Ảnh minh họa.
Một số vấn đề chung về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
Trước khi bàn đến các yếu tố cấu thành tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, chúng ta không thể bỏ qua một khái niệm quan trọng liên quan đến tội danh này, đó là “tiền giả”. Sản xuất, sử dụng tiền giả là một hình thức gian lận, giả mạo. Tiền giả đã có song song với tiền thật ngay từ lúc còn sơ khai. Tiền mạ kim loại (được gọi là Fourrées) là tiền giả của tiền kim loại Lydian được cho là một trong những đồng tiền giả đầu tiên của phương Tây(1). Tiền giả là tiền được sản xuất mà không có chế tài pháp lý của nhà nước hoặc chính phủ(2). Như vậy, ở góc độ lý luận, cho đến nay có khá nhiều khái niệm khác nhau về tiền giả, sở dĩ có thực trạng như vậy là do mỗi học giả lại có cách tiếp cận, luận giải và tư duy khái quát khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, để khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử bị can, bị cáo về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, các cơ quan tố tụng đã và đang áp dụng khái niệm về “tiền giả” được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành cho dù các khái niệm này hiện nay còn tồn tại một số vấn đề cần được xem xét.
Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Chính phủ đưa ra khái niệm tiền giả như sau: “Tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành”. Trong khi đó, khái niệm tiền giả tại điểm 3 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có nội hàm rộng hơn, cụ thể là tiền giả bao gồm “Tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam”(3). Khái niệm tiền giả gần đây được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN ngày 05/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước và gần như trùng khít với khái niệm tiền giả được quy định tại Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN còn quy định “Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản”. Như vậy, đây chính là các văn bản pháp luật quan trọng đưa ra khái niệm tiền giả và các văn bản còn hiệu lực pháp luật là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng nhằm xử lý các hành vi “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.
Do tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này cho xã hội nên pháp luật hiện hành quy định chế tài rất nghiêm khắc đối với các hành vi liên quan đến làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định “Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm”. Điểm a khoản 1 Điều 8 và điểm d, e khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2019 quy định hành vi rao bán tiền giả trên mạng internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Điều 180 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả”như sau:
“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Trên cơ sở kế thừa Điều 180 BLHS năm 1999, Điều 207 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”, cụ thể:
“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Về cơ bản, Điều 207 BLHS năm 2015 được kết cấu gồm 5 khoản: Khoản 1 mô tả các dấu hiệu pháp lý của tội phạm và quy định khung hình phạt cơ bản; khoản 2, 3 quy định khung hình phạt áp dụng tương ứng với giá trị số tiền giả; khoản 4 quy định khung hình phạt áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội; khoản 5 quy định hình phạt bổ sung.
Khi so sánh khái niệm tiền giả giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, có thể thấy là BLHS năm 2015 không đưa đối tượng “ngân phiếu giả, công trái giả” vào tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”. Các nội dung về ngân phiếu giả, công trái giả trước đây được quy định tại Điều 180 BLHS năm 1999 nay được quy định tại Điều 208 BLHS năm 2015 tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác”. Hơn thế nữa, Điều 207 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa hơn so với Điều 180 BLHS năm 1999 thể hiện ở việc quy định khung hình phạt tương ứng với số lượng tiền mà người phạm tội đã thực hiện. Điểm đặc biệt của BLHS năm 2015 về vấn đề này là nhà làm luật đã dự liệu và quy định trường hợp “chuẩn bị phạm tội” đối với tội danh này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nhằm mục đích ngăn chặn một cách triệt để nhất có thể đối với loại tội phạm này.
Những tồn tại, bất cập của các quy định pháp luật liên quan đến tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”
Chúng ta có thể thấy rằng khái niệm tiền giả được quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg và khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2013/TT-NHNN về cơ bản là giống nhau nhưng có nội hàm hẹp bởi khái niệm tiền giả trong các văn bản pháp luật nêu trên không đề cập đến các loại tiền giả khác, bởi lẽ ngoài tiền Việt Nam đồng thì còn tiền của nước ngoài nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam. Hơn thế nữa, cùng là khái niệm tiền giả nhưng lại có sự mâu thuẫn trong định nghĩa về tiền giả giữa Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP với Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg và Thông tư số 28/2013/TT-NHNN. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu cơ quan hành pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ chỉ quy định “tiền giả” là tiền Việt Nam đồng. Trong khi đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, với tư cách là cơ quan tư pháp lại quy định tiền giả bao gồm cả tiền Việt Nam đồng, tiền của nước ngoài nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam và ngân phiếu, công trái.
Trong một thời gian khá dài, không có sự thống nhất về khái niệm tiền giả trong hệ thống phát luật nên đã ít nhiều gây lúng túng cho các cơ quan thi hành pháp luật. Hiện nay, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực mà chưa có văn bản mới thay thế hướng dẫn Điều 207 BLHS năm 20015 nên về nguyên tắc, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng các văn bản pháp luật đang có hiệu lực để xác định thế nào là tiền giả. Theo tinh thần của các quy định pháp luật hiện hành, cơ quan tố tụng chỉ có thể khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo Điều 207 BLHS năm 2015 trong trường hợp tiền giả là Việt Nam đồng.
Thực tiễn cho thấy việc cơ quan tố tụng chứng minh cấu thành tội phạm liên quan đến 03 yếu tố: Khách thể; chủ thể; mặt khách quan của tội phạm đối với tội danh này ít khi vướng mắc. Tuy nhiên, đối với yếu tố “mặt chủ quan của tội phạm” thì có khá nhiều vấn đề đáng bàn và dưới đây là nội dung một vụ án mà bị cáo bị truy tố về tội “lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015.
Theo cáo trạng ngày 17/12/2021 của Viện kiểm sát nhân dân quận BTL: Khoảng 20h ngày 25/8/2021, khi B.T.H. đang bán hàng ở ngoài cổng chợ DV thì có 02 thanh niên (không rõ nhân thân, lai lịch, đeo khẩu trang kín) đến mua của H. 640.000 đồng tiền hàng (trả bằng 06 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng và 01 tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng). H. nhận tiền cất vào ví và đến khi về nhà kiểm đếm tiền chợ thì nghi ngờ 06 tờ tiền trên là giả (do nhìn mắt thường thấy cả 06 tờ tiền đều có cùng 1 số seri, màu sắc đậm hơn và mỏng hơn tờ tiền thật) nên đã trộn lẫn với tiền thật trong ví. Khoảng 5h30 ngày 26/8/2021, H. mang ví cùng toàn bộ số tiền giả đến chợ đầu mối MK mua 65.000 đồng tiền rau của chị K.T.P. H. sử dụng 01 tờ tiền 100.000 đồng ra trả cho chị P., chị P. không phát hiện ra nên nhận và trả lại cho H. 35.000 đồng tiền thừa. Sau đó, H. tiếp tục dùng 02 tờ tiền 100.000 đồng ra trả cho anh Đ.V.Đ. để mua 195.000 đồng tiền rau thì bị anh Đ. phát hiện và nói to “đây là tiền giả, không lấy tiền này” nên H. cất 02 tờ tiền này vào ví và đưa 01 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng cho anh Đ. Anh Đ. trả lại 5.000 đồng tiền thừa. Khi bị anh Đ. phát hiện, H. không dừng lại mà tiếp tục dùng 03 tờ tiền 100.000 đồng giả và 50.000 đồng tiền thật để mua hàng của chị C.T.D. hết 370.000 đồng tiền rau thì bị chị D. phát hiện là tiền giả và yêu cầu đưa tiền thật nên H. cất 03 tờ tiền giả vào ví rồi lấy 01 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng để trả cho chị D. Khi H. chuẩn bị ra về thì bị mọi người báo anh Đ.T.N. Anh N. đã giữ H. lại và trình báo Công an phường MK bắt giữ H. cùng vật chứng như trên.
Tại cơ quan điều tra H. khai nhận hành vi của mình như trên. H. phát hiện 06 tờ tiền trên là giả do nhìn mắt thường thấy cả 06 tờ đều có cùng số sê ri, màu sắc đậm hơn và mỏng hơn tờ tiền thật nên đã trộn lẫn với tiền thật trong ví để tiêu. Đối với 02 thanh niên, cơ quan điều tra không thể xác minh. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định và có kết luận 06 tờ tiền 100.000 đồng là giả. H. bị truy tố về tội “Lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015.
Hiện nay, pháp luật quy định lỗi cố ý có hai loại là: Cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp(4). Do đó, để truy tố, xét xử H. về tội “Lưu hành tiền giả” thì cơ quan tố tụng đã tiến hành chứng minh lỗi cố ý của H. thông qua 02 nhóm hành vi sau: Sau khi H. nhận tiền của 02 thanh niên mang về nhà xem và thấy số sê ri trùng nhau nên biết là tiền giả nhưng vẫn trộn tiền thật với tiền giả để sáng hôm sau mang đi tiêu; H. mang tiền giả đi tiêu, khi bị anh Đ. phát hiện là tiền giả và nói to “đây là tiền giả” nhưng H. không dừng lại mà tiếp tục dùng 03 tờ tiền 100.000 đồng giả mua hàng của chị C.T.D.
Mặc dù nội dung trong các Bản kiểm điểm và Biên bản hỏi cung bị can tại cơ quan điều tra liên quan đến nhóm hành vi thứ nhất tương đồng với Kết luận điều tra. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ và tham gia thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Luật sư nhận thấy có nhiều điểm bất hợp lý trong Kết luận điều tra liên quan đến nhóm hành vi này, cụ thể: Các Bản kiểm điểm và nhiều Biên bản hỏi cung bị can (nhất là các tài liệu ban đầu) có nội dung, văn phong rất giống nhau; tại giai đoạn điều tra, không có luật sư dự cung trong các lần bị can làm việc với cơ quan điều tra; hồ sơ vụ án phản ánh trình độ học vấn của bị cáo là 6/12 và mắt bị cáo chỉ còn 20/100. Chính vì vậy, với trình độ nhận thức và mắt bị cáo như vậy thì việc sau khi đã nhận tiền của 02 thanh niên trong buổi tối ngày 25/8/2021, bị cáo về nhà rồi kiểm tra phát hiện ra 06 tờ tiền đó là tiền giả và trộn vào tiền thật để sáng sớm ngày 26/8/2021 mang đi tiêu là chưa có sức thuyết phục. Do đó, việc cơ quan tố tụng xác định yếu tố lỗi cố ý của bị cáo đối với nhóm hành vi thứ nhất chưa có cơ sở chắc chắn.
Về nhóm hành vi thứ hai, cơ quan tố tụng xác định yếu tố lỗi cố ý của bị cáo là có cơ sở. Chính vì vậy, ngày 22/12/2021, bị cáo H. đã bị Tòa án nhân dân quận BTL đưa ra xét xử về tội “Lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLHS năm 2015 và tuyên mức án 03 năm tù giam. Mức án này là khá nặng đối với bị cáo bởi lẽ bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm (s) và (x) Điều 51 BLHS năm 2015. Hơn thế nữa, động cơ mục đích của bị cáo không vì vụ lợi mà chỉ là do không hiểu biết pháp luật, do tiếc tiền. Khi khám nhà bị can, cơ điều tra không tìm thấy tiền giả ngoài 06 tờ tiền giả đã thu. Qua vụ án nêu trên cho thấy, việc xác định yếu tố “lỗi cố ý” là một trong những vấn đề then chốt để chứng minh có hay không hành vi phạm tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.
Đề xuất hoàn thiện pháp luật
Như đã phân tích ở trên, hiện nay do chưa có sự thống nhất khái niệm tiền giả trong các văn bản pháp luật, vì vậy nhà làm luật cần sớm ban hành quy định thống nhất khái niệm “tiền giả” giữa cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Việc này có thể thực hiện theo hướng ban hành thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước hoặc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Điều 207 BLHS năm 2015.
Thực tiễn cho thấy, ngoài tiền Việt Nam đã và đang bị làm giả thì tiền của nước ngoài nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam (ngoại tệ) cũng đang bị làm giả và tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tại Việt Nam. Chính vì vậy, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để xác định là đối với hành vi làm, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành ngoại tệ giả thì có cơ sở để khởi tố, điều tra, truy tố xét xử theo Điều 207 BLHS năm 2015 hay không? Nếu pháp luật xác định hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành ngoại tệ giả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo Điều 207 BLHS năm 2015 thì trình tự, thủ tục giám định để xác định tiền đó là giả được thực hiện như thế nào?
Về vấn đề này, tác giả thấy rằng để có căn cứ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can, bị cáo về tội danh nêu trên thì việc đầu tiên cơ quan tố tụng phải làm là có được kết luận giám định của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, khẳng định ngoại tệ đó là giả. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy là xuất phát từ lý do an ninh tiền tệ nên sẽ khó có quốc gia liên quan đồng ý cung cấp bộ tiền mẫu cho Việt Nam để thực hiện việc giám định. Khi đã không thực hiện được việc giám định thì cũng không có căn cứ để kết luận số ngoại tệ đó là tiền thật hay tiền giả, để từ đó xem xét trách nhiệm hình sự đối với người đã có hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Hơn thế nữa, khách thể của tội này là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tiền tệ quốc gia. Do vậy, chỉ có những hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là Việt Nam đồng thì mới gây tác động xấu, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ của Việt Nam. Đối với hành vi mua bán, trao đổi ngoại tệ giả, xét cho cùng, không ảnh hưởng nhiều đến an ninh tiền tệ của Việt Nam, có chăng chỉ là ảnh hưởng, gây thiệt hại về tài sản cho những tổ chức, cá nhân thu mua hoặc nhận đổi ngoại tệ giả. Trong trường hợp không khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi làm, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành ngoại tệ giả theo Điều 207 BLHS năm 2015 thì khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử theo tội danh nào của BLHS năm 2015? Đây chính là những vấn đề cần sớm được nhà làm luật xem xét và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Trong 04 yếu tố cấu thành tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” thì yếu tố lỗi rất quan trọng, bởi lẽ các cơ quan tố tụng chỉ có thể truy tố, xét xử khi xác định được bị can, bị cáo thực hiện các hành vi nêu trên với lỗi cố ý. Việc xác định yếu tố lỗi không chính xác rất dễ tạo ra các vụ án oan sai, nhất là trong trường hợp nghiệp vụ của cán bộ tố tụng còn hạn chế hoặc cán bộ làm việc không công tâm...
Chính vì vậy, để hạn chế oan sai có thể xảy ra đối với tội danh này, pháp luật cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục tại giai đoạn điều tra nhằm hạn chế việc cơ quan điều tra có thể áp đặt ý chí chủ quan đối với hành vi khách quan của bị can, bị cáo bởi thực tiễn cho thấy là trong nhiều trường hợp, tiền giả rất tinh vi, người dân rất khó phát hiện đó là tiền giả nếu không giám định hoặc không có máy chuyên dụng kiểm tra. Khi người dân không biết đó là tiền giả nhưng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền đó mà bị phát hiện là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan tố tụng làm việc không công tâm hoặc vì lý do nào đó cố tình “gò” vụ án theo hướng có tội bằng việc “lái” từ lỗi vô ý sang lỗi cố ý và cụ thể hóa việc đó thông qua các biên bản hỏi cung bị can. Trong khi đó, cho dù cải cách tư pháp đã hướng tới tôn trọng tranh tụng tại phiên tòa nhưng tình trạng “án tại hồ sơ” vẫn xảy ra. Chính vì vậy, liên quan đến việc chứng minh lỗi cố ý của bị can, bị cáo đối với tội danh này, cơ quan tố tụng cần phải rất thận trọng, làm việc công tâm để bảo đảm làm sao không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Yêu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” là tất yếu, khách quan để từ đó, cơ quan tố tụng có cơ sở áp dụng pháp luật thống nhất. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao khả năng chuyên môn của cán bộ thực hiện tố tụng kết hợp với bồi dưỡng đạo đức cán bộ, công chức nhằm bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ nói riêng.
(1) A Case for the World's Oldest Coin, “Lydian Lion”. http://rg.ancients.info/lion/article.html, access at 21: 15 PM, date March 01th, 2022. (2) Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Tiền giả”. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%81n_gi%E1%BA%A3, ngày 02/3/2022. (3) Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự đã hết hiệu lực. (4) Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015. |
Tiến sĩ, Luật sư NGÔ VĂN HIỆP
Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (HALF)
Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát