Về định tội danh "Tàng trữ trái phép chất ma túy"
Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Trên thực tế, nhiều trường hợp xác định ranh giới giữa tội tàng trữ và tội mua bán là rất khó khăn, đặc biệt là hai tội phạm này có các khung hình phạt khác nhau. Đó là khi bị can, bị cáo khai không thống nhất trong quá trình tố tụng, khai mang tính chung chung “tàng trữ nhưng nếu gặp ai muốn mua thì sẽ bán lại cho người đó” hoặc trường hợp đã thực hiện một lần bán ma túy hoàn thành, sau đó tiếp tục tàng trữ ma túy với mục đích sử dụng nhưng nếu gặp ai mua cũng sẽ bán. Trong những trường hợp này, việc có các quan điểm khác nhau là thường xuyên xảy ra.
Có quan điểm cho rằng, trường hợp tàng trữ với mục đích gặp ai muốn mua sẽ bán nhưng chưa có người mua cụ thể, chưa xác định được hành vi mua bán nên chỉ phạm tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy". Nhưng quan điểm khác lại cho rằng, mục đích ngay từ đầu của người đó là tàng trữ để bán lại khi gặp người mua, thể hiện rõ ý chí việc bán ma túy cho người khác. Do đó, người này phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy".
Theo tác giả, việc mua bán ma túy không giống với hành vi mua bán các vật, hàng hóa thông thường khác. Do đó, nếu không xác định được người mua, thì xác định hành vi bán chưa hề được tiến hành. Đồng thời, nếu chỉ có duy nhất lời khai của người phạm tội về mục đích chưa rõ ràng mà xác định ngay người đó phạm tội "Mua bán trái phép chất ma túy" thì có hợp lý, đồng thời vi phạm quy định tại Điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Có thể thấy, hành vi của người đó là mua ma túy vừa nhằm mục đích sử dụng, vừa nhằm mục đích bán cho một số người khác nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi bán ma túy của họ và cũng không xác định được người mua ma túy, chỉ căn cứ vào lời khai của người này nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Đối với trường hợp đã bán một lần mà còn tàng trữ để sử dụng, đồng thời có ai mua sẽ bán thì xem xét độc lập đối với từng hành vi, nếu đủ yếu tố sẽ truy cứu về các tội tương ứng.

Ảnh minh họa.
Mặc dù vậy, do chưa có hướng dẫn nên việc có nhiều quan điểm khác nhau vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, tác giả kiến nghị liên ngành Trung ương cần sớm có hướng dẫn để tạo sự thống nhất, chính xác trong thực tiễn.
Xác định loại, lượng chất ma túy
Về các loại ma túy, Điều 249 BLHS quy định rõ tên các chất ma túy với các khối lượng khác nhau. Điều này sẽ tạo ra sự rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra sự giới hạn trong xác định chất ma túy. Thực tế tệ nạn ma túy đang có diễn biến phức tạp, sự gia tăng các loại ma túy khác nhau, ở các dạng khác nhau. Lúc này, nếu gặp chất ma túy mới chưa có trong danh mục được liệt kê thì sẽ rất khó để xử lý. Do đó, tác giả kiến nghị cần có quy định cởi mở hơn, cho phép kết luận các chất ma túy mới để bảo đảm xử lý triệt để. Đi kèm với quy định này, cần sửa đổi quy định của Luật Phòng, chống ma túy theo hướng tương tự.
Về lượng chất ma túy, hiện nay xuất hiện tình trạng chia nhỏ ma túy để thực hiện thành các lần phạm tội, cất giấu, tàng trữ ở các địa điểm, thời gian khác nhau. Các khối lượng sau khi được chia nhỏ đều không đủ cấu thành tội phạm, tạo ra thách thức đối với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hiện nay các vụ án "Tàng trữ trái phép chất ma túy" để sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều chỉ căn cứ vào khối lượng thu được, rất khó để xác định khối lượng ban đầu tàng trữ. Vì vậy, cũng không thể phản ánh chính xác tính chất, mức độ của tội phạm. Là một nguyên nhân cản trở hiệu quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Về tổng hợp các chất ma túy
Đối với việc tổng hợp các chất ma túy, hiện nay được quy định tại Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 01/02/2018 của Chính phủ. Theo đó, các quy định tại Nghị định này là cụ thể, rõ ràng và phù hợp, có dẫn chứng ví dụ kèm theo. Bất cập ở đây tác giả muốn đề cập không phải xuất phát từ quy định của pháp luật mà xuất phát từ thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng. Trên thực tế, có vụ án mà cả Viện Kiểm sát và Tòa án đều không tuân thủ quy định của Nghị định này. Theo đó, trong cáo trạng, bản luận tội và bản án đều không quy đổi các chất ma túy ra tỷ lệ phần trăm, sau đó cộng tỷ lệ phần trăm mà bỏ ngỏ, chỉ nêu tàng trữ những loại ma túy nào, với khối lượng bao nhiêu; hoặc có tổng hợp thì lại cộng khối lượng các chất ma túy. Điều này là vi phạm, sai lầm trong áp dụng pháp luật của các cơ quan này.
Do đó, tác giả cho rằng, các cơ quan chuyên môn đầu ngành, cơ quan có chức năng kiểm tra, rà soát cần kiểm tra kỹ, phát hiện vi phạm, có văn bản chấn chỉnh hoặc cách thức xử lý tương ứng.
Trên đây là một số vướng mắc khi giải quyết vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy. Tác giả xin đưa ra trao đổi với bạn đọc để tích lũy kinh nghiệm, phục vụ công tác, bảo đảm hiệu quả công tác tiến hành tố tụng.