/ Luật sư - Bạn đọc
/ Trách nhiệm pháp lý vụ người nước ngoài trồng cần sa tại bãi giữa sông Hồng

Trách nhiệm pháp lý vụ người nước ngoài trồng cần sa tại bãi giữa sông Hồng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư nhận định, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, đối tượng còn có thể bị trục xuất hoặc bị xử lý hình sự về tội “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” và tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ảnh minh họa.

Ngày 08/6 vừa qua, Công an quận Long Biên cho biết, qua công tác nắm địa bàn Đội CSĐT tội phạm về ma túy (Công an quận Long Biên, Hà Nội) phối hợp với Công an phường Ngọc Thụy phát hiện một đối tượng người nước ngoài trồng cần sa và tàng trữ trái phép chất ma tuý (cần sa khô) tại khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy.

Cụ thể, vào ngày 05/6, qua kiểm tra diện tích đất khoảng 3.000m2 tại khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, lực lượng Công an đã thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34kg và 40,268g cần sa khô.

Qua điều tra bước đầu, Công an quận Long Biên đã xác định được danh tính đối tượng người nước ngoài trồng cần sa và tàng trữ trái phép chất ma tuý (cần sa khô) là Frederic Tiberghien (sinh năm 1966), quốc tịch Pháp, tạm trú và làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lavie Vũ Linh, xã Vũ Linh (Yên Bình, Yên Bái).

Hiện, Công an quận Long Biên đang tiếp tục điều tra làm rõ, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm đối tượng theo quy định pháp luật.

Không phải mọi trường hợp người nước ngoài phạm tội đều bị dẫn độ

Theo Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết, theo Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về trường hợp bị dẫn độ, người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ 01 năm đến tù chung thân hoặc tử hình, hoặc đã bị tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất 06 tháng.

“Không phải mọi trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều bị dẫn độ”, Luật sư Hồng Dương cho biết.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Theo Luật sư Hồng Dương, khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

“Vì vậy, trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định nêu trên, căn cứ vào các cấu thành tội phạm người nước ngoài thực hiện, họ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật giống như công dân Việt Nam phạm tội”, Luật sư Hồng Dương nhận định.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

Về xử lý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao sáng cho biết, đối tượng có thể bị xử lý hành chính theo khoản 3 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

Ngoài ra, còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy”.

Điều 247, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy" như sau:

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” thì hành vi tàng trữ cần sa của đối tượng theo mức độ sẽ bị xử theo khung hình phạt.

Bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu tàng trữ nhựa cần sa có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam; Tàng trữ lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam.

Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu tàng trữ nhựa cần sa có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam; Tàng trữ lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam.

Bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm nếu tàng trữ nhựa cần sa có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam; Tàng trữ lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam.

Bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu tàng trữ nhựa cần sa có khối lượng 05 kilôgam trở lên; Tàng trữ lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa có khối lượng 75 kilôgam trở lên.

“Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuỳ vào số lượng cây trồng và khối lượng tàng trữ để áp dụng đúng khung hình phạt đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, Luật sư Dương cho biết.

Hình phạt trục xuất

Luật sư Hồng Dương cho biết thêm, trong các hình phạt áp dụng cho người phạm tội là người nước ngoài, trục xuất là hình phạt đặc thù nhất. Đối với hình phạt này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001, là văn bản được áp dụng chủ yếu hiện nay trong việc hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất.

Theo đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 này quy định trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam), buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Để hạn chế tình trạng trồng cần sa, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường nhiều biện pháp để truyền thông vận động, áp dụng nhiều biện pháp, đa dạng như báo nói, báo hình, tờ rơi, hội thảo, hội nghị; tuyên truyền luật phòng, chống ma túy cho người dân biết, hiểu, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn việc trồng cây cần sa”, Luật sư Đặng Hồng Dương bày tỏ quan điểm.

TRẦN MINH

Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Xử lý kỷ luật khiển trách là chưa thỏa đáng?

Lê Minh Hoàng