/ Trao đổi - Ý kiến
/ Có thể xử lý hình sự vụ cô giáo đánh bầm tím đùi học sinh ở Đắk Lắk

Có thể xử lý hình sự vụ cô giáo đánh bầm tím đùi học sinh ở Đắk Lắk

05/01/2021 18:12 |

(LSVN) – Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) bị cô giáo đánh bầm tím đùi. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Buôn Ma Thuột cho biết sẽ thành lập đoàn để kiểm tra vụ việc này.

Em T.B.T.Đ bị đánh bầm tím đùi. Ảnh: Facebook.

Chiều ngày 13/10, một tài khoản Facebook đăng thông tin, kèm hình ảnh bé gái bị đánh bầm tím và đen ở vùng đùi. Tài khoản này chia sẻ: “Đây là cháu T.B.T.Đ. (lớp 3, trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột) do cô A.T. chủ nhiệm. Cháu quên mang bảng con, bị cô giáo gọi lên bảng làm bài. Cháu làm bài sơ sài nên cô dùng thước gỗ đánh 15 cái vào đùi khiến cháu phải lết từ trên bảng về chỗ ngồi. Không chỉ riêng cháu bị đánh như vậy, cô này thường ném vở và tát các học sinh trong lớp, nhiều cháu bị đánh vào lưng”.

Trưởng phòng GD&ĐT TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - bà Mai Thị Hồng Hà cho biết, đơn vị sẽ thành lập đoàn để kiểm tra vụ việc giáo viên của trường TH Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đánh bầm tím đùi của một học sinh.

Theo bà Trịnh Thị Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du sự việc xảy ra ở lớp 3B do cô A.T.T làm chủ nhiệm. Nguyên nhân ban đầu là cô giáo phạt học sinh.

Liên quan vụ việc, ông Quang Văn Tuy, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cho biết công an xã đang xác minh, điều tra vụ việc. Theo ông Tuy, sự việc xảy ra vào thứ từ tuần trước (ngày 07/10), nhưng nhà trường không báo cáo và phía xã cũng chỉ biết thông qua mạng xã hội.

“Tôi đã nhắc nhở hiệu trưởng về việc không báo cáo chính quyền thì cô này đã xin lỗi. Ý của các cô là muốn xử lý nội bộ trong trường, tôi sẽ chấn chỉnh việc này”, ông Tuy nhấn mạnh.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh (Hãng Luật TGS - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đánh giá, trẻ em (những người dưới 16 tuổi) là đối tượng dễ bị tổn thương trước các tác động bên ngoài do đó luôn được toàn xã hội và pháp luật bảo vệ cao nhất. Vì bất kỳ lý do hay tình huống nào thì hành động đánh học sinh (đặc biệt là trẻ em) của giáo viên đều không thể  chấp nhận. Cần các cơ quan chức năng làm rõ và đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Theo Luật sư Khánh, trong trường hợp này, học sinh là người lệ thuộc giáo viên theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP, hành vi của giáo viên này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hành hạ người khác”. Cụ thể, khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình (người dưới 16 tuổi) có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
...

Gia đình có thể cho cháu bé đi giám định thương tật, qua đó làm căn cứ để tố giác hành vi cố ý gây thương tích của giáo viên. Nếu tỷ lệ thương tật dưới 11 %, cơ quan điều tra vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự  đối với giáo viên trên do hành vi này vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
...
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
...

Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, giáo viên trên có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự cho học sinh. Điều 27 của Nghị định 144/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định: Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em. Ngoài ra người có hành vi nêu trên còn phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

Giáo viên cũng có thể bị xử lý kỷ luật viên chức theo Điều 52 Luật Viên chức 2010 quy định như sau: Viên chức vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức (đối với viên chức quản lý), buộc thôi việc. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

AN NHIÊN

/san-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-trach-nhiem-cua-co-quan-quan-ly-den-dau.html