Ảnh minh họa.
Căn cứ vào phương thức tính thù lao Luật sư được quy định tại Điều 55 Luật Luật sư. Tại mục c, khoản 2, Điều 55 quy định thù lao được tính theo: “Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị Hợp đồng, giá trị dự án”.
Khoản thù lao Luật sư được thỏa thuận theo tỷ lệ % giá trị tài sản, bản án tuyên khách hàng được thụ hưởng được coi là thỏa thuận thù lao Luật sư tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện phù hợp quy định của pháp luật.
Khoản thù lao này được xác định trên cơ sở Điều 120 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự có điều kiện. Theo đó, thời điểm phát sinh hiệu lực của giao dịch này là thời điểm có bản án, quyết định của Tòa án tuyên đương sự được nhận tiền, tài sản.
Thời điểm và điều kiện phát sinh hiệu lực của thỏa thuận này là thời điểm có bản án, quyết định của Tòa án (hoặc thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án) tùy thuộc vào mốc thời gian các bên thỏa thuận và ghi rõ trong Hợp đồng. Khi chưa đến mốc thời điểm được các bên thỏa thuận trong hợp đồng thì điều kiện phát sinh hiệu lực của giao dịch dân sự có điều kiện chưa phát sinh, khi đó giao dịch dân sự có điều kiện đó chưa phát sinh hiệu lực và Luật sư chưa được đòi hỏi khách hàng thanh toán khoản thù lao này.
Hiện nay, có quan điểm cho rằng khoản thù lao thỏa thuận theo tỷ lệ % giá trị tài sản mà khách hàng của Luật sư được thụ hưởng là một khoản hứa thướng của khách hàng với Luật sư. Tác giả chưa đồng tình với quan điểm này vì hứa thưởng theo quy định tại Điều 570 Bộ luật Dân sự năm 2015 là Hành vi pháp lý đơn phương. Thỏa thuận thù lao theo tỷ lệ % giá trị vụ kiện được các bên thỏa thuận và đưa vào hợp đồng là giao dịch dân sự song vụ.
Pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nghiêm cấm việc Luật sư hứa hẹn và cam kết kết quả vụ việc với khác hàng. Do vậy, việc thỏa thuận mức thù lao theo tỷ lệ % giá trị tài sản khách hàng được thụ hưởng theo bản án, quyết định của Tòa án mặc dù là phù hợp pháp luật nhưng nêu thỏa thuận này kèm theo các hứa hẹn, điều kiện khác nhằm hướng đến việc cam đoan, cam kết kết quả thắng thua cho khách hàng sẽ là vi phạm. Đây cũng là một ranh giới nhạy cảm cần được các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hết sức lưu ý khi thỏa thuận và thiết lập hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Luật sư nhận tiền tạm ứng của khách hàng trước khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý có phù hợp không?