Theo tài liệu giải đáp một số vướng mắc trong áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện nay của VKSND cấp cao tại Hà Nội năm 2020 cho rằng: Việc bị cáo đã hoàn trả toàn bộ số tiền thu lợi bất chính cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Ảnh minh họa.
Căn cứ Điều 201 và Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “Hướng dẫn áp dụng Điều 201 BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” thì “Thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay”.
Như vậy, thu lợi bất chính của bị cáo là thiệt hại của người vay nên trường hợp bị cáo nộp trả lại cho người vay toàn bộ khoản thu lợi bất chính là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Với quan điểm nêu trên, tác giả thấy rằng, việc bị cáo đã hoàn trả toàn bộ số tiền thu lợi bất chính cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, là chưa phù hợp vì: Theo quy định tại Điều 62 BLTTHS (BLTTHS): “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về vật chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe doạ gây ra”. Như vậy, được hiểu bị hại là người bị tội phạm gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại trực tiếp có nghĩa là thiệt hại của bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả của tội phạm, cùng với thiệt hại trực tiếp do tội phạm gây ra, bị hại còn có thể bị gây thiệt hại gián tiếp (Ví dụ trong vụ án Cố ý gây thương tích, ngoài tổn thiệt hại trực tiếp về tổn thương cơ thể, chi phí điều trị..., còn có thiệt hại gián tiếp như bị mất thu nhập... Theo quy định tại Điều 65 BLTTHS: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi liên quan đến vụ án hình sự”. Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được hiểu là người không tham gia vào việc thực hiện tội phạm hoặc có tham gia vào việc thực hiện tội phạm mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn phải đưa vào tham gia tố tụng để xử lý theo pháp luật về quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ có liên quan đến tội phạm hoặc quyền lợi, nghĩa vụ bị ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án. Do đó, nếu là người có quyền lợi liên quan đến vụ án thì xác định tư cách là người có quyền lợi liên quan, trường hợp nếu chỉ có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan, trường hợp vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLTTHS, bị hại hoặc người đại diện của họ có 14 quyền quy định từ điểm a đến điểm o trong đó điểm m Khoản 2 Điều 62 BLTTHS quy định: “Bị hại có quyền kháng cáo,quyết định của bản án”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 BLTTHS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có 09 quyền quy định từ điểm a đến điểm i, trong đó điểm g khoản 2 Điều 65 BLTTHS quy định họ chỉ có quyền “kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình”.
Từ những phân tích nêu trên, xác định tư cách người tham gia tố tụng giữa người bị hại (tại Điều 62 BLTTHS) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (tại Điều 65 BLTTHS) trong vụ án hình sự là khác nhau. Do đó, xác định trách nhiệm bồi thường của bị cáo cho người bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong trường hợp này tác giả nhận thấy rằng cần rút ra vấn đề như sau:
Thu lợi bất chính của bị cáo, là thiệt hại của người vay mà bị cáo lại nộp lại số tiền thu lợi bất chính cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 BLHS, mới phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về trường hợp này để tạo cơ sở cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan tố tụng được thống nhất.