Đầu tháng 02/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư này quy định giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Vậy nên đã gây ra thực trạng giáo viên phải đổ xô đi học, thi chứng chỉ để "giữ hạng, giữ lương".
Các thông báo chiêu sinh có thể được gửi về các trường, được thông báo ở các trường đại học, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của tỉnh, huyện… Nhiều trường phổ thông vì thế mà đã đăng ký với các trường đại học để mở lớp tại trường, mời giảng viên của các trường đại học về tại trường mình để giảng dạy.
Tốn kém và không hiệu quả
Trước những thắc mắc của giáo viên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, giáo viên muốn nâng hạng thì cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh.
Giáo viên muốn giữ hạng cũng cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, đối với những thầy cô còn thiếu chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, cần đợi đến khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT mới đi học; tránh tình trạng lo lắng và tự đi học vì thấy có một số trung tâm đang quảng cáo mời chào học trực tuyến để trục lợi.
Đã có rất nhiều ý kiến của các giáo viên phản ánh về việc này, họ cho rằng, dù chứng chỉ nghề nghiệp trong quy định của Luật Viên chức nhưng Luật đó cũng cần phải hợp lí vì rất nhiều giáo viên đã đi dạy 10, 15, 20 năm. Biết bao thế hệ học sinh đã ra trường, vậy mà giờ lại phải đi học chứng chỉ nghề nghiệp, thật quá vô lí. Trong đó họ học từ các trường sư phạm ra việc bắt họ có thêm chứng chỉ này có phù hợp không? Có chồng chéo không? Hay việc học này bắt giáo viên gánh thêm một khoản phí đi học cho các cơ sở đào tạo nhưng kết quả chỉ là hình thức đối phó với cấp trên mà không có tính thực tế. Vậy việc có chứng chỉ này có nên chăng?.
Hiện cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên đang giảng dạy. Theo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông vừa được công bố thì giáo viên từ hạng III trở lên đều phải có chứng chỉ này.
Tạm tính con số 1,3 triệu giáo viên hiện nay trừ đi những thầy cô sắp về hưu, những thầy cô giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ là 300.000 thì sẽ còn 1 triệu nhà giáo.
Nếu cả 1 triệu nhà giáo trên cả nước đi học chứng chỉ lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì chúng ta sẽ thấy đội ngũ nhà giáo phải đầu tư một số tiền ít nhất từ 2,2 nghìn tỉ đồng trở lên. Đây quả thật là một con số lớn và nếu dành nguồn lực này cho việc nâng cao cuộc sống cho giáo viên hoặc trang bị các thiết bị dạy học hiện đại cho nhà trường thì số kinh phí này mới thực sự vì học sinh thân yêu, vì giáo dục.
Thầy P.H.S., giáo viên trường trung học phổ thông ở Hà Nam chia sẻ: “Đổi mới là rất tốt nhưng điều kiện cơ sở vật chất của các trường để đáp ứng nhu cầu phương pháp là rất khó làm. Về lý thuyết thì không sai nhưng không phải trường nào cũng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, không phải bất cứ giáo viên nào cũng đáp ứng được. Điều này là khó triển khai, khó thực hiện theo mong ước”.
Một thực tế đau lòng tại các cơ sở giáo dục hiện nay không có các thiết bị dạy học để giáo viên có thể áp dụng công nghệ thông tin, lý do thiếu kinh phí. Vậy phải chăng dành số tiền 2,2 nghìn tỉ đồng kia để nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường thì tốt biết bao nhiêu!.
Chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung cụ thể gồm: Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung; Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp; Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.
Đây không phải là kiến thức chuyên môn nên chăng ngành giáo dục cần tập trung thời gian tổ chức bồi dưỡng phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên về phương pháp giảng dạy thì thiết thực hơn.
Để được đứng trên bục giảng thầy cô phải mất 3 năm đối với hệ Cao đẳng sư phạm, 4 năm với hệ Đại học sư phạm đảm bảo được trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong giảng dạy và thể hiện trong các văn bằng cao đẳng, đại học sư phạm (hoặc chứng chỉ sư phạm cho giáo viên tốt nghiệp đại học ngoài sư phạm).
Theo ý kiến của đa số giáo viên việc phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III là không cấp thiết và cần thiết vì như phân tích ở trên, không phải học để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, cho việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm 2020-2021 (đối với lớp 2 - 6) mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ.
Cần thiết phải xem xét lại
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ: "Giáo viên là nghề hoạt động cả ngày. Công việc rất nhiều, áp lực cũng rất lớn. Công việc của giáo viên đòi hỏi sự minh mẫn, linh hoạt và thời gian kéo dài cả ngày. Hiện nay, công việc phi giáo dục của giáo viên đã quá nhiều, lấy đi của họ thời gian và công sức. Việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và chăm sóc học sinh".
"Đưa ra thêm các chuẩn, các quy định rồi yêu cầu giáo viên đi học không có tác dụng gì với giáo viên và học sinh mà chỉ khiến cho họ thêm mệt mỏi và áp lực. Vì thế, tôi thấy rất cần thiết phải xem xét lại quy định này", Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho hay.
Đánh giá về việc việc yêu cầu tất cả giáo viên phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp liệu có phù hợp không khi chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung không phải kiến thức chuyên môn, không phải học để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy mà chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ, Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nhận định: "Nghiệp vụ dạy học, nghiệp vụ quản lý học sinh cần được rèn luyện thực tế và được bổ trợ trong các buổi tập huấn. Tuy nhiên, hiện giờ số buổi tập huấn giáo viên đã quá nhiều, gây ảnh hưởng đến thời gian đứng lớp của họ. Đặc biệt nội dung các buổi tập huấn hầu như giống nhau. Điều này gây ra ức chế và mệt mỏi cho giáo viên. Nếu như việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là bắt buộc, dù hoàn toàn không muốn, các giáo viên vẫn phải sắp xếp thời gian đi học. Rõ ràng đây là bất cập cần được tháo gỡ sớm".
Có lẽ sẽ hay hơn nếu Bộ chủ trương chỉ quy định cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với những trường hợp thi hoặc xét thăng hạng cao hơn. Có quy định miễn giảm chứng chỉ này đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu. Trường hợp những giáo viên đã học các chứng chỉ ở mức cao hơn theo các quy định trước đây thì không cần học lại.
Bên cạnh đó, lồng ghép các nội dung về tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp… cho sinh viên sư phạm khi các em còn đang học ở các trường đại học, cao đẳng. Khi đã ra trường, được tuyển dụng thì Bộ chỉ nên tập huấn, bồi dưỡng về chuyên ngành dạy học của giáo viên, không nên yêu cầu các loại chứng chỉ như hiện nay. Những kiến thức trùng lặp trong đào tạo, bồi dưỡng sẽ gây phản cảm, lãng phí, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học không những vậy còn gây ra tốn kém, không hiệu quả, gây bất bình cho đội ngũ giáo viên.
TRÀ MY