/ Trao đổi - Ý kiến
/ Chuyên gia giáo dục: Cần phải loại bỏ ra khỏi ngành và xem xét xử lý hình sự giáo viên bị tố bắt trẻ uống nước bồn cầu

Chuyên gia giáo dục: Cần phải loại bỏ ra khỏi ngành và xem xét xử lý hình sự giáo viên bị tố bắt trẻ uống nước bồn cầu

05/01/2021 18:14 |

(LSVN) – Các chuyên gia giáo dục cho rằng nếu sự việc được xác minh là đúng sự thật thì hai giáo viên mầm non ở Ninh Bình cần phải loại bỏ ra khỏi ngành, và cần phải xem xét xử lý hình sự về hành vi của mình.

Như tin đã đưa, dư luận cả nước đang xôn xao clip một cháu bé 15 tháng tuổi học tại trường Mầm non Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình bị cô giáo tại trường này bạo hành, và được cho là bắt uống nước bồn cầu?.

Trường Mầm non Ninh Khang nơi xảy ra sự việc.

Trước sự việc này, bà Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Khang cho biết, nhà trường đã tiến hành xác minh vụ việc, kiểm tra lại clip đăng tải trên mạng. Được biết, tại thời điểm xảy ra vụ việc, lớp học có 2 giáo viên đứng lớp là cô N. T. P. T. (34 tuổi) là người được cho là trực tiếp bạo hành trẻ nhỏ và cô B.T.M. (53 tuổi) là người chứng kiến vụ việc nhưng không có động thái can ngăn.

Ông Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, huyện đã yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Ninh Khang vào cuộc xác minh. Sau khi vụ việc được làm rõ, đơn vị chức năng sẽ có hình thức kỷ luật thỏa đáng. UBND huyện Hoa Lư đã giao cho Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hoa Lư cùng lãnh đạo nhà trường tới gia đình học sinh để chia sẻ, động viên và mong muốn phối hợp với nhà trường để làm rõ vụ việc.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến, Chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu sự việc được xác minh đúng sự thật thì hành vi của 2 cô giáo ở Trường Mầm non Ninh Khang là không thể chấp nhận được và đề nghị hình thức cao nhất là chấm dứt hợp đồng giảng dạy đối với 2 cô giáo này.

TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh: Internet.

Đứng trên cương vị là một chuyên gia giáo dục, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng một nhà giáo trong xã hội hiện đại cần phải có đủ năng lực chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức, có những xử sự đúng mực với học sinh. Hành vi của 2 cô giáo nói trên gây nên sự phẫn nộ bởi hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh ngành giáo dục.

Ông Khuyến cho rằng cần phải điều tra làm rõ vụ việc trước khi đưa ra phương án kỷ luật đối với 2 cô giáo để việc xử phạt này là đúng quy định pháp luật.

Đồng tình với TS. Lê Viết Khuyến, TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, nếu vụ việc đúng như phản ánh thì 2 cô giáo trong vụ việc nêu trên cần phải bị xử lý nghiêm minh. Theo TS. Thu Hương, cần xem xét đến cả vấn đề chịu trách nhiệm hình sự để trẻ em - mà đặc biệt là các bé ở độ tuổi mầm non được bảo vệ và được sống trong môi trường giáo dục lành mạnh.

TS. Vũ Thu Hương. Ảnh: Internet.

Đối với hình thức kỷ luật, TS. Vũ Thu Hương nhận định nên cho 2 cô giáo ra khỏi ngành giáo dục để làm gương.

Theo TS. Vũ Thu Hương, giáo viên mầm non đầu tiên cần phải có sự yêu mến nghề nghiệp, yêu mến trẻ bởi giáo viên là tấm gương hàng ngày của trẻ. Sự kiềm chế, nhẫn nại, biết cảm thông sẽ giúp giáo viên gần gũi với trẻ hơn, sẽ giúp trẻ không còn thấy sợ khi đến trường.

Đối với trẻ giai đoạn mầm non thì mọi cư xử của trẻ là theo bản năng, thích làm những gì bản thân muốn, chưa hình thành được suy nghĩ logic. Chính vì vậy, một người giáo viên kiên nhẫn, biết cách kiềm chế trước những hành động non trẻ đó sẽ là điều vô cùng quan trọng, mục đích là định hướng lại những suy nghĩ đúng đắn cho trẻ nhỏ.

Bà Hương bày tỏ quan điểm không thể chấp nhận những hành vi gây nguy hiểm cho trẻ em và những hành vi này là tuyệt không được phép xảy ra trong môi trường giáo dục, đặc biệt là với các bé mầm non, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý, nhân cách của các bé sau này.

Những hành vi lệch lạc kể trên có thể khiến cho phụ huynh hiểu nhầm giữa việc xử phạt trong giáo dục và bạo hành trẻ em. Bởi lẽ việc thưởng, phạt các bé trong độ tuổi đi học cũng là điều cần thiết. Việc xử phạt trong giáo dục có thể là yêu cầu các bé ngồi một chỗ, tập thể dục,… những hình thức này không làm ảnh hưởng xấu đến trẻ mà mang tính chất giáo dục.

Bạn đọc N.T.H. (Đống Đa, Hà Nội): Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ; cần công tâm, khách quan. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm hai giáo viên này, kể cả việc xem xét xử lý hình sự.
Bạn đọc L.H. (Thanh Xuân, Hà Nội): Cần loại bỏ ngay hai giáo viên này ra khỏi ngành giáo dục để làm gương. Đồng thời, phải điều tra xử lý việc hành hạ các cháu một cách mất nhân tính. Đây không phải là ứng xử của giáo viên đối với học sinh, đặc biệt là học sinh mầm non. Do đó, cần phải xử lý nghiêm, kể cả việc xử lý hình sự.

MỸ LINH

/cha-me-co-nghia-vu-dai-dien-theo-phap-luat-cho-con-the-nao.html