Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, vướng mắc về trường hợp bị can gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho nhiều người hoặc phạm tội 02 lần trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người (lần) đều dưới khung tối thiểu hoặc thuộc các khung khác nhau.

Ảnh minh họa.
Theo quy định, thể hiện cấu thành tội phạm chỉ điều chỉnh người phạm tội khi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe (gọi chung là gây thương tích) một người có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên thì mới xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Trường hợp nếu gây thương tích cho một người, nhưng tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%, thì chỉ xem xét truy cứu TNHS khi người thực hiện hành vi thuộc một trong 10 nhóm trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS). Như vậy, đối với trường hợp một người gây thương tích cho 02 người trở lên, tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên và không thuộc một trong 10 trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS thì sẽ không bị truy cứu TNHS.
Trong thực tế đời sống hàng ngày, hầu hết mọi người đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng; tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ người xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác. Có thể vì một mâu thuẫn nhỏ, hay vì một lý do nào đó không hài lòng đối với người khác hoặc vì muốn thỏa mãn sự tức giận hay vì một lý do nào đó... họ sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề phát sinh. Khi dùng vũ lực, họ không dùng hung khí nguy hiểm, không thể hiện tính chất côn đồ, không vì lý do công vụ…, cùng lúc họ dùng tay, chân đánh, đấm, đá liên tiếp nhiều người và mỗi người đều có tỉ lệ tổn thương cơ thể, tỉ lệ tổn thương của mỗi người đều dưới 11%, nhưng tổng tỉ lệ của những người bị đánh thì từ 11% trở lên. Mặc dù, tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người đều dưới 11%, nhưng việc cùng lúc gây ra thương tích cho nhiều người và tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân là từ 11% trở lên, đã thể hiện tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Ví dụ, Nguyễn Văn A. do có mâu thuẫn với ông Trần Văn B.; trong lúc cự cãi qua lại, A. liền dùng tay, chân đánh, đá ông B. liên tục; khi đó, con của B. là Trần Văn V., Trần Văn T., Trần Thị H. và vợ ông B. là bà Cao Thanh G. vào can ngăn. Khi mọi người vào can ngăn, A. không dừng lại, mà tiếp tục dùng tay, chân đánh, đá tất cả mọi người. Hậu quả gây thương tích cho B. 06%, V. 07 %, T. 09%, H. 08% và bà G. 10%. Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của 05 người là 40%.
Thêm nữa là, trong trường hợp một người gây thương tích cho 02 người trở lên, tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người thuộc các khung định tội khác nhau, thì rất khó để xác định hình phạt cho phù hợp. Ví dụ, Nguyễn Văn A. mang dao đi lao động, khi đi ngang qua nhà Nguyễn Văn B. (có mâu thuẫn với A. từ trước), thấy B. ngồi nhậu cùng với C. trong nhà, A. vào nhà B., dùng dao gây thương tích cho B. (tỉ lệ tổn thương cơ thể là 49%) và C. (tỉ lệ tổn thương cơ thể là 21%). Do A. gây thương tích cho 02 bị hại với 02 mức tổn thương cơ thể khác nhau (49% và 21%), theo quy định tại Điều 134 BLHS thì không thể xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý A. trên thực tế, dẫn đến những quan điểm khác nhau về việc áp dụng điểm, khoản nào của Điều 134 BLHS để truy cứu TNHS đối với A. về tội "Cố ý gây thương tích".
- Quan điểm thứ nhất: Hành vi của A. phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Việc áp dụng điểm, khoản này là theo tinh thần áp dụng nguyên tắc có lợi đối với người phạm tội (lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể 21% của bị hại C.), đồng thời, khi lượng hình cần xem xét đối với hành vi A. gây thương tích cho B. có tỉ lệ tổn thương cơ thể là 49%.
- Quan điểm thứ hai: Hành vi của Nguyễn Văn A. phạm vào điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Theo quan điểm này, lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể cao nhất (49% của B) để xử lý, đồng thời, khi lượng hình cần xem xét đối với hành vi gây thương tích của A. đối với C. (21%).
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi hiện tại, không thể xác định điểm, khoản, khung hình phạt để xử lý trên thực tế thì nên xử lý theo hướng lấy tỉ lệ tổn thương cơ thể cao nhất (lớn nhất) để xử lý và khi lượng hình nên cân nhắc lượng hình với những tỉ lệ tổn thương cơ thể khác (nhỏ hơn) để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi gây thương tích. Theo Giải đáp số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân Tối cao đối với trường hợp tương tự cũng theo quan điểm thứ hai như trên. Việc xem xét khi lượng hình như quan điểm trên đối với các Thẩm phán khác nhau sẽ có thể áp dụng các khung hình phạt và mức hình phạt khác nhau, không tạo được sự rõ ràng, thống nhất khi quyết định mức hình phạt cho người phạm tội, dẫn đến có kháng cáo, kháng nghị và sửa án, hủy án.
Việc “phạm tội 02 lần trở lên” chỉ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 134 BLHS và không có xác định mức tỉ lệ tổn thương cơ thể. Trên thực tiễn hành vi “phạm tội 02 lần trở lên” có nhiều mức độ khác nhau, từ tỉ lệ tổn thương thấp chưa cấu thành tội phạm đến tỉ lệ tổn thương cao nhưng thuộc các khung hình phạt khác nhau, việc nhà làm luật chỉ quy định hành vi “phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết định tội tại khoản 2 là chưa phù hợp. Do đó, cần phải có quy định cụ thể về tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” ở các khung hình phạt khác nhau.
Có thể nói, trong một số vụ án, tính nghiêm trọng trong trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc phạm tội 02 lần trở lên, nhưng tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người (lần) đều dưới 11% và không thuộc các trường hợp tăng nặng định khung, sẽ gây ra hậu quả lớn hơn nhiều so với việc chỉ gây thương tích cho một người, nhưng có tổn thương cơ thể từ 11% trở lên. Và trong trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc phạm tội 02 lần trở lên, nhưng thuộc các tình tiết định khung khác nhau sẽ rất khó để xác định mức hình phạt cho phù hợp. Để bảo đảm điều chỉnh toàn diện và thống nhất các hành vi vi phạm khi gây thương tích cho người khác được xem xét xử lý TNHS, thì trong BLHS cần bổ sung trường hợp quy định cụ thể vào Điều 134.
Thứ hai, tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 134 BLHS thì người “đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” mới bị truy cứu TNHS nếu gây thương tích dưới 11%, còn các trường hợp xử phạt vi phạm hành chính khác thì lại không bị truy cứu. Hiện nay, vấn đề này chưa được ghi nhận trong BLHS tuy nhiên thực tế rất dễ xảy ra và cơ quan tố tụng hình sự sẽ không có căn cứ xử lý. Ví dụ: do có mâu thuẫn từ trước nên A. đánh B. gây thương tích 5%, A. bị Công an phường xử phạt vi phạm hành chính nhưng 03 tháng sau, A. tiếp tục đánh B. gây thương tích 5%. Vì không có căn cứ nên cơ quan chức năng không thể truy cứu TNHS đối với A mà chỉ có thể tiếp tục xử lý hành chính mặc dù hành vi xem thường pháp luật này của A. cần phải truy cứu TNHS mới tương xứng. Nếu so trường hợp này với trường hợp cố ý gây thương tích cho người khác trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam,... được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 134 BLHS thì trường hợp này phản ánh sự tương đồng về tính nguy hiểm của hành vi và thái độ xem thường pháp luật của người vi phạm. Do đó, cho dù chỉ gây ra tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng trường hợp này vẫn cần phải bị truy cứu TNHS
Giải pháp hoàn thiện
Từ các vướng mắc, bất cập trên và nhu cầu trên thực tế về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tác giả đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau:
Thứ nhất, quy định cụ thể trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc phạm tội 02 lần trở lên, tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người (lần) dưới 11%, nhưng tổng tỉ lệ từ 11% trở lên sẽ phải chịu TNHS và xác định rõ khung hình phạt đối với trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc phạm tội 02 lần trở lên thuộc các khung khác nhau bằng phương pháp quy định tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể.
Theo đó, tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 134 BLHS phải bổ sung vào phần dấu hiệu định tội của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đối với trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc phạm tội 02 lần trở lên với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên.
Cụ thể như sau: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người khác hoặc hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 134 BLHS bổ sung thêm các trường hợp: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người khác hoặc hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% và Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người khác hoặc hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp...”.
Tại khoản 3 Điều 134 BLHS bổ sung thêm các trường hợp: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người khác hoặc hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 120%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này và Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người khác hoặc hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp...”.
Tại khoản 4 Điều 134 BLHS bổ sung thêm các trường hợp: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 121% trở lên và Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người khác hoặc hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 120% nhưng thuộc một trong các trường hợp...”.
Tại khoản 5 Điều 134 BLHS bổ sung thêm trường hợp: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 121% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp...”.
Thứ hai, cần quy định bổ sung tại khoản 1 Điều 134 BLHS tình tiết định tội “đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” để có cơ sở xử lý các trường hợp vướng mắc trong thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
2. Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử;
3. Nguyễn Văn Lam, Hoàn thiện quy định về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” của Bộ luật Hình sự năm 2015, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 6, năm 2023, tr.27.