/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đề xuất mở rộng trường hợp áp dụng phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự

Đề xuất mở rộng trường hợp áp dụng phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự

28/03/2025 10:25 |3 ngày trước

(LSVN) – Việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong các vụ án đồng phạm là một nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo công bằng khi xét xử. Tuy nhiên, các trường hợp áp dụng phạt tiền là hình phạt chính được liệt kê tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa bao quát hết các trường hợp thực tiễn, đặc biệt là với người giúp sức có vai trò không đáng kể trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự (BLHS), phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với cá nhân phạm tội trong các trường hợp sau:

“a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.

Trong các vụ án đồng phạm, trách nhiệm hình sự được xác định dựa trên các nguyên tắc: (i) Chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm; (ii) Chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm; (iii) Cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng đồng phạm. Theo đó, tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về cùng tội danh theo cùng điều luật, nhưng trách nhiệm hình sự của mỗi người được xác định độc lập, tùy thuộc vào tính chất và mức độ tham gia phạm tội.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vấn đề đặt ra là trong một vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng mà điều luật có quy định phạt tiền là hình phạt chính tại các khung thấp hơn. Ví dụ, vụ án đồng phạm mà các bị cáo bị truy tố về tội "Buôn lậu" theo quy định tại khoản 4 Điều 188 BLHS. Trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với người đồng phạm là người giúp sức có vai trò không đáng kể (tức là áp dụng khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 188 BLHS), thì liệu Hội đồng xét xử có quyền tuyên phạt tiền thay thế phạt tù hay không?

Các khung hình phạt của tội "Buôn lậu" theo Điều 188 BLHS:

Khoản 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khoản 2: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Khoản 3: Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Khoản 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Thực tiễn xét xử cho thấy có sự không thống nhất trong quan điểm áp dụng pháp luật đối với vấn đề này. Có thể dẫn chứng hai vụ án tiêu biểu như sau:

Thứ nhất là vụ án Bùi Lê Việt Kh. và 12 đồng phạm bị truy tố về tội "Buôn lậu siêu xe".

TAND TP.HCM ban hành Bản án sơ thẩm số 179/2019/HS-ST ngày 04/6/2019, tuyên phạt tiền là hình phạt chính đối với 05 bị cáo Nguyễn Đức Th1., Võ Thị Huyền Tr1., Nguyễn Đức D1., Nguyễn Minh H. và Hàn Quang A. về tội "Buôn lậu" theo khoản 4 Điều 188 BLHS.

Viện trưởng VKSND TP.HCM và Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị theo hướng áp dụng hình phạt tù đối với 5 bị cáo vì khoản 4 Điều 188 BLHS không quy định phạt tiền là hình phạt chính và Điều 35 BLHS quy định chỉ được áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên Bản án phúc thẩm số 404/2020/HS-PT ngày 20/7/2020 không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên phạt tiền 300 triệu đồng đối với 5 bị cáo, vì các bị cáo có vai trò giúp sức, bị người chủ mưu là H. lợi dụng. Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao không thực hiện kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án này.

Thứ hai là vụ án Đào Ngọc V. và đồng phạm bị truy tố về tội "Buôn lậu" 200 triệu lít xăng tại Đồng Nai.

TAND tỉnh Đồng Nai ban hành Bản án sơ thẩm số 155/2022/HS-ST ngày 08/12/2022, tuyên phạt tiền là hình phạt chính đối với 06 bị cáo Trần Huy L1., Phạm Thị C., Nguyễn Thanh B., Lê Hùng P., Nguyễn Thị Như M. và Nguyễn Thăng L2. với vai trò đồng phạm giúp sức về tội "Buôn lậu" theo khoản 4 Điều 188 BLHS.

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM ban đầu kháng nghị theo hướng chuyển sang áp dụng hình phạt tù vì các bị cáo đều phạm vào khoản 4 Điều 188 BLHS thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/QĐ-VC3-V1 ngày 06/01/2023), nhưng sau đó lại rút kháng nghị (Quyết định số 127/VC3-V1 ngày 03/4/2023).

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm (Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 03/QĐ-VKSTC-V7 ngày 10/4/2024), đề nghị hủy một phần Bản án về hình phạt đối với các bị cáo để xét xử sơ thẩm lại theo hướng không áp dụng phạt tiền là hình phạt chính, với lý do, các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, việc áp dụng Điều 35 BLHS là vi phạm nghiêm trọng.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2024/HS-GĐT ngày 17/6/2024, chấp nhận kháng nghị và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng không áp dụng phạt tiền là hình phạt chính.

Theo quan điểm của tác giả, quy định tại khoản 1 Điều 35 BLHS chỉ cho phép áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội rất nghiêm trọng trở xuống. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp một người phạm tội rất nghiêm trọng (ví dụ thuộc khoản 3 Điều 188 BLHS) nhưng giữ vai trò là người tổ chức (chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy) vẫn có thể được áp dụng phạt tiền. Trong khi đó, một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ thuộc khoản 4 Điều 188 BLHS) nhưng chỉ với vai trò là người giúp sức không đáng kể thì không thể được áp dụng hình phạt này.

Trong nhiều trường hợp, người phạm tội rất nghiêm trọng với vai trò tổ chức thì có thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn nhiều so với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ là người giúp sức có vai trò không đáng kể.

Điều này là không phù hợp với nguyên tắc cốt lõi về xử lý tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm, cụ thể: Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy (điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS); khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm (Điều 58 BLHS).

Vì vậy, tác giả đề xuất mở rộng áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ là người giúp sức có vai trò không đáng kể.

Cụ thể, tác giả đề xuất bổ sung điểm c khoản 1 Điều 35 BLHS như sau:

“c) Người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định, nhưng là người giúp sức có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm”.

Thạc sĩ, Luật sư ĐẶNG KIM CHINH

Các tin khác