/ Luật sư trực ban
/ Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng?

Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng?

11/04/2022 10:34 |

(LSVN) - Tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng sẽ bị hạn chế một số đặc quyền hoặc giao dịch vì đang phải thực hiện nghĩa vụ tài sản. Tuy nhiên, liệu có được kê biên thi hành án với tài sản đang thế chấp tại ngân hàng? Bạn đọc K.H.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Tài sản đang thế chấp tại ngân hàng có được kê biên không?

Tư vấn về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thế chấp tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 292, Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, khi thế chấp tài sản, khoản 8, Điều 320, Bộ luật Dân sự quy định:

Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 321 của Bộ luật này.

Trong đó, khoản 4 và khoản 5, Điều 321, Bộ luật Dân sự nêu rõ, hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ được:

- Bán, trao đổi, tặng cho nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của Luật.

- Cho thuê, cho mượn nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn và bên nhận thế chấp.

Đồng thời, về việc kê biên, xử lý tài sản đang được thế chấp, Điều 90, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định nếu người phải thi hành án không có tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án thì tài sản thế chấp sẽ bị kê biên, xử lý nếu giá trị của tài sản thế chấp này lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm cộng thêm chi phí cưỡng chế thi hành án.

Tuy nhiên, nếu kê biên, thi hành án tài sản đang thế chấp tại ngân hàng thì ngân hàng phải được Chấp hành viên thông báo ngay về việc kê biên, xử lý thi hành án.

Trong trường hợp này, khi bán tài sản hoặc xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền nhận được phải được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng sau khi trừ đi án phí của bản án hoặc quyết định đó cùng với chi phí cưỡng chế…

Đặc biệt, nếu ngân hàng không phải là người được thi hành án thì ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản khác (căn cứ khoản 20, Điều 1, Luật sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2014).

Ví dụ: Nếu thi hành án để trả nợ cho ngân hàng thì thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ là: Án phí, chi phí cưỡng chế, tiền thuê nhà trong 01 năm (nếu đấy là nhà ở duy nhất của người thi hành án mà sau khi thanh toán không đủ tiền để thuê nhà), tiền nợ ngân hàng.

Ngược lại, nếu kê biên tài sản đang thế chấp để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông thì tiền bán tài sản thế chấp sẽ được ưu tiên thanh toán số tiền nợ cho ngân hàng trước sau đó mới đến việc bồi thường thiệt hại…

Như vậy, có thể thấy, tài sản đang thế chấp hoàn toàn có thể được sử dụng để kê biên, thi hành án nếu người bị thi hành án không có tài sản khác hoặc tài sản của người này không đủ để thi hành án và giá trị của tài sản thế chấp lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Cần lưu ý gì khi kê biên nhà, đất đang thế chấp tại ngân hàng?

Theo quy định tại Điều 88, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trước khi kê biên tài sản ít nhất 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế cùng với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên.

Khi kê biên nhà đất đang thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo cho ngân hàng biết và khi xử lý tài sản kê biên, ngân hàng sẽ được ưu tiên thanh toán như quy định đã nêu ở trên.

Khi được thông báo nhưng nếu đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác. Nếu được thông báo hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt thì vẫn tiến hành kê biên nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ nội dung này vào biên bản kê biên.

Trong đó, biên bản kê biên phải lập thành văn bản và ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên cũng như họ tên Chấp hành viên, đương sự, người lập biên bản, người làm chứng, người có liên quan, diễn biến, mô tả tình trạng của từng tài sản…

VŨ QUÝ

Người thân bồi thường thay thì người phạm tội có được giảm án?

Lê Minh Hoàng