Ảnh minh họa.
Thực trạng
Có thể nói, hiện nay việc sao chép tác phẩm (tác quyền) trong hoạt động kinh doanh, thương mại ở nước ta đã và đang diễn ra hoàn toàn trái phép, vì người làm bản sao tác phẩm không xin phép và không trả tiền thù lao cho chủ sở hữu quyền sao chép như quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế có hiệu lực áp dụng tại Việt Nam. Thực trạng này chẳng những ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu quyền sao chép, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số.
Câu hỏi đặt ra là, phải làm gì để chấp dứt tình trạng xâm phạm tác quyền đang diễn ra như nêu trên.
Ban điều hành Dự án Thư viện số của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam và Tinhvan Group.
Thực tế lâu nay tại Việt Nam, sự minh bạch trong khai thác tác quyền là rất thấp. Các thông tin về tác quyền được quản lý trên những hệ thống đơn lẻ, không được bảo đảm về tính bảo mật dữ liệu hoặc tính bảo mật dữ liệu rất thấp và hoàn toàn có thể can thiệp từ bên ngoài. Do đó, theo thời gian, hệ thống chứa dữ liệu sẽ lớn dần lên và tần suất truy cập cũng ngày càng tăng vì yêu cầu về so sánh, đối chiếu sẽ khó đáp ứng khi chỉ sử dụng các công nghệ lưu trữ và truy xuất truyền thống.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng khó đáp ứng lâu dài về mặt tài nguyên, hiệu năng khai thác và tiềm ẩn nhiều rủi ro cao về hệ thống nền tảng công nghệ thông tin. Một khi hệ thống bị sự cố sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường về việc mất dữ liệu, mất thông tin tác quyền số mà không thể khôi phục hoặc mất rất nhiều thời gian và tài chính mới có thể khôi phục được như nguyên trạng.
Về chế tài hiện nay đối với vấn đề tác quyền (quyền sao chép), chúng ta đã có sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 (khoản 10 Điều 4 quy định về việc sao chép tác phẩm; Điều 14 quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả; Điều 56 quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; Điều 211, Điều 212 quy định về xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính và hình sự… Đặc biệt là Điều 225 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 (Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017) quy định về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Chuyển đổi số và kiểm soát
Mặc dù đã có những chế tài nêu trên, nhưng để thực hiện cũng như áp dụng được các quy định này vào đời sống lại là chuyện khác. Điều đó liên quan đến câu hỏi là bắt đầu từ đâu, hướng đi, trình tự của việc thực thi các quy định của pháp luật về tác quyền và các quyền liên quan của tất cả các bên liên quan. Đồng thời, những điều đó cũng đặt ra câu hỏi là Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Hiệp hội VIETRRO) với vai trò và vị trí duy nhất của mình sẽ phải đề xuất, góp ý hoàn thiện các chế tài hiện nay như thế nào để việc thực thi được các bên liên quan thuân thủ một cách nghiêm túc nhất. Đặc biệt là việc kiểm soát cũng như chấm dứt được nạn xâm phạm tác quyền đang diễn ra tràn lan trong đời sống xã hội hiện nay.
Từ khi ra đời năm 2010, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Hiệp hội VIETRRO) đã thực hiện việc quản lý tập thể đối với độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm dưới mọi hình thức sao chụp và sử dựng số, nhằm khai thác có hiệu quả giá trị kinh tế của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, theo sự ủy thác quyền của hội viên và quy định của pháp luật; cung cấp cho người sử dụng dịch vụ cần thiết để tiếp cận tác phẩm mà họ có nhu cầu một cách hợp pháp, dễ dàng và với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, ngoài sự hạn chế về cơ chế để thực hiện thì còn có sự hạn chế về nhận thức của các bên liên quan. Nhiều trường hợp, khi vấn đề tác quyền được kích hoạt đối với tác phẩm của các tác giả nhưng không thể giải quyết được bằng chế tài, kể cả sự thỏa hiệp giữa các bên liên quan. Do đó, ngoài sự đề xuất để hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các cơ quan chức năng, thì sự hoàn thiện cách quản lý của Hiệp hội về việc quản lý tập thể đối với độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm dưới mọi hình thức sao chụp và sử dụng số bằng cách áp dụng ngay các công nghệ hiện đại, cùng phương thức tiên tiến nhất đối với vấn đề tác quyền (quyền sao chép) đã và đang được triển khai một cách ráo riết.
Với việc phát triển nhanh và mạnh của công nghệ thì việc thực hiện chuyển đổi số áp dụng trong lĩnh vực tác quyền (quyền sao chép và các quyền liên quan) đã được Hiệp hội VIETRRO kết hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Tinh Vân [1] (Tinhvan Group) xây dựng và vận hành Thư viện số đầu tiên tại nước ta trên nền tảng công nghệ mới nhất là công nghệ blockchain.
Theo đó, các đặc điểm tối ưu của công nghệ blockchain được phát huy triệt để như: blockchain tồn tại lâu dài và không thể bị làm giả hoặc rất khó để phá hủy các chuỗi blockchain, công nghệ blockchain chỉ bị phá hủy khi không còn môi trường internet; công nghệ blockchain khẳng định tính bất biến, nếu giao dịch hoặc dữ liệu đã được ghi bởi người nắm giữ private key (mã khóa bí mật - chỉ người khởi tạo blockchain mới có) thì dữ liệu đó không thể sửa chữa; công nghệ blockchain tạo ra sự minh bạch khi ai cũng có thể theo dõi được đường đi của blockchain từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó; công nghệ blockchain cho thấy sự an toàn trong bảo mật dữ liệu khi các thông tin, dữ liệu về các chuỗi blockchain được phân tán, an toàn tuyệt đối và chỉ có người giữ private key mới có quyền truy xuất; công nghệ blockchain chứng minh được sự thuận tiện và thông minh trong việc bảo đảm tác quyền của tất cả các bên liên quan khi các kỹ thuật số được nhúng bởi một đoạn code (IFTTT) sẽ cho phép chúng tự động thực thi. Trong thực tế, sẽ có một bên trung gian bảo đảm hoặc giám sát các bên liên quan đều tuân thủ các điều khoản đặt ra.
Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, ông Hoàng Trọng Quang (trái) và Chủ tịch - TGĐ Tinhvan Group, ông Hoàng Tô (phải).
Hiện nay, trên cơ sở những nhận thức của xã hội, sự hợp tác của Hiệp hội và Tinh Vân cùng với tính cấp thiết của quản lý xã hội đặt ra trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 việc thực hiện Thư viện số đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng hệ thống kho biên mục tài nguyên số, xây dựng khung pháp lý tác quyền số.
Từ năm 2022 - 2025, Hiệp hội VIETRRO và Tinh Vân sẽ tiếp tục hoàn thiện kho tài nguyên số và ứng dụng khai thác, hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền, xây dựng cơ chế thu phí với các đơn vị/tổ chức, bắt đầu nghiên cứu và phát triển bookchain, tích hợp quản lý tác quyền số theo công nghệ blockchain, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain, xây dựng chính sách và pháp lý liên quan, tìm kiếm cơ hội kết nối với đồng tiền số quốc gia, hoàn thiện hệ thống và sẵn sàng mô hình chợ tác quyền số, xây dựng hợp đồng số thông minh, hoàn thiện chính sách và pháp lý tác quyền số như tài sản số, tuyên truyền và sử dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả cho tác giả.
Như vậy, với việc Hiệp hội VIETRRO chủ động trong chuyển đổi số và sự kết hợp cùng Tinhvan Group trong xây dựng Thư viện số trên nền tảng công nghệ blockchain, nạn xâm phạm tác quyền (quyền sao chép) sẽ được kiểm soát và chấm dứt; quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả sẽ luôn được bảo đảm lâu dài và xuyên suốt trong thời gian tới.
================ [1] Công ty cổ phần Công nghệ Tinh Vân (Tinh Vân Group - Tinhvan Group) tiền thân là Trung tâm Thí nghiệm Mạng Netlab thành lập tháng 7/1997. Đến nay, Tinh Vân đã luôn khẳng định mình là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là phần mềm và nội dung số tại Việt Nam với lĩnh vực hoạt động: phát triển phần mềm; gia công và xuất khẩu phần mềm; dịch vụ tư vấn CNTT và dịch vụ phần mềm; truyền thông số và Mobile Marketing. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Tinh Vân Group đã nhận được những giải thưởng uy tín trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam liên tục từ năm 2002-2019 như: Giải thưởng Sao Khuê, Cúp vàng CNTT, TOP5 ICT, Giải thưởng CNTT-TT TP. Hồ Chí Minh, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bằng khen của Văn phòng Chính phủ… |
Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (Vietnam Reproduction Right Organization - VIETRRO) được thành lập theo Quyết định số 260/QĐ-BNV ngày 29/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chủ tịch Hiệp hội hiện nay là ông Hoàng Trọng Quang. Hiệp hội VIETRRO là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của đại diện theo ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức trong việc quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm tồn tại dưới dạng ấn phẩm theo quy định của pháp luật. Hiệp hội hoạt động nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết các hội viên trong lĩnh vực quyền tác giả nhằm mục đích thực hiện việc quản lý tập thể đối với độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm dưới mọi hình thức sao chụp và sử dựng số, nhằm khai thác có hiệu quả giá trị kinh tế của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, theo sự ủy quyền của hội viên và quy định của pháp luật; cung cấp cho người sử dụng dịch vụ cần thiết để tiếp cận tác phẩm mà họ có nhu cầu một cách hợp pháp, dễ dàng và với chi phí hợp lý. Thông qua hoạt động quản lý tập thể góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống tôn trọng pháp luật, tăng cường việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng, phát triển nền văn hóa dân tộc, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Hiện nay, Hiệp hội VIETRRO đã cho phép thành lập Trung tâm Pháp luật và Tác quyền (gọi tắt là LECOCE) để xúc tiến các hoạt động liên quan đến việc triển khai sự hợp tác giữa Hiệp hội VIETRRO và Tinh Vân trong việc xây dựng Thư viện số trên nền tảng công nghệ blockchain. |
MINH TUẤN
Mua bán thông tin tài khoản ngân hàng: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự