/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ TMĐT Việt Nam: Bước ngoặt quản lý thuế từ 2025 - Sàn giao dịch đóng vai trò 'then chốt'

TMĐT Việt Nam: Bước ngoặt quản lý thuế từ 2025 - Sàn giao dịch đóng vai trò 'then chốt'

25/02/2025 17:14 |2 tháng trước

(LSVN) - Sự đa dạng và phong phú về sản phẩm và trải nghiệm mua sắm tiện lợi đã giúp thương mại điện tử (TMĐT) nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Trong và sau bối cảnh đại dịch Covid-19 và đặc biệt một hai năm gần đây, TMĐT đã và đang trở thành một phần không thể thiếu và đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Sự phát triển của TMĐT mang lại nhiều cơ hội kinh tế, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong công tác quản lý thuế. Việc đảm bảo nguồn thu ngân sách từ hoạt động TMĐT là rất quan trọng để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhằm kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và bền vững, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi 09 Luật, trong đó có Luật Quản lý thuế 2019, với những thay đổi mang tính cách mạng, đặc biệt là việc trao "quyền lực" thu thuế cho các sàn giao dịch TMĐT.

Sàn TMĐT: "Người gác cổng" mới của nguồn thu thuế trực tuyến

Cơ chế hoạt động: Từ ngày 01/4/2025, các sàn TMĐT (trong và ngoài nước có chức năng thanh toán) sẽ trở thành đầu mối thu thuế cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng của mình. Cụ thể, sàn TMĐT sẽ thực hiện khấu trừ thuế, kê khai và nộp thuế thay cho người bán.

Cơ chế này áp dụng cho phần lớn các giao dịch, trừ những trường hợp đặc biệt được quy định rõ ràng. Những trường hợp ngoại lệ sẽ phải tự đăng ký, kê khai và nộp thuế cho cơ quan thuế.

Quy định này có ý nghĩa thực tiễn rất lớn đối với hoạt động quản lý thuế của cơ quan nhà nước cũng như việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với chủ thể nộp thuế trong hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể:

Thứ nhất, quy định trên giúp giảm thiểu thất thu thuế: Số lượng người bán hàng trực tuyến quá lớn, việc quản lý thuế theo phương thức truyền thống gần như bất khả thi.Việc chuyển giao trách nhiệm cho các sàn TMĐT giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực, kiểm soát dòng tiền thu ngân sách hiệu quả hơn.

Thứ hai, giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ: Người bán hàng, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, sẽ không còn phải đối mặt với các thủ tục thuế phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. Điều này giúp họ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, tăng cường tính minh bạch, công bằng: Mọi giao dịch trên sàn TMĐT đều được ghi nhận và quản lý thuế, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các chủ thể. Do vậy, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, gian lận thuế chắc chắn sẽ được giảm thiểu trong thời gian tới.

Thứ tư, khuyến khích số hóa, phát triển TMĐT: Việc đơn giản hóa thủ tục thuế giúp thu hút thêm nhiều người tham gia vào hoạt động TMĐT, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Sàn TMĐT nước ngoài phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam: Mở rộng phạm vi quản lý

Từ ngày 01/01/2025, tất cả các sàn TMĐT nước ngoài, bất kể có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không, đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý thuế đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới.

Quy định này có ý nghĩa chiến lược, bởi lẽ nó sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng "ưu ái" cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời giúp kiểm soát hiệu quả các giao dịch TMĐT xuyên biên giới, tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.và cũng là công cụ giúp cơ quan thuế có thêm công cụ và thông tin để quản lý các hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Đi liền với các cơ hội của sự thay đổi có tính bước ngoặt này, chúng ta cũng cần đối mặt với những thách thức đang được đặt ra của các chủ thể tham gia hoạt động và tham gia quản lý hoạt động TMĐT.

Xây dựng hệ thống công nghệ: Các sàn TMĐT cần đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo việc thu thập, xử lý và báo cáo dữ liệu thuế một cách chính xác và kịp thời.

Phối hợp với cơ quan thuế: Cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sàn TMĐT và cơ quan thuế để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Xác định doanh thu, thu nhập: Việc xác định chính xác doanh thu và thu nhập của người bán hàng trên các sàn TMĐT là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là khi các giao dịch diễn ra qua nhiều kênh khác nhau.

Quy định về bảo mật thông tin: cần có các quy định rõ ràng về bảo mật thông tin của người bán hàng.

Hợp tác quốc tế: Cần tăng cường hợp tác với các cơ quan thuế quốc tế để trao đổi thông tin và kinh nghiệm quản lý thuế TMĐT xuyên biên giới.

Quy định rõ ràng: Cần có các quy định rõ ràng và chi tiết về nghĩa vụ thuế của các sàn TMĐT nước ngoài, tránh tình trạng "mập mờ" gây khó khăn cho việc thực thi.

Để giải quyết những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực quản lý thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là những giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, việc các sàn giao dịch TMĐT nâng cao trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin và thực hiện nghĩa vụ thuế cũng đóng vai trò quan trọng.

Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp này không chỉ giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh TMĐT lành mạnh, minh bạch và công bằng. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TMĐT, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.

Luật sửa đổi 09 Luật, đặc biệt là những thay đổi về quản lý thuế TMĐT, là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế số hiện đại và bền vững.

Thạc sĩ, Luật sư TRỊNH THỊ DUNG

Các tin khác