Đặt vấn đề
Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính có một số tính chất đặc thù, khác biệt hơn so với các nhóm tội phạm khác; hậu quả của hành vi phạm tội khá khó để mô tả trong cấu thành tội phạm của từng tội. Vì vậy, việc áp dụng pháp luật đối với các tội phạm thuộc nhóm này cũng cần có sự lưu tâm nhất định. Xác định tội phạm đang ở giai đoạn nào là vô cùng quan trọng, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc định tội danh và hình phạt áp dụng đối với người phạm tội. Trên cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lý luận trong việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong pháp luật hình sự, tác giả tiến hành nghiên cứu và phân tích sâu sắc hơn về các giai đoạn thực hiện tội phạm đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Ảnh minh họa.
Khái quát về các giai đoạn thực hiện tội phạm trong pháp luật hình sự
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong lý luận cũng như trên thực tiễn, khoa học luật hình sự đều thống nhất thừa nhận các giai đoạn phạm tội được hiểu là những bước trong quá trình (tiến trình) thực hiện tội phạm do cố ý (trực tiếp)(1), phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội ở từng thời điểm nhất định, bao gồm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (hai giai đoạn này còn gọi là tội phạm chưa hoàn thành)(2) và tội phạm hoàn thành. Sự khác nhau giữa từng giai đoạn phạm tội chính là ở
một số yếu tố như: tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội của chủ thể thực hiện hành vi, diễn biến thực tế và thời điểm dừng lại hoặc chấm dứt của hành vi đó(3), qua đó góp phần xử lý triệt để tội phạm và người phạm tội, cũng như phân hóa tối đa trách nhiệm hình sự.
Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, các giai đoạn phạm tội được hiểu thống nhất trong khoa học luật hình sự là “những bước trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý trực tiếp, phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do chủ thể thực hiện ở từng thời điểm khác nhau với diễn biến thực tế của hành vi trong quá trình đó”(4). Theo đó, các giai đoạn thực hiện tội phạm, nhất là chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chỉ đặt ra đối với trường hợp bị dừng lại do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn. Trong trường hợp tội phạm bị dừng lại do sự tự nguyện của chủ thể không thuộc các giai đoạn thực hiện tội phạm này.
Thực tiễn xét xử ở Việt Nam từ trước đến nay không thừa nhận có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với những tội phạm với lỗi vô ý. Trong các sách báo pháp lý, quan điểm phổ biến cũng cho rằng vấn đề các giai đoạn phạm tội chỉ đặt ra đối với lỗi cố ý trực tiếp. Việc không thừa nhận có các giai đoạn thực hiện tội phạm ở các tội có lỗi vô ý là hoàn toàn hợp lý. Trong trường hợp phạm những tội này, chủ thể không những không mong muốn tội phạm xảy ra mà còn muốn nó không xảy ra. Vì vậy, không thể quy định có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt để buộc một người nào đó phải chịu trách nhiệm hình sự về khả năng dẫn đến tội phạm, điều mà bản thân họ không mong muốn xảy ra khi quyết định thực hiện hành vi. Đối với tội phạm có lỗi vô ý chỉ có thể thừa nhận có giai đoạn tội phạm hoàn thành, có nghĩa rằng chỉ có trường hợp có tội và trường hợp chưa có tội.
Hiện nay, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi một người bước vào giai đoạn chuẩn bị phạm tội và có hai trường hợp là chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự và chuẩn bị phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Sở dĩ quy định như vậy nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm “từ trong trứng nước”, cho thấy tầm quan trọng của quan hệ xã hội cần được bảo vệ, đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, phòng ngừa là chính, đồng thời thể hiện được nguyên tắc nhân đạo (hạn chế hậu quả bằng việc xử lý tội phạm ở các mức khác nhau), cũng như nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự trong thực tiễn(5). Vì vậy, việc đánh giá thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về từng giai đoạn phạm tội trên cơ sở khái niệm, đặc trưng của từng giai đoạn, từ đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chung trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm “hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách...”(6) mà Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.
Các giai đoạn phạm tội bao gồm các mức độ thực hiện tội phạm từ thấp đến cao: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tội phạm hoàn thành. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, các nhà làm luật đã cụ thể hóa các giai đoạn phạm tội tại Điều 14 (chuẩn bị phạm tội), Điều 15 (phạm tội chưa đạt) và gián tiếp trong toàn bộ các tội phạm trong Phần các tội phạm (tội phạm hoàn thành). Sở dĩ tội phạm hoàn thành tuy được thừa nhận là một giai đoạn thực hiện tội phạm nhưng luật hình sự Việt Nam không quy định cụ thể thế nào là giai đoạn tội phạm hoàn thành là bởi dựa vào quy định về các tội phạm cụ thể, luật hình sự Việt Nam đã mặc nhiên thừa nhận tội phạm hoàn thành - một giai đoạn thực hiện của tội phạm cố ý khi hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành của tội phạm cụ thể. Cùng với đó, trong quy định về tội phạm cụ thể, hành vi phạm tội được quy định là tội phạm ở giai đoạn hoàn thành(7). Vậy nên, cũng có thể coi cấu thành tội phạm cụ thể là cấu thành tội phạm của tội phạm hoàn thành. Do đó, luật hình sự Việt Nam chỉ có các quy định cụ thể về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt.
Các giai đoạn thực hiện tội phạm trong các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước(8). Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật để hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thực hiện hiệu quả. Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các hành vi vi phạm này không những bị xã hội lên án, bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm mà trong trường hợp nhất định nó còn có thể cấu thành tội phạm cụ thể và người có hành vi vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Theo đó, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, gây thiệt hại cho hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước, qua đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân(9). Nhóm tội này được quy định tại Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015, với tổng số 22 tội danh (từ Điều 330 đến Điều 351). Lỗi của người phạm tội ở phần lớn các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là lỗi cố ý. Tuy nhiên, cũng cần xem xét trong từng trường hợp cụ thể, người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp. Thực tiễn xét xử ở Việt Nam từ trước đến nay chưa từng thừa nhận có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với những tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp. Bên cạnh đó, trong các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý, quan điểm phổ biến cũng cho rằng vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra đối với tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp.
Chuẩn bị phạm tội
Khoản 1 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
Như vậy, chuẩn bị phạm tội là giai đoạn đầu của quá trình thực hiện tội phạm do cố ý trực tiếp, chủ thể đã có ý định và bắt tay vào chuẩn bị và kế hoạch thực hiện một số tội phạm nhất định do Bộ luật Hình sự hiện hành quy định phải chịu trách nhiệm hình sự(10). Chuẩn bị phạm tội tuy là trường hợp chưa thực hiện tội phạm nhưng với tính chất là hành vi tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, hành vi chuẩn bị phạm tội hợp thành thể thống nhất với hành vi thực hiện tội phạm.
Trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội được quy định trong phần Những quy định chung và phần Các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các nguyên tắc chung tại Điều 57, ở phần các tội phạm quy định thêm mức hình phạt cụ thể tại điều luật tương ứng mà người có hành vi chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự,. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 25/314 tội danh tại các Điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 124, 134, 168, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 Bộ luật Hình sự. Lưu ý, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123 (tội giết người), Điều 168 (tội cướp tài sản) thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
So với quy định chuẩn bị phạm tội tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã giới hạn phạm vi hành vi chuẩn bị phạm những tội cụ thể phải chịu trách nhiệm hình sự hẹp hơn (11) và giới hạn rõ người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm một số tội cụ thể trên cơ sở chung(12).
Có thể nhận thấy các tội danh phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thường là “những tội xâm phạm đến các quan hệ xã hội quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn vong của dân tộc, chế độ; xâm phạm đến các quyền cơ bản của con người cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý sớm”(13).
Tuy nhiên, cũng theo Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Xét thấy hành vi phạm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính về cơ bản được thể hiện dưới dạng hành động - tức là bằng việc thực hiện hành vi cụ thể, người phạm tội đã thực hiện một việc làm trái pháp luật nào đó (ví dụ như chống người thi hành công vụ, làm lộ bí mật Nhà nước…). Ngoài ra, hành vi phạm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính còn có thể được thể hiện dưới dạng không hành động - tức là không làm một việc mà pháp luật bắt bạn phải làm (ví dụ như không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ)(14)… Đặc trưng của giai đoạn chuẩn bị phạm tội là chủ thể chưa bắt tay vào việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được mô tả trong mặt khách quan của tội phạm, hành vi chuẩn bị này chưa xâm hại đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, cụ thể là chưa trực tiếp làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động để gây thiệt hại cho quan hệ xã hội đó nên luật hình sự Việt Nam chỉ quy định việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số tội nhất định. Có thể thấy rằng, đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính khá khó để xác định các dấu hiệu ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Phạm tội chưa đạt
Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Phạm tội chưa đạt là một giai đoạn trong quá trình thực hiện tội phạm do cố ý trực tiếp, là trường hợp chủ thể đã bắt đầu thực hiện
hành vi phạm tội, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ nhưng không thực hiện được hành vi đó đến cùng vì những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chủ thể này. Phạm tội chưa đạt là giai đoạn thứ hai của quá trình thực hiện tội phạm do cố ý sau giai đoạn thứ nhất - chuẩn bị phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Khác với giai đoạn chuẩn bị phạm tội, trong giai đoạn phạm tội chưa đạt, chủ thể đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong cấu thành tội phạm, đã xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, việc chủ thể không thực hiện được tội phạm đến cùng là do nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân ngoài ý muốn có thể là do bị người khác phát hiện và ngăn cản, bị người bị hại chống cự quyết liệt, sai lầm do sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội...(15).
Bên cạnh đó, căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện, khoa học luật hình sự chia phạm tội chưa đạt thành hai loại chính bao gồm: phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn chưa phân hóa mức độ trách nhiệm hình sự giữa phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, trong khi phạm tội chưa đạt đã hoàn thành nguy hiểm hơn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành(16); cũng không ngoại trừ trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi khách quan nhưng vì những lý do khách quan khác nhau nên chưa đạt được mục đích. Hơn nữa, việc phân tách rõ hai trường hợp này còn liên quan đến việc áp dụng một trường hợp đặc biệt - tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Đối với tội "Vô ý làm lộ bí mật nhà nước"; tội "Làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước" được quy định tại Điều 338 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn phạm tội chưa đạt do lỗi của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là lỗi vô ý. Đối với các tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, ví dụ như các tội phạm được quy định tại Điều 330, 332, 337, 339, 340, 341, 342, 348, 349, 350, 351. Bên cạnh đó, với các tội còn lại thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, xét thấy các tội phạm đó được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Đối với các tội cố ý gián tiếp, thực tiễn xét xử từ trước đến nay thừa nhận chỉ có tội phạm hoàn thành. Vì vậy trong nhiều trường hợp, đáng lẽ phải xác định là phạm tội chưa đạt (đối với hậu quả cao nhất mà chủ thể chấp nhận) thì lại xác định là tội phạm hoàn thành (đối với hậu quả ít nghiêm trọng hơn đã gây ra)(17). Vậy nên, nếu thừa nhận có giai đoạn phạm tội chưa đạt đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính có lỗi cố ý gián tiếp thì cũng phải thừa nhận việc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt như ở các tội cố ý trực tiếp.
Phạm tội chưa đạt tuy là những trường hợp không thực hiện tội phạm được “đến cùng” nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự vì về khách quan, người phạm tội đã có hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội và về chủ quan, việc phải dừng lại (chưa đạt) là do nguyên nhân ngoài ý muốn, còn người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm “đến cùng”(18). Do đó, vấn đề trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với trường hợp phạm tội chưa đạt là có cơ sở và cần thiết. Căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự cụ thể cho trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 57 và Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, chỉ có 04 loại hình phạt sau được áp dụng: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Hình phạt cảnh cáo áp dụng ở 6/22 điều luật; hình phạt tiền áp dụng ở 07/22 điều luật; hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng ở 17/22 điều luật. Hình phạt tù có thời hạn được áp dụng ở tất cả 22 điều luật nhưng mức hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này là 20 năm tù, không có hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, nếu áp dụng quy định tại Điều 57 và Điều 102 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với nhóm tội này, trong trường hợp phạm tội chưa đạt, mức hình phạt cao nhất mà một người từ đủ 18 tuổi có thể phải chấp hành là 15 năm tù.
Tội phạm hoàn thành
Tội phạm hoàn thành là trường hợp trong hành vi phạm tội đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm nào đó (tội danh cụ thể).
Hiện nay, khái niệm “chuẩn bị phạm tội” và “phạm tội chưa đạt” đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, nhưng khái niệm “tội phạm hoàn thành” chưa được quy định trực tiếp mà gián tiếp “mặc định” tại phần các tội phạm với 314 tội danh đều ở thời điểm hoàn thành.
Tội phạm hoàn thành cần được phân biệt với trường hợp tội phạm kết thúc bao gồm cả chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định tội, xác định mức độ
trách nhiệm hình sự, áp dụng chế định phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ luật Hình sự), xác định có đồng phạm hay không (Điều 17 Bộ luật Hình sự), hoặc để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật Hình sự). Việc áp dụng những chế định và những quy định này đều dựa vào thời điểm tội phạm kết thúc mà không phụ thuộc vào thời điểm tội phạm được coi là tội phạm hoàn thành.
- Phân biệt trường hợp tội phạm hoàn thành với trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành: Trường hợp này có điểm giống với tội phạm hoàn thành vì hành vi do người phạm tội thực hiện đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm tương ứng hậu quả có xảy ra nhưng chưa phù hợp trong cấu thành tội phạm đó; tội phạm hoàn thành là trường hợp chủ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm nào đó tại phần các tội phạm Bộ luật Hình sự (cả về hậu quả)(19). Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng đa số các tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính đều có cấu thành hình thức, hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của nhóm tội phạm này, do đó, việc phân biệt trường hợp tội phạm hoàn thành với trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành đối với nhóm các tội xâm phậm trật tự quản lý hành chính là rất khó.
- Phân biệt tội phạm hoàn thành với tội phạm kết thúc: Tội phạm kết thúc là trường hợp hành vi phạm tội của chủ thể đã thực sự chấm dứt hoàn toàn trên thực tế do một số nguyên nhân khác nhau và thời điểm hành vi phạm tội chấm dứt cũng chính là thời điểm tội phạm kết thúc(20). Hành vi đã chấm dứt hoàn toàn có thể do ý muốn chủ quan của chủ thể hoặc có thể không - bị một số nguyên nhân khách quan ngăn cản, mặc dù họ không quan tâm đến việc hành vi đó đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa. Thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm dùng để đánh giá về mặt pháp lý, còn thời điểm tội phạm kết thúc là thời điểm dùng để đánh giá về mặt thực tế. Hai thời điểm này khác nhau về tính chất nên về hình thức, thời điểm hoàn thành của tội phạm và thời điểm tội phạm kết thúc có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau nhưng thực tế thông thường tội phạm hoàn thành thường sớm hơn tội phạm kết thúc(21). Ví dụ: Đối với tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015). A điều khiển xe mô tô, vượt đèn đỏ và bị cảnh sát giao thông B yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm. A đã tăng ga, phi thẳng về phía cảnh sát giao thông B và dọa nếu không tránh ra và để A đi thì A sẽ đâm chết cảnh sát B rồi phóng xe đi. Trong trường hợp này, thời điểm tội phạm hoàn thành trùng với thời điểm tội phạm kết thúc. Tuy nhiên, trong trường hợp khác, sau khi A phi xe dọa đâm cảnh sát B nhưng cảnh sát B kịp thời chặn xe của A, A đã xuống xe và rút dao định đâm cảnh sát B thì bị các cảnh sát giao thông khác khống chế. Trong trường hợp này, thời điểm tội phạm hoàn thành xảy ra sớm hơn thời điểm tội phạm kết thúc.
Như vậy, có thể thấy rằng, hành vi phạm tội có thể dừng lại (kết thúc) khi tội phạm chưa hoàn thành và ngược lại, tội phạm tuy đã được coi là tội phạm hoàn thành những vẫn còn có thể tiếp tục xảy ra (chưa kết thúc). Việc xác định thời điểm tội phạm kết thúc sẽ có ý nghĩa khi áp dụng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, đối với những trường hợp giữa ngày thực hiện tội phạm và ngày tội phạm kết thúc có khoảng cách như ở những tội kéo dài hoặc ở những trường hợp tội liên tục. Đối với những trường hợp này, việc tính thời hạn phải kể từ ngày tội phạm kết thúc(22).
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
Từ những nghiên cứu lý luận về các giai đoạn phạm tội, cùng với sự phân tích các giai đoạn phạm tội trong nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, căn cứ vào thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi mà họ đã thực hiện, khoa học luật hình sự đã chia phạm tội chưa đạt thành phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự hiện hành chưa có quy định cụ thể để giải thích rõ ràng về hai trường hợp này, chưa có sự phân hóa mức độ trách nhiệm hình sự giữa phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành (khác nhau về mức độ nguy hiểm cho xã hội, về việc người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi thỏa mãn ở điều luật tương ứng hay chưa), qua đó bảo đảm công bằng trong xử lý người phạm tội, cũng như phân hóa trách nhiệm hình sự rõ hơn. Do đó, cần có sự ghi nhận điều kiện và phân tách rõ hơn giữa phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
Thứ hai, khoa học luật hình sự đã thống nhất chia các giai đoạn phạm tội thành 03 giai đoạn bao gồm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành.
Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định về khái niệm chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, tuy nhiên lại chưa có quy định về khái niệm tội phạm hoàn thành. Do đó, các nhà lập pháp có thể cân nhắc về việc ghi nhận khái niệm tội phạm hoàn thành và quy định thành một điều luật độc lập sau Điều 15 về phạm tội chưa đạt, để làm căn cứ phân biệt giữa tội phạm hoàn thành với tội phạm chưa hoàn thành (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt) và với tội phạm kết thúc. Thứ ba, tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng, xét về kỹ thuật lập pháp, giữa tội danh và nội dung quy định có sự chưa phù hợp ở 02 điểm(23) như sau:
- Tội danh thể hiện hậu quả là dấu hiệu của tội phạm nhưng trong quy định của điều luật, dấu hiệu này chỉ có ở một trong hai trường hợp phạm tội được quy định.
- Tội danh trùng với hành vi thứ nhất nên không bao quát được hành vi thứ hai được quy định.
Thứ tư, như đã trình bày ở trên, đa số các tội trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính đều có cấu thành tội phạm hình thức, không mô tả rõ hậu quả xảy ra, do đó, việc phân biệt trường hợp tội phạm hoàn thành với trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là rất khó. Vì vậy, đối với các tội phạm đòi hỏi hậu quả xảy ra là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của nhóm tội này, các nhà làm luật cần mô tả rõ hơn hậu quả, giúp việc áp dụng và thực thi pháp luật được thống nhất.
Thứ năm, thực tiễn áp dụng và xét xử từ trước đến nay cho thấy, đối với các tội có lỗi cố ý gián tiếp, chỉ thừa nhận có tội phạm hoàn thành. Trong nhiều trường hợp, lẽ ra phải xác định là trường hợp phạm tội chưa đạt (đối với hậu quả cao nhất mà chủ thể chấp nhận) thì lại xác định là trường hợp tội phạm hoàn thành (đối với hậu quả ít nghiêm trọng hơn đã gây ra). Các nhà làm luật có thể cân nhắc tới việc có nên công nhận có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với các tội phạm có lỗi cố ý gián tiếp hay không. Nếu có thì cũng cần xem xét, thừa nhận việc phải chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện tội phạm đối với hành vi phạm tội ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt như với các tội có lỗi cố ý trực tiếp.
(1) Lê Văn Cảm (Chủ biên), Các giai đoạn phạm tội, trong sách Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr 214.
(2) Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự - Phần chung (Giáo trình sau đại học), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr 416.
(3) Trịnh Tiến Việt, Tổng quan luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 198.
(4) Nguyễn Kim Chi, Các giai đoạn phạm tội: Lý luận, thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Luật học số 5, tr 60-69, 113.
(5) Cao Thị Oanh, Nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr 13.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 202.
(7) Lê Thị Sơn, Các giai đoạn thực hiện tội phạm, đồng phạm và tổ chức tội phạm với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2013.
(8) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 12.
(9) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2022, tr 193.
(10) Nguyễn Kim Chi, tlđd, tr 60-69, 113.
(11) Khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(12) Khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(13) Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Phần Những quy định chung, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr 66.
(14) Lê Đăng Doanh, Cao Thị Oanh (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - Tập I, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
(15) Nguyễn Kim Chi, tlđd, tr 60-69, 113.
(16) Trịnh Tiến Việt (Chủ biên), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022, tr 147.
(17) Lê Thị Sơn, Các giai đoạn thực hiện tội phạm, đồng phạm và tổ chức tội phạm với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2013.
(18) Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần chung, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2022, tr 201.
(19) Nguyễn Kim Chi, tlđd, tr 60-69, 113.
(20) Lê Văn Cảm, sđd, tr 417.
(21) Trịnh Tiến Việt, sđd, tr 213.
(22) Trường Đại học Luật Hà Nội, tlđd, tr 193-194.
Tài liệu tham khảo
1. Cao Thị Oanh, Nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Lê Đăng Doanh, Cao Thị Oanh (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - Tập I, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
4. Lê Thị Sơn, Các giai đoạn thực hiện tội phạm, đồng phạm và tổ chức tội phạm với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2013.
5. Lê Văn Cảm, Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự - Phần chung (Giáo trình sau đại học), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.
6. Nguyễn Kim Chi, Các giai đoạn phạm tội: Lý luận, thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và định hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Luật học số 5, tr 60-69, 113.
7. Nguyễn Ngọc Chí, Chương 10 - Các giai đoạn phạm tội, trong sách Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Lê Văn Cảm (chủ biên), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021.
8. Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần các tội phạm) (Quyển 2), Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2018.
9. Trịnh Tiến Việt, Tổng quan luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 198.
10. Trịnh Tiến Việt (chủ biên), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022.
11. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần chung, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2022.
12. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần các tội phạm (Quyển 2), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2022.
13. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2013.
14. Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Phần Những quy định chung, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2018.
ThS. PHẠM MỸ LINH
Khoa Pháp luật hình sự - Trường Đại học Luật Hà Nội