Nên dừng dạy học trực tuyến đối với bậc tiểu học?

25/02/2021 15:00 | 3 năm trước

(LSVN) - Giữa đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, công tác dạy và học bị gián đoạn, giải pháp cho phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” chính là dạy học trực tuyến. Nhưng đây chỉ là biện pháp trong ngắn hạn, nhất là đối với các em học sinh bậc tiểu học vì vẫn tồn tại nhiều hạn chế về tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhà trường và gia đình.

 

Ảnh minh họa.

Việc áp dụng dạy học trực tuyến ngoài việc phát sinh một số vấn đề về cơ sở vật chất đối với các gia đình thì hiệu quả đem lại cũng rất thấp, nhất là đối với bậc tiểu học. Theo các giáo viên tham gia dạy trực tuyến thì ngoài kiến thức, nhiệt huyết thôi chưa đủ mà còn cần kỹ năng xử lý những tình huống ngoài ý muốn như có những tiết dạy trực tuyến xuất hiện người bên ngoài vào quậy phá làm ảnh hưởng đến giờ học. 

Khác với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, tính tự giác của học sinh tiểu học chưa cao, nhất là đối với học sinh lớp 1, 2. Chính vì vậy, khi các cơ sở giáo dục triển khai học trực tuyến đối với cấp tiểu học trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, khó khăn dồn lên cả học sinh và phụ huynh, trong khi hiệu quả dạy và học lại không cao.

Chị Trần Thị Hồng Thúy có 2 con đang học tại một trường tiểu học ở Hà Nội, trong đó 1 bé học lớp 1 và 1 bé học lớp 3 chia sẻ: “Từ lúc triển khai việc học online đến giờ, tối cứ 7h30 phút là tôi lại ngồi vào bàn học, khởi động máy tính lên để chờ đến giờ học online của lớp vào lúc 7h45 phút. Một bé học lớp 1, 1 bé học lớp 3 nhưng các môn học đều được dạy online, trong đó Toán, tiếng Việt, tiếng Anh (đối với lớp 3) học trực tuyến vào các buổi tối, còn các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Đạo đức, Thủ công, Tự nhiên và Xã hội thì một tuần 1 tiết”.

Để các con có thể học online theo yêu cầu của nhà trường, gia đình chị đã phải mua thêm 1 máy tính nữa để mỗi con có thể học 1 máy. Khi các con vào giờ học, chị Thúy cũng phải cùng ngồi học với con để hướng dẫn và hỗ trợ con trả lời câu hỏi.

“Do 2 con học cùng một khung giờ, thành ra phải chia các cháu ra, một cháu học ở phòng này, một cháu lại phải học phòng khác. Mới học thành ra các cháu thao tác cũng chưa được tốt, với lại đường truyền lúc được lúc không thành ra tôi cũng rất vất vả phải chạy qua chạy lại hướng dẫn cho các con”. 

Bên cạnh đó, nhiều trường tổ chức lịch học sớm nên không ít phụ huynh rất vất vả trong việc xoay xở, đối phó. Chị Tr., có con học lớp 2 tại Hà Nội cho biết, đúng 19h con gái chị phải vào lớp nếu muộn cô giáo sẽ khóa phòng. Do đó, chị đành tạm gác mọi công việc thường ngày để giúp con học đúng giờ, sinh hoạt gia đình theo đó cũng bị đảo lộn theo.

Quan sát lớp học online của con chị Tr. thấy thật sự hiệu quả không cao, thời gian đầu thấy các cháu còn nghiêm túc, sau một thời gian cô giáo phải liên tục nhắc học sinh tập trung. Ngoài việc các cháu nói chuyện riêng thì có vô vàn lý do làm ảnh hưởng đến giờ học, gây mất tập trung cho các bạn khác. Bản thân con gái chị Tr. cũng không tiếp thu được nhiều kiến thức từ buổi học vì thời gian học ngắn, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh không cao giúp các con nắm được nội dung bài học.

Bên cạnh đó, vì học sinh còn nhỏ nên phụ huynh cũng phải có thêm nhiệm vụ là nhớ lịch học của con mình, hỗ trợ thiết bị khi đường truyền mạng gặp trục trặc hay máy tính gặp vấn đề.

Không những vậy, bố mẹ nhiều bạn còn bận công việc không trông được nên gửi các em gửi về quê để ông bà trông hộ. Và ở quê thì điều kiện học tập online về đường mạng cũng như các phương tiện máy tính, ipad, điện thoại thì sẽ không được như khi ở trên thành phố. Chưa kể những gia đình không có đủ điều kiện để cung cấp cho cùng một lúc hai thiết bị cho con đi học.

Anh Hoàng Ngọc Long - có con học lớp 2 một trường tiểu học ở TP. HCM cho hay: “Gia đình chúng tôi bận việc phải đi làm, trước kia còn có thể đưa con đến trường các cô dạy nhưng bây giờ dịch bệnh phải học trực tuyến thì chúng tôi khó có thời gian ở nhà để kèm cặp bên cháu. Vì vậy, gia đình đã quyết định gửi cháu về quê nhờ ông bà trông hộ. Nhưng ông bà lại không biết mở laptop, đăng nhập ID lớp học; còn cháu thì cũng còn nhỏ không biết. Dù tôi đã hướng dẫn bà cách đăng nhập nhưng đôi lúc bà vẫn quên. Chưa kể khi máy tính gặp vấn đề thì cả bà và cháu đều không biết phải xử lý như thế nào”.

Gia đình anh cũng đang dự tính đến việc thuê gia sư cho con học online. Anh cho rằng việc học online với trẻ tiểu học phải được người có chuyên môn hỗ trợ mới hiệu quả. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện thuê người để hỗ trợ con học online.

Ngoài điều kiện vật chất thì nhược điểm của việc học online là thiếu tính xã hội, học sinh không tương tác với bạn học chung lớp nên kỹ năng khó phát triển. Các em còn nhỏ, học mà không được vận động thì sẽ thấy nhàm chán, không tập trung vào học. “Tôi thấy cháu ngồi ngay ngắn được 10 phút đầu, rồi khi màn hình bị lỗi mạng thì cháu lại lôi đồ chơi ra nghịch, khi kết nối được thì mới nhìn vào màn hình. Một lát thì đi vệ sinh, rồi ra giường nằm. Lúc ngồi vào ghế thì đã kết thúc tiết học”, anh Long chia sẻ khi quan sát con một buổi học.

Nhiều trường học đã chủ động thống nhất với cha mẹ học sinh để lựa chọn khung giờ học tốt nhất cho trẻ và phù hợp với điều kiện của các gia đình. Đặc biệt là học sinh lớp 1, cần phải chọn khung giờ để có thể phối hợp được với cha mẹ học sinh để kèm trẻ học. Vì vậy đa số sẽ dạy và học vào buổi tối trùng vào giờ sinh hoạt của gia đình. Phụ huynh đi làm đến tối mới về nhà nấu cơm dẫn đến việc các con vừa ăn vừa học online.

Không chỉ phụ huynh và học sinh “vất vả” trong việc học online mà tâm trạng của giáo viên cũng không khác gì. Chị Hoàng Thị Ánh Tuyết, giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ: “Về tinh thần, giáo viên cũng rất lo lắng. Chủ trương là dạy online, nhưng dạy như thế nào cho hiệu quả và được tất cả phụ huynh tương tác là một câu chuyện quá khó. Mình không thể bao quát hết tất cả mọi học sinh đang xem gì trên thiết bị, có đang tập trung vào bài giảng không hay đang lén xem một thứ khác”. 

Không gian xung quanh không yên tĩnh cũng là trở ngại rất lớn đến việc tập trung học của các em. Ngoài phòng khách ông bà mở thời sự, các em nhỏ chạy chơi xung quanh, người lớn nói chuyện công việc,… và rất nhiều tạp âm khiến các em xao lãng việc học. 

“Các tiết học tại lớp thì mình có thể tạo ra các hoạt động, trò chơi giúp các em vừa học, vừa phấn khởi nhưng khi dạy online thì mình càng phải suy nghĩ cách để thiết kế bài giảng sao cho vẫn tạo được sự hứng thú và tập trung cho các em. Ngay bản thân mình là giáo viên cũng gặp phải sự cố đường truyền như các em vậy. Có hôm mạng kém bị thoát ra mấy lần, mình cũng lo lắng việc bị lỗi mạng như vậy làm ngắt mạch học, gián đoạn sự tập trung của các em”, chị Tuyết bày tỏ.

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội.

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, học trực tuyến có hiệu quả quá thấp so với yêu cầu và so với học tập trực tiếp. Với mọi cấp học, học trực tuyến thường để mất thời gian ở các khâu công nghệ liên quan, sự tập trung của học sinh và những tác động ngoại cảnh.

Trong khi đó, thực tế, việc học không quá nặng, nhưng vì sự trông đợi quá mức ở công nghệ, với sự thiếu tin tưởng vào học sinh, ngành giáo dục đã ngay lập tức chọn 1 phương án không ổn. Phương án này còn dẫn đến vô khối hệ lụy như: ảnh hưởng mắt, thần kinh của trẻ, trẻ ham điện tử, máy tính, điện thoại hơn, trẻ ỉ lại hơn...”.

Trên thực tế, ngày 22/02, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đã cho dừng việc học trực tuyến cho học sinh khối lớp 1, lớp 2 vì có nhiều bất cập.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng, các em học sinh lớp 1 và 2 còn quá bé để tự sử dụng thành thạo máy tính cũng như các thao tác kỹ thuật trong quá trình học với thầy cô giáo. Trong khi đó, bố mẹ các em do bận đi làm hoặc những công việc khác nên không thể thường xuyên ở nhà để cùng học với các con. Việc chuyển thời gian dạy vào buổi tối muộn cũng không hợp lý do một số phụ huynh khác không thể đáp ứng.

“Với các học sinh khối 1 và 2, việc học trực tuyến gần như không có hiệu quả. Các con quá nhỏ, sức tập trung kém, cha mẹ đi vắng sẽ khiến các con gần như không thể kết nối với giáo viên. Vì thế, quyết định của Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng là hợp lý và cần thiết. Các địa phương khác cũng nên cân nhắc điều kiện của các học sinh như khả năng nhận thức, tập trung, khả năng sử dụng công nghệ của trẻ... để quyết định các phương án tương tự.

Với tình hình dịch bệnh kéo dài, các trường có thể bố trí cho học sinh học giãn cách theo phương án sau: 1 lớp đến trường 1 buổi duy nhất trong cả tuần. Ở trường, các con sẽ được chia thành các nhóm nhỏ từ 5 – 10 học sinh học trong 1 lớp với 1 giáo viên và ngồi đảm bảo giãn cách. Trong thời gian 1 buổi như vậy, học sinh học bài mới và nhận phiếu ôn tập trong cả tuần. Các lớp luân phiên học trong tuần thì vẫn đảm bảo được mọi mục tiêu học tập và giãn cách trong tình hình dịch bệnh kéo dài”, TS. Vũ Thu Hương chia sẻ.

Đánh giá về việc học online TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây đang là “thực tế đáng lo ngại”, “như là cái mốt”. Việc triển khai hình thức học chưa tính đến yếu tố cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của người học. Bởi, không phải học sinh nào cũng được trang bị máy tính, di động để học.

“Nếu học như thế thì không ổn, nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo”, Tiến sĩ Khuyến thẳng thắn nhận định.

Đối với giáo viên, phương pháp dạy trực tuyến cũng đang còn nhiều “bỡ ngỡ”, theo kiểu tự sáng tác, nhưng trong điều kiện hiện nay nên chấp nhận.

Thiết nghĩ, để việc dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học đạt hiệu quả, giáo viên nên chọn khung giờ phù hợp để phụ huynh có thể kèm con em mình. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần chủ động tính toán số lượng môn học; lựa chọn công cụ dạy học phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế. Quan trọng là nội dung bài giảng phải mang tính vừa học vừa chơi, vừa mang tính thực tiễn để phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Đáng chú ý, các bậc phụ huynh cũng cần tích cực phối hợp để hỗ trợ con em mình, nhất là học sinh lớp 1, tiểu học. Điều đó sẽ góp phần giúp các em học tập tốt hơn, lại vừa hỗ trợ được các thầy giáo, cô giáo cũng như nắm bắt được việc học tập của con em mình.

TRÀ MY

Bạo hành trẻ em là một tội ác!