Luật sư nhận tiền tạm ứng của khách hàng trước khi ký hợp đồng dịch vụ pháp lý có phù hợp không?

07/06/2023 06:00 | 11 tháng trước

(LSVN) - Luật sư A. cùng khách hàng gặp gỡ, trao đổi, thống nhất việc khách hàng mời Luật sư A. bảo vệ cho mình trong vụ án. Khách hàng tạm ứng cho Luật sư số tiền 50 triệu và hẹn sẽ đến ký hợp đồng dịch vụ pháp lý. Vậy, Luật sư nhận tiền của khách hàng khi chưa ký hợp đồng dịch vụ pháp lý như vậy có phù hợp không?

Ảnh minh họa.

Điều 26 Luật Luật sư quy định: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức”. Luật quy định Luật sư không được cung cấp dịch vụ pháp lý khi không ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Gặp gỡ, thương lượng, thỏa thuận, ký kết, thực hiện hợp đồng là cả quá trình, trong trường hợp Luật sư nhận tạm ứng trước của khách hàng nhưng sau đó ký hợp đồng, thực hiện theo hợp đồng dịch vụ pháp lý là phù hợp quy định pháp luật.

Trường hợp Luật sư nhận tiền tạm ứng của khách hàng nhưng sau đó không ký hợp đồng dịch vụ pháp lý là vi phạm.

Trường hợp Luật sư nhận tạm ứng của khách hàng và sau đó có ký hợp đồng dịch vụ pháp lý nhưng không đưa khoản tiền đã nhận tạm ứng thành tiền thù lao theo hợp đồng cũng sẽ là hành vi vi phạm vì khi đó mặc dù có hợp đồng nhưng vi phạm quy định về việc thu tiền ngoài hợp đồng.

Do vậy, Luật sư nhận tạm ứng của khách hàng là phù hợp nhưng sau đó phải chuyển số tiền đã nhận tạm ứng về cho tổ chức hành nghề Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư ký kết hợp đồng với khách hàng đồng thời chuyển hóa khoản tiền tạm ứng thành tiền thù lao Luật sư theo hợp đồng mới là hành vi ứng xử phù hợp, không vi phạm.

Đàm phán, thỏa thuận trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý là cả quá trình, với nhiều hành vi, trong đó, các bên sẽ đưa ra các đề nghị, điều kiện của mình (đề nghị giao kết hợp đồng). Khi đề nghị giao kết hợp đồng được bên kia chấp thuận toàn bộ, các bên thống nhất khi đó các bên tiến hành các thủ tục để ký kết hợp đồng. Trong quá trình đó, khách hàng có thể đưa ra đề nghị giao kết thông qua lời nói, phương tiện điện tử, bằng việc làm cụ thể trong đó có hành vi chuyển tiền tạm ứng, sau đó các bên tiếp tục thỏa thuận, thống nhất các nội dung khác như thời gian ký hợp đồng, giới hạn công việc… Việc chuyển và nhận tiền tạm ứng là hành vi đề nghị giao kết hợp đồng của khách hàng phù hợp pháp luật dân sự, không trái pháp luật Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Sau khi chuyển và nhận khoản tiền tạm ứng các bên phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, trong đó thống nhất chuyển khoản tiền này thành tiền thù lao Luật sư. Như vậy, đề nghị giao kết hợp đồng được các bên thống nhất chuyển hóa thành nội dung chính thức của hợp đồng. Điều này phù hợp pháp luật Luật sư và pháp luật dân sự.

Thực tế hành nghề khi khách hàng đến gặp Luật sư, Luật sư đã tư vấn, giải đáp và hướng dẫn pháp lý ban đầu cho khách hàng. Có như vậy khách hàng mới tin tưởng, cân nhắc việc có thuê Luật sư hay không. Khi đã tin tưởng khách hàng ứng trước một khoản tiền để chắc chắn Luật sư sẽ nhận vụ việc của mình, không từ chối khách hàng. Đây là niềm tin của khách hàng với người Luật sư và nghề Luật sư. Sau đó, khách hàng cùng Luật sư làm các thủ tục ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Điều này phù hợp với thông lệ và bản chất mối quan hệ Luật sư với khách hàng được tạo lập trên cơ sở niềm tin lẫn nhau và sau đó được thể hiện qua Hợp đồng dịch vụ. Điều này là hoàn toàn bình thường và phù hợp thông lệ vì không phải khi nào Luật sư cũng đòi hỏi khách hàng phải trả tiền trước khi ký hợp đồng, trước khi tư vấn, tiếp xúc ban đầu với khách hàng. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam