án đã tuyên với T. có hiệu lực pháp luật. Trường hợp, quá trình TAND huyện P, tỉnh V xét xử T. mà có căn cứ để xác định T. phạm một tội xâm phạm sở hữu mang tính chiếm đoạt khác không bắt buộc L. phải tố giác (như tội “Cưỡng đoạt tài sản”) thì hành vi của L. không cấu thành tội “Không tố giác tội phạm” theo khoản 1 Điều 390 BLHS.
Tuy nhiên, giải quyết theo quan điểm này cũng gặp phải vướng mắc khi vụ án Phạm Hồng L. do TAQS thụ lý đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng vụ án do TAND thụ lý chưa có kết quả giải quyết. Trường hợp này, TAQS cũng không có căn cứ tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự để chờ kết quả giải quyết vụ án Nguyễn Đình T. của TAND huyện P, tỉnh V.
Trên đây là quan điểm cá nhân tác giả trao đổi về vướng mắc trong quá trình nghiên cứu vụ án rất mong nhận được nhiều ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.
ĐẶNG QUỐC ĐẠT
Thẩm phán, Toà án quân sự Khu vực Quân khu 2