/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Chuyển trách nhiệm của công ty con cho công ty mẹ theo Tòa án Hoa Kỳ và khuyến nghị cho Luật Doanh nghiệp 2020

Chuyển trách nhiệm của công ty con cho công ty mẹ theo Tòa án Hoa Kỳ và khuyến nghị cho Luật Doanh nghiệp 2020

14/10/2022 15:56 |

(LSVN) - Nền kinh tế Hoa Kỳ đã xuất hiện tình trạng công ty mẹ có hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi gian lận hoặc hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Hành vi lạm dụng này của công ty mẹ đã gây thiệt hại cho các chủ thể khác trong nền kinh tế, đặc biệt là các chủ nợ của công ty con. Để giải quyết tình trạng này, các Tòa án liên bang Hoa Kỳ đã tạo ra học thuyết "Piercing the Corporate Veil" để loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con và quy trách nhiệm cho công ty mẹ đã có hành vi lạm dụng. Bài viết này phân tích cách áp dụng học thuyết "Piercing the Corporate Veil" đối với mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, từ đó đưa ra một số khuyến nghị cho Luật Doanh nghiệp 2020.

Ảnh minh họa.

1. Đặt vấn đề

Tính trách nhiệm hữu hạn là một những nguyên tắc cơ bản của pháp luật công ty; tuy nhiên, tính trách nhiệm hữu hạn cũng có những hạn chế nhất định mà một trong số đó là vấn đề công ty mẹ lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con để phục vụ cho lợi ích của công ty mẹ. Điều này xảy ra là do công ty mẹ vừa là chủ thể thành lập vừa là chủ thể có quyền can thiệp vào tài sản và các quyết định kinh doanh của công ty con. Từ đó, công ty mẹ có thể thao túng cả công ty con để thực hiện các hành vi có lợi cho mình. Hành vi lạm dụng của công ty mẹ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho các chủ thể khác, đặc biệt là các chủ nợ của công ty con. Nhiều nhà nghiên cứu luật học và các Thẩm phán tại Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ đã suy nghĩ và cân nhắc nhiều yếu tố nhằm tìm ra giải pháp để hạn chế vấn đề này và từ đó, học thuyết “Piercing the Corporate Veil” ra đời. Khi áp dụng học thuyết này, Tòa án đã mặc nhiên thừa nhận một ngoại lệ đặc biệt đối với tính trách nhiệm hữu hạn.

Việc áp dụng học thuyết này tạo cơ hội cho các chủ nợ của công ty con có thể khởi kiện và yêu cầu công ty mẹ thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại trực tiếp cho chủ nợ bằng quy trình loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con và quy trách nhiệm cho công ty mẹ đã có hành vi lạm dụng đối với công ty con vì mục đích tư lợi. Bài viết này có bốn phần bao gồm: (i) Khái niệm học thuyết “Piercing the Corporate Veil”; (ii) Cách thức áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” đối với mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con tại Tòa án Hoa Kỳ; (iii) Những điểm chưa hoàn thiện của Luật Doanh nghiệp 2020 so với học thuyết “Piercing corporate veil”; (iv) Khuyến nghị cho Luật Doanh nghiệp 2020.

2. Khái niệm học thuyết “Piercing the Corporate Veil”

“Piercing corporate veil” (dịch nguyên văn là “xuyên qua bức màn che công ty”) được định nghĩa theo từ điển Black Law là: “Judicial process whereby court will disregard usual immunity of corporate officers or entities from liability for corporate activities” (1). “Xuyên qua bức màn che công ty” được hiểu là một thủ tục mà Tòa án không thừa nhận đặc quyền thông thường về trách nhiệm của các nhà quản lý hoặc người góp vốn đối với các hoạt động của công ty. Một cách ngắn gọn hơn thì “xuyên qua bức màn che công ty” là việc nhìn nhận quyền và nghĩa vụ của công ty con chính là quyền và nghĩa vụ của công ty mẹ nếu công ty mẹ có hành vi lạm dụng đối với công ty con vì mục đích tư lợi (2).

Ở Việt Nam, một học giả đã cho rằng: “Theo học thuyết xuyên màn che, trong một số trường hợp nhất định, ví dụ sự vi phạm pháp luật hoặc để đảm bảo công bằng cho các bên liên quan hoặc công ty được cho là trở thành công cụ tư lợi của chủ sở hữu và gây hại cho bên thứ ba, Tòa án có thể không chấp nhận sự độc lập về mặt pháp lý của công ty với tư cách là một pháp nhân mà yêu cầu thành viên/cổ đông của nó có trách nhiệm cá nhân với các nghĩa vụ nợ của công ty” (3).

Từ những định nghĩa trên, tác giả cho rằng học thuyết “Piercing corporate veil” là một quy trình pháp lý loại bỏ tư cách pháp nhân của một công ty con và quy trách nhiệm cho công ty mẹ đã lợi dụng tư cách pháp nhân của công ty con để thực hiện các hành vi tư lợi, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức khác.

3. Cách thức áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” đối với mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con tại Tòa án Hoa Kỳ

Đối với mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con, có ba yếu tố quan trọng nhất để áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil”, đó là:

Yếu tố (1): Không có sự độc lập giữa công ty mẹ và công ty con, sự tồn tại của công ty con là để phục vụ lợi ích của công ty mẹ (học thuyết “instrumentiality”).

Yếu tố (2): Công ty mẹ lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con để thực hiện các hành vi gian lận, hành vi vi phạm pháp luật.

Yếu tố (3): Có thiệt hại thực tế xảy ra đối với các chủ thể khác bởi hành vi lạm dụng của công ty mẹ.

3.1. Yếu tố (1) về Học thuyết “instrumentiality” về tính độc lập giữa công ty mẹ và công ty con

Đối với yếu tố (1), học thuyết “instrumentiality” đề cập đến “tính công cụ” nhằm xem xét tính độc lập trong mối quan hệ của công ty mẹ và công ty con (5). Khi công ty con chỉ tồn tại như “một công cụ”, không có tài sản riêng, không có các trang thiết bị riêng, không có trụ sở chính thức, không có các văn phòng làm việc, không có nhân viên được thuê bởi công ty con,… mà tất cả những vấn đề này đều được cung cấp, hỗ trợ, chi phối bởi công ty mẹ thì học thuyết “instrumentiality” được áp dụng. Theo quan điểm của Wormser, yếu tố (1) sẽ được xác nhận rõ khi “một công ty phụ trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty mẹ thì đó chỉ là một cơ quan đơn thuần hoặc công cụ để lợi dụng hoặc chỉ là một trò giả mạo để trốn tránh một nghĩa vụ pháp lý hiện có” (6). 

Trong vụ “Shapoff v. Scull”, Tòa án phát hiện ra rằng sự thống trị của công ty mẹ đối với công ty con đã hoàn toàn chi phối dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đã thỏa thuận với Shapoff. Cụ thể hơn, bị đơn John Scull khi điều hành công ty con là “SERJ Corporation” (“SERJ”) đã hoàn toàn bị chi phối bởi người quản lý của công ty mẹ là “Christopher Boomis”. Công ty con trong trường hợp này hoàn toàn không có vốn đầu tư, chỉ nhận hỗ trợ từ công ty mẹ “Boomis” và việc tham gia dự án hoàn toàn là do “Boomis” kiểm soát. Khi có mâu thuẫn xảy ra, “Boomis” không tiếp tục cung cấp tài chính (không thực hiện ký quỹ cho dự án như đã thỏa thuận trước đó) cho công ty con là “SERJ”, điều này dẫn đến dự án bị đình trệ và Shapoff bị thiệt hại đối với khoản tiền đã đầu tư vào hợp đồng. Từ những tình tiết này, Thẩm phán đã lập luận rằng sự tồn tại của “SERJ” chỉ như là một công cụ để “Boomis” thực hiện các dự án của công ty mẹ và khi có thiệt hại xảy ra thì “Boomis” từ chối vai trò hỗ trợ tài chính đối với công ty con, trong khi tài sản và quyền quyết định của công ty con đều phải nghe theo chỉ đạo của công ty mẹ. Do đó, phán quyết đã yêu cầu công ty “Boomis” bồi thường thiệt hại theo hợp đồng là $55,000, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là $50,000 và phạt vi phạm là $300,000 (7).

Để cụ thể hóa các tiêu chí liên quan đến học thuyết “instrumentiality”, Giáo sư Frederick Powell đã liệt kê một số tiêu chí cụ thể (được gọi là “quy tắc Powell”) bao gồm:

“(a) Tất cả hoặc hầu hết cổ phiếu của công ty con thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ;

(b) Chỉ có một hội đồng quản trị từ công ty mẹ có chức năng quản lý và tài trợ cho công ty con;

(c) Đăng ký vốn độc quyền bởi công ty mẹ hoặc thành lập công ty con bởi công ty mẹ;

(d) Vốn hoạt động của công ty con hoàn toàn không đủ;

(e) Công ty mẹ chi trả các chi phí hoặc tổn thất cho công ty con, bao gồm cả tiền lương;

(f) Không có hoạt động kinh doanh độc lập, đáng kể nào của công ty con ngoại trừ với công ty mẹ;

(g) Tài sản của công ty con hoàn được cung cấp bởi công ty mẹ;

(h) Mô tả về công ty con trong tài liệu nội bộ của công ty mẹ như một đơn vị của công ty mẹ hoặc mô tả về chủ thể chịu trách nhiệm kinh doanh hoặc tài chính của công ty con là công ty mẹ;

(i) Sử dụng tài sản của công ty con như thể thuộc sở hữu của công ty mẹ;

(j) Sự thiếu độc lập của hội đồng quản trị hoặc ban quản lý của công ty con — công ty con chỉ là cơ quan thực hiện các mệnh lệnh vì lợi ích của công ty mẹ;

(k) Thiếu tuân thủ các thủ tục để thành lập công ty con”. (8)

Một số tiêu chí nêu trên đã được áp dụng trong vụ “Berkey v. Third Avenue Railway Co.” Trong vụ án này, nguyên đơn Berkey đã phải chứng minh là liệu công ty mẹ và công ty con của bị đơn có thực sự là các doanh nghiệp độc lập hay không. Khi đưa ra quyết định của mình, Tòa án đã xem xét tiêu chí (g) và (i) là liệu tài sản trong vụ việc là thuộc về công ty mẹ hay công ty con theo các yếu tố như báo cáo thường niên. Tòa án cũng đã xem xét tiêu chí (j) về tính độc lập của người quản lý của công ty con là liệu hoạt động của các chức danh quản lý trong công ty con có phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ hay không. Việc xác định các tiêu chí này là nhằm xác định quyền tự chủ của cả hai doanh nghiệp, bao gồm tính độc lập trong hoạt động, chi phí hoạt động và khả năng thanh toán, sự tồn tại của các khoản vay liên công ty, tài khoản ngân hàng độc lập và các hoạt động ngân hàng khác. “Những tiêu chí để chứng minh sự chi phối hoàn toàn và sự can thiệp quá mức với một công ty con đã được sử dụng để xem xét” liệu công ty mẹ có phải là chủ sở hữu và công ty con có phải chỉ là đại lý mang tính đại diện cho công ty mẹ hay không. Nhận thấy rằng công ty mẹ của bị đơn không đáp ứng được các tiêu chuẩn về sự độc lập và tách biệt tài sản, Thẩm phán của vụ việc đã quyết định áp dụng học thuyết “xuyên màn che trách nhiệm hữu hạn công ty” nhằm bảo vệ nguyên đơn Berkey (9). 

Vào năm 1978, hai học giả Cathy và James Krendl đã đề xuất một phiên bản sửa đổi, bổ sung đối với danh sách các tiêu chí để áp dụng học thuyết “instrumentality” của Giáo sư Powell. Bản trình bày sửa đổi này đã liệt kê một số tiêu chí cần xem xét như sau:

“(a) Cổ đông không phải là một bên trong hợp đồng của công ty.

(b) Công ty con không được cấp vốn.

(c) Công ty con không hoạt động và bị thâm hụt vốn trong khi công ty mẹ đang có lãi.

(d) Ý chí của các chủ nợ không có sự nhầm lẫn về việc đang giao dịch với công ty con hay công ty mẹ hay bất cứ thành viên nào trong nhóm công ty của các công ty không bị nhầm lẫn về việc họ đang giao dịch với công ty nào.

(e) Các chủ nợ không hiểu nhầm về sức mạnh tài chính của công ty con.

(f) Nhân viên của công ty mẹ và công ty con là riêng biệt và công ty mẹ không thuê và sa thải nhân viên của công ty con.

(g) Bảng lương của công ty con do công ty con trả và mức lương do công ty con quy định.

(h) Quan hệ lao động của hai công ty được xử lý riêng biệt và độc lập.

(i) Công ty mẹ và công ty con duy trì các văn phòng và số điện thoại riêng biệt.

(j) Các cuộc họp riêng của các giám đốc được tiến hành.

(k) Công ty con lưu giữ các sổ sách và hồ sơ tài chính chứa các bút toán chỉ liên quan đến hoạt động của công ty con.

(l) Công ty con có tài khoản ngân hàng riêng.

(m) Thu nhập của công ty con không được phản ánh trên các báo cáo tài chính của công ty mẹ.

(n) Các công ty không khai thuế chung.

(o) Công ty con tự thương lượng các khoản vay hoặc tài trợ khác.

(p) Công ty con không vay tiền từ công ty mẹ.

(q) Các khoản cho vay và các giao dịch tài chính khác giữa công ty mẹ và công ty con được lập thành tài liệu thích hợp và được thực hiện theo nguyên tắc giá thị trường (“nguyên tắc chiều dài cánh tay – arm's length principle”).

(r) Công ty mẹ không bảo đảm các khoản vay của công ty con hoặc đảm bảo bất kỳ khoản vay nào bằng tài sản của công ty mẹ.

(s) Thu nhập của công ty con chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập của công ty mẹ.

(t) Bảo hiểm của hai công ty được duy trì riêng biệt và mỗi công ty tự trả phí bảo hiểm.

(u) Hoạt động mua hàng của hai tập đoàn được xử lý riêng biệt.

(v) Hai công ty tránh quảng cáo như một hoạt động chung hoặc các mối quan hệ công chúng khác cho thấy rằng họ là cùng một tổ chức.

(w) Công ty mẹ và công ty con tránh coi nhau như một gia đình, một tổ chức hoặc như các bộ phận của nhau.

(x) Thiết bị và hàng hóa khác của công ty mẹ và công ty con là riêng biệt.

(y) Có tồn tại sự trao đổi tài sản hoặc nợ phải trả giữa công ty mẹ - công ty con, giữa cổ đông kiểm soát và công ty cổ phần.

(z) Không có hợp đồng nào giữa công ty mẹ và công ty con liên quan đến việc mua hàng hóa và dịch vụ từ mỗi bên…”. (10)

Tuy nhiên, trong bảng liệt kê này của Cathy và James Krendl, không phải tiêu chí nào cũng phù hợp để áp dụng và một số tiêu chí chưa từng được các Tòa án áp dụng bao giờ. Chẳng hạn như các tiêu chí (o), (p) không được các Tòa án tại Hoa Kỳ chấp nhận bởi công ty con hoàn toàn có thể thực hiện một hợp đồng vay với công ty mẹ. Đặc biệt là khi hành vi cho vay nợ này không gây ra bất cứ thiệt hại gì đến các chủ thể khác thì không có lý do gì để xem đây là một hành vi thao túng gây phương hại cho công ty con, chủ nợ. Vì vậy, danh sách 31 tiêu chí này chỉ mang tính tham khảo và các Tòa án thường cân nhắc, chọn lọc, suy xét các tình tiết thực tế để giải quyết một vụ việc. Về cơ bản, các tiêu chí được liệt kê bởi Giáo sư Frederick Powell thường mang tính chính xác và phù hợp để áp dụng trong các vụ việc hơn.

3.2. Yếu tố (2) về công ty mẹ lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con để thực hiện các hành vi gian lận, hành vi vi phạm pháp luật

Về yếu tố (2), hành vi lạm dụng của công ty mẹ đối với tư cách pháp nhân của công ty con phải nhằm mục đích thực hiện các hành vi gian lận, hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích của công ty mẹ. Khác với trường hợp áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” đối với người góp vốn là cá nhân, việc áp dụng học thuyết đối với mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con đòi hỏi các hành vi gian lận thực tế, thay vì các ý định gian lận.

Trong vụ “United States. v. Reading Co.”, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho rằng các hành vi vi phạm pháp luật để trốn tránh trách nhiệm trong quan công ty mẹ - công ty con sẽ không được dung thứ (11). Vụ việc này liên quan đến một công ty mẹ (“Reading Co.” thuộc lĩnh vực đường sắt) đã nắm quyền sở hữu hoàn toàn một công ty con (thuộc lĩnh vực than đá). Bởi vì “Reading Co.” đang tiến hành cả hoạt động khai thác than và dịch vụ vận chuyển đường sắt giữa các tiểu bang, Tòa án đã cho rằng việc cố ý nắm giữ công ty con để thao túng cả hai lĩnh vực hoạt động đã vi phạm quy định về “chống độc quyền” của pháp luật liên bang. Do công ty con trong trường hợp này đã được sử dụng một cách gian lận bởi công ty mẹ nhằm mục đích vi phạm pháp luật và Tòa án đã không dung thứ cho hành vi gian lận này. Tòa án sau đó đã phán quyết tất cả các pháp nhân đang được nắm giữ bởi công ty mẹ chỉ được xem là một “thực thể duy nhất” và trách nhiệm của các pháp nhân này đều thuộc về công ty mẹ. Vụ việc này cho thấy rằng hành vi gian lận của bị đơn đã được thực hiện một cách cụ thể thông qua hoạt động khai thác than và dịch vụ vận chuyển đường sắt giữa các tiểu bang. Nếu “Reading Co.” chỉ thao túng các công ty con nhưng chưa thực hiện bất kỳ hành vi gian lận hay hành vi vi phạm pháp luật nào hoặc chỉ mới có ý định gian lận mà chưa có hành vi trên thực tế thì Tòa án không thể áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” để quy trách nhiệm của các công ty con cho công ty mẹ.

3.3. Yếu tố (3) về thiệt hại thực tế xảy ra đối với các chủ thể khác bởi hành vi lạm dụng của công ty mẹ

Liên quan đến yếu tố (3), việc áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” đối với mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con cũng yêu cầu thiệt hại thực tế thay vì bao gồm cả các thiệt hại về tinh thần như trường hợp áp dụng học thuyết đối với người góp vốn là cá nhân.

Trong vụ kiện “Schlecht v. Equitable Builders, Inc.”, Equitable là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của bị đơn là A.E.C.G., dba Gem Building Components, Ltd. - một tập đoàn ở California (gọi tắt là “Gem”). Các nguyên đơn cáo buộc rằng Equitable đã bị Gem kiểm soát mọi hành động và mọi quyết định của Equitable đều nghe theo lệnh của Gem. Equitable hoàn toàn không có sự độc lập và sự tồn tại của công ty này đều phụ thuộc vào quyết định của Gem. Các nguyên đơn còn cáo buộc rằng Gem đã làm cho Equitable chuyển giao toàn bộ tài sản của Equitable vào khối tài sản của Gem vào ngày 31/12/1970. Gem đã mua lại tất cả các tài sản và nợ phải trả của Equitable và sau đó tiếp tục điều hành kinh doanh trong cùng một cơ sở như cũ. Các nguyên đơn còn cáo buộc rằng Gem đã cố tình chuyển các tài sản của Equitable sang Gem với mục đích cản trở, trì hoãn và lừa gạt các chủ nợ hiện tại và không quan tâm đến uy tín của Equitable. Do đó, nguyên đơn yêu cầu loại bỏ tư cách pháp nhân của Equitable và quy trách nhiệm thanh toán nợ cho Gem. Tuy nhiên, Tòa án nhận định rằng mặc dù Gem có thể đã cho Equitable vay một số khoản tín dụng để đảm bảo cho các khoản nợ khác nhưng không có bằng chứng nào cho thấy quyền lợi của nguyên đơn bị ảnh hưởng bởi hành vi đó. Trên thực tế, bằng chứng có xu hướng chứng minh điều ngược lại. Việc Gem cho Equitable vay tiền để vốn của Equitable nâng lên đủ mức đáp ứng điều kiện đảm bảo trong thỏa thuận vay với các nguyên đơn là điều không vi phạm pháp luật. Thậm chí, khoản cho vay của Gem đã giúp Equitable trả cho các chủ nợ một khoản tiền là 82.662 đô la, trong đó có 30.800 đô la là trả cho các nguyên đơn trong vụ kiện này. Do đó, hành vi hỗ trợ tài chính của Gem không gây ra bất cứ thiệt hại thực tế nào đối với các nguyên đơn của vụ kiện. Vì vậy, Tòa án đã không đồng ý áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” để loại bỏ tư cách pháp nhân của Equitable, không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn về việc quy trách nhiệm đối với công ty mẹ là Gem (12). Từ vụ việc này, có thể thấy yếu tố (3) liên quan đến thiệt hại thực tế là vô cùng quan trọng vì dù công ty mẹ có thực sự thao túng các hoạt động của công ty con nhưng nếu không gây ra thiệt hại thực tế đối với các chủ thể khác thì cũng không thể áp dụng học thuyết “xuyên màn che trách nhiệm hữu hạn công ty”.

3.4. Đánh giá các yếu tố áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” đối với mối quan hệ công ty mẹ - công ty con

Thông qua một số án lệ nêu trên, có thể thấy ba yếu tố quan trọng để áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil” đối với mối quan hệ công ty mẹ - công ty con phải được cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng bởi Tòa án. Các tiêu chí của mỗi yếu tố sẽ được xác định cụ thể đối với mỗi vụ việc tương ứng. Chỉ khi đáp ứng được cả ba yếu tố chính thì Tòa án mới ra phán quyết áp dụng học thuyết để loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con và quy trách nhiệm cho công ty mẹ, đặc biệt là khi công ty con chỉ tồn tại như một công cụ để công ty mẹ trục lợi hoặc trốn tránh trách nhiệm của mình, Một điều chắc chắn là nếu Thẩm phán xem xét một trường hợp và thấy các tình tiết đã đáp ứng đủ ba tiêu chí thì công ty mẹ cũng phải chịu trách nhiệm cho nghĩa vụ của công ty con bởi không tồn tại tư cách pháp nhân đối với công ty con (13). Có thể thấy, các Tòa án Hoa Kỳ áp dụng một cách cẩn trọng học thuyết “Piercing corporate veil” khi phải có những bằng chứng đáp ứng ba yếu tố quan trọng đối với trường hợp của công ty mẹ và công ty con.

Sự tồn tại của học thuyết này đã giúp cho văn hóa khởi kiện tại Hoa Kỳ phát triển nhằm bảo vệ hiệu quả hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ khỏi những hành vi lạm dụng của công ty mẹ đối với hàng loạt các công ty con để thực hiện các hành vi gian lận, hành vi vi phạm pháp luật. Sự thành công của những vụ kiện liên quan đến mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con là sự nhắc nhở của Tòa án đối với các thương nhân trong quá trình thành lập doanh nghiệp, góp vốn, quản trị nhóm công ty sao cho đúng với các quy định của pháp luật. Đối với trường hợp áp dụng học thuyết đối với nhóm công ty, Tòa án tại Hoa Kỳ dường như có sự xem xét nghiêm ngặt và kỹ lưỡng hơn so với trường hợp áp dụng học thuyết đối với người góp vốn là cá nhân.

4. Những điểm chưa hoàn thiện của Luật Doanh nghiệp 2020 so với học thuyết “Piercing corporate veil”

Nhìn chung, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những quy định nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau nhưng chưa có bất kỳ quy định nào thể hiện sự đầy đủ để áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil”. Hiện tượng lợi dụng “màn che” của công ty rõ ràng là có xuất hiện trên thực tế nhằm mục đích gian lận, trục lợi, gây thiệt hại cho người khác và trốn tránh nghĩa vụ cá nhân. Một số công ty con chỉ tồn tại như một công cụ để công ty mẹ có thể “lợi dụng” nhằm thực hiện một số hoạt động nào đó có lợi trong một giai đoạn nhưng sau đó sẽ nhanh chóng phá sản và gây thiệt hại cho bên thứ ba.

Điểm không tương thích đáng chú ý giữa Luật Doanh nghiệp Việt Nam và học thuyết “Piercing corporate veil” ở Hoa Kỳ là pháp luật Việt Nam đang tập trung vào lợi ích của công ty. Đối với trường hợp của mối quan hệ công ty mẹ - công ty con, pháp luật chỉ chú trọng lợi ích của công ty con khi chỉ đề cập đến việc công ty mẹ bồi thường thiệt hại cho công ty con phải chịu hành vi thao túng, lạm dụng từ công ty mẹ.

Trong khi đó, học thuyết “Piercing corporate veil” lại hướng đến lợi ích của các chủ thể khác nhiều hơn, đặc biệt là lợi ích của chủ nợ. Học thuyết vẫn dành sự quan tâm cho lợi ích của công ty con trong trường hợp áp dụng đối với công ty mẹ. Tuy nhiên, lợi ích của công ty con vốn dĩ được xem xét là để đảm bảo cho lợi ích của những chủ thể khác đang chịu thiệt hại. Khi một chủ nợ cho một công ty con vay nhưng sau đó không được thanh toán nợ, công ty mẹ trong trường hợp này đã lạm dụng công ty con để thực hiện hành vi vay tiền đó.

Như vậy, nếu công ty mẹ phải chịu trách nhiệm với công ty con bằng việc trả lại khoản lợi thu được từ giao dịch và thiệt hại có thể xảy ra đối với công ty con thì sau đó, công ty con cũng phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm thanh toán nợ đối với bên cho vay. Học thuyết hướng đến việc loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con là nhằm ngăn chặn trường hợp công ty mẹ, ngay từ ban đầu, đã cố tình lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con để trục lợi cho riêng mình. Khi đã cố ý trục lợi, công ty mẹ sẽ không thể nào nghĩ đến lợi ích của công ty con để trả lại cho công ty con khoản nợ đã vay từ một bên thứ ba. Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ mới tiếp cận ở góc độ lợi ích của công ty con mà chưa nghĩ đến lợi ích của chủ nợ hoặc một bên thứ ba khác có thể bị thiệt hại bởi hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty mẹ.

Ưu điểm của học thuyết “Piercing corporate veil” là đã giới hạn được trường hợp này khi loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con và quy trách nhiệm cho công ty mẹ. Giả định việc thoái vốn của công ty mẹ dẫn đến công ty con rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, các chủ nợ trong tình huống này cần yêu cầu công ty mẹ phải trả nợ bằng toàn bộ tài sản hay chỉ thanh toán trong số vốn đã rút khỏi công ty con trước đó. Về mặt bản chất, nếu theo học thuyết “xuyên màn che trách nhiệm hữu hạn” thì toàn bộ tài sản của công ty con nếu đã hoàn toàn thuộc tài sản của công ty mẹ và chịu sự thao túng thì công ty con không có tư cách pháp nhân độc lập và điều này dẫn đến việc công ty con sẽ bị loại bỏ tư cách pháp nhân, do đó công ty mẹ phải trả nợ bằng toàn bộ tài sản của mình.

Ngược lại, khoản 5, Điều 196, Luật Doanh nghiệp lại hướng đến việc “yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con” chứ không phải là đền bù thiệt hại cho nguyên đơn trong vụ kiện. Như vậy, quy định này chỉ nhằm mục đích giúp công ty con khởi kiện công ty mẹ nhưng điều này thật bất khả thi trên thực tế do những người quản trị công ty con ít nhiều cũng là được quyết định bởi công ty mẹ và do đó, chủ nợ hay các cổ đông thiểu số muốn khởi kiện thì sẽ không thể có được sự ủng hộ của công ty con và cũng sẽ không tìm được những bằng chứng phù hợp để chứng minh trong quá trình khởi kiện. Quy định tại Điều 196 của Luật Doanh nghiệp 2020 cũng còn thiếu sót khi không đề cập đến những chủ thể khác có thể bị thiệt hại về lợi ích như những chủ thể bị thiệt hại ngoài hợp đồng, người lao động có thể bị phương hại về quyền lợi khi mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con thực chất chỉ là một sự thao túng.

Chẳng hạn như xem xét lại án lệ “United States. v. Reading Co.” (được phân tích ở mục 3), nếu áp dụng Luật Doanh nghiệp 2020 để giải quyết vụ việc này thì các bên thứ ba trong mối quan hệ với các công ty con sẽ không được bảo vệ. Khoản 5, Điều 196, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3, Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con”. Nếu áp dụng điều khoản này, các chủ nợ của các công ty con phải yêu cầu “Reading Co.” đền bù thiệt hại cho các công ty con. Tuy nhiên, việc chứng minh “Reading Co.” đã gây ra thiệt hại cho các công ty con là hoàn toàn khó khăn. Việc tìm chứng cứ và tài liệu từ các công ty con sẽ gặp trở ngại bởi sự quản lý, kiểm soát hoàn toàn từ “Reading Co.”. Như vậy, nếu áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 vào án lệ này thì các chủ nợ và các bên bị thiệt hại sẽ không được bảo vệ bởi không thể quy trách nhiệm cho công ty mẹ một cách trực tiếp mà phải thông qua một cơ chế trung gian là yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các công ty con, nhưng việc chứng minh thiệt hại của các công ty con không phải là một việc khả thi.

Liên quan đến hành vi lạm dụng và chi phối của công ty mẹ, các Tòa án Hoa Kỳ sẽ xem xét mức độ chi phối thực tế của công ty mẹ đối với công ty con theo từng vụ việc để quyết định việc áp dụng học thuyết “Piercing corporate veil”. Tuy nhiên, quy định của pháp luật Việt Nam chỉ thể hiện việc chi phối của công ty mẹ thông qua hành vi quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con và hành vi quyết định các chức danh điều hành, quản lý công ty con; những trường hợp khác như chi phối các hợp đồng vay hay chiến lược, sách lược kinh doanh của công ty con không được đề cập cụ thể. Tác giả cho rằng pháp luật thiếu một định nghĩa chung về hành vi lạm dụng, chi phối của công ty mẹ vì hệ thống pháp luật Việt Nam không giống với Hoa Kỳ là có thể áp dụng tiền lệ pháp để xét xử cho một vụ việc. Việc quy định những tiêu chí đơn lẻ như hiện nay sẽ có thể bỏ sót những hành vi lạm dụng, chi phối khác của công ty mẹ đối với công ty con.

5. Khuyến nghị cho Luật Doanh nghiệp 2020

Đầu tiên, Luật Doanh nghiệp cần bổ sung các yếu tố chính để có thể loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty trong trường hợp áp dụng đối với người góp vốn và loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con trong trường hợp áp dụng đối với công ty mẹ. Cụ thể hơn, các nhà làm luật cần tiếp cận ở góc độ bản chất của học thuyết “Piercing corporate veil” bao gồm hai bước cơ bản là loại bỏ tư cách pháp nhân và sau đó quy trách nhiệm cho những cá nhân, tổ chức có hành vi lạm dụng, gây ra thiệt hại cho các chủ thể khác. Có thể tiếp cận các ba yếu tố quan trọng trong việc áp dụng học thuyết của Hoa Kỳ. Các yếu tố cần được bổ sung đối với trường hợp công ty mẹ - công ty con là: Không có sự độc lập giữa công ty mẹ và công ty con, sự tồn tại của công ty con là để phục vụ lợi ích của công ty mẹ (học thuyết “instrumentiality”); Công ty mẹ lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty con để thực hiện các hành vi gian lận, hành vi vi phạm pháp luật; Có thiệt hại thực tế xảy ra đối với các chủ thể khác bởi hành vi lạm dụng của công ty mẹ.

Khi thay đổi cách tiếp cận theo ba yếu tố quan trọng của mỗi trường hợp áp dụng, Luật Doanh nghiệp Việt Nam có thể hướng đến việc loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty và sau đó quy trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi lạm dụng để gian lận, trục lợi, vi phạm pháp luật. Việc bổ sung ba yếu tố chính cho mỗi trường hợp áp dụng sẽ giúp Tòa án có thêm cơ sở trong quá trình xử lý vụ việc liên quan vấn đề lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty và bảo vệ được các chủ nợ một cách tốt hơn. Khi các yếu tố quan trọng của học thuyết được minh thị hóa trong Luật Doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho các bên yếu thế có thể khởi kiện để yêu cầu loại bỏ tư cách pháp nhân của công ty con và quy trách nhiệm cho công ty mẹ đã thao túng doanh nghiệp, thực hiện các hành vi gian lận nhằm mục đích tư lợi và tẩu tán tài sản khiến các chủ nợ không thể truy đòi nợ từ tài sản của công ty con.

Thứ hai, nếu không tiếp cận học thuyết “Piercing corporate veil” theo các yếu tố chung thì có thể bổ sung khoản 5 Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020 theo hướng tập trung vào lợi ích của các chủ thể khác (đặc biệt là chủ nợ) thay vì lợi ích của công ty con. Sự bổ sung có thể theo hướng cụ thể như sau:

“Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con hoặc đền bù thiệt hại trực tiếp cho các chủ nợ của công ty con”.

Những quy định này cần chú trọng đến việc bảo vệ chủ nợ và bồi thường thiệt hại cho họ. Khi công ty mẹ, ngay từ ban đầu, đã có ý định thành lập công ty con chỉ để thực hiện các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích của công ty mẹ thì chắc hẳn sẽ không thực hiện việc bồi thường cho công ty con để sau đó công ty con bồi thường thiệt hại với chủ nợ. Quy định của Luật Doanh nghiệp có một vướng mắc là chỉ khi việc bồi thường của công ty mẹ cho công ty con đã hoàn tất thì sau đó chủ nợ phải thực hiện thêm một bước yêu cầu bồi thường thiệt hại từ công ty con. Quá trình này hoàn toàn gây bất lợi cho phía các chủ nợ của công ty con, đặc biệt là trong trường hợp nhóm công ty được thao túng chỉ bởi một cá nhân thì việc công ty mẹ bồi thường cho công ty con chỉ mang tính hình thức hoặc thậm chí cá nhân thao túng toàn bộ các pháp nhân này không còn bất kỳ tài sản nào để thanh toán nợ thì lúc này chủ nợ cũng không thể làm gì khác được. Một điểm bất cập khác chính là quá trình chứng minh sự can thiệp của công ty mẹ đối với công ty là một việc không dễ dàng và việc chứng minh các thiệt hại mà công ty con phải chịu lại càng khó khăn hơn.

Vì vậy, tác giả đề xuất việc sửa đổi các điều luật liên quan đến việc quy trách nhiệm cho người góp vốn và công ty mẹ trong Luật Doanh nghiệp 2020 theo hướng chủ nợ có thể trực tiếp khởi kiện các cá nhân và công ty mẹ để yêu cầu bồi thường các thiệt hại và thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tòa án của Hoa Kỳ trong trường hợp nhóm công ty đã nhìn nhận sâu hơn khi một cá nhân thao túng tất cả các pháp nhân trong nhóm công ty thì buộc cá nhân này phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với tất cả các doanh nghiệp đã bị thao túng. Luật Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần bổ sung thêm lưu ý này vì cá nhân nắm quyền kiểm soát này vẫn sẽ được bảo vệ bởi tính trách nhiệm hữu hạn của công ty mẹ nếu chỉ chịu trách nhiệm liên đới.

6. Kết luận

Pháp luật Việt Nam chưa có nhiều ngoại lệ đối với tính trách nhiệm hữu hạn và chưa có các quy định bảo vệ lợi ích của các chủ nợ. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng thể hiện những nhược điểm so với học thuyết, đặc biệt là khuyết điểm thể hiện ở việc tập trung bảo vệ lợi ích của công ty con nhiều hơn so với bảo vệ lợi ích của các chủ thể bị thiệt hại khác. Luật Doanh nghiệp 2020 có thể tiếp cận học thuyết “Piercing corporate veil” theo cách mà Tòa án Hoa Kỳ đã áp dụng theo các yếu tố chung hoặc có thể bổ sung khoản 5, Điều 196 theo hướng bảo vệ lợi ích của chủ nợ nhiều hơn.

Tài liệu tham khảo

(1) “Black Law Dictionary”, special deluxe fifth edition, p.1033.

(2) Dahal, Rajib (2018), “Salomon v. Salomon: Its Impact on Modern Laws on Corporations”, SSRN Electronic Journal, p.16.

(3) Trương Nhật Quang (2016), “Pháp Luật Về Doanh Nghiệp – Các Vấn Đề Pháp Lý Cơ Bản”, NXB Dân trí, Hà Nội, Trang 128-129.

(4) Frederick J. Powell (1931), Parent and Subsidiary Corporations: Liability of A Parent Corporation for The Obligations of Its Subsidiary, Callaghan Publisher, p.30-33.

(5) Scott L. Hoffman (2007), The Law and Business of International Project Finance - A Resource for Governments, Sponsors, Lawyers, and Project Participants, Cambridge University Press.

(6) Maurice Wormser (1912), Piercing the Veil of Corporate Entity, 12 COLUM. L. REV. 496.

(7) “Shapoff v. Scull”, 222 Cal. App. 3d 1457 (Cal. Ct. App. 1990).

(8) Frederick J. Powell (1931), tlđd, tr.88-93.

(9) “Berkey v. Third Ave. Ry. Co.”, 244 N.Y. 84, 95 (Ct. App. N.Y. 1926).

(10) Cathy S Krendl & James R Krendl (1978), “Piercing the Corporate Veil: Focusing the Inquiry”, Denver Law Review, Volume 55, Issue 1, Article 3.

(11) “U.S. v. Reading Co.”, 226 U.S. 324, 355 (1912).

(12) “Schlecht v. Equitable Builders, Inc.”, 535 P.2d 86 (Or. 1975)

(13) Smith v. McLeod Distributing, Inc., 744 N.E.2d 459, 464-65 (Ind. Ct. App. 2000).

TRẦN NGUYỄN PHƯỚC THÔNG

Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư thương mại quốc tế

Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp

Tội ‘Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả’: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Lê Minh Hoàng